Hồng Kông (Trung Quốc) thông qua dự luật stablecoin

Hồng Kông (Trung Quốc) thông qua dự luật stablecoin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (21/5), Hồng Kông (Trung Quốc) đã thông qua dự luật stablecoin để mở rộng hệ thống cấp phép tiền điện tử khi ngày càng có nhiều chính phủ công nhận tài sản tiền điện tử này.

Không giống như các tài sản tiền điện tử dễ biến động khác như Bitcoin, giá trị của stablecoin gắn liền với một tài sản thực tế như tiền pháp định hoặc hàng hóa như vàng.

Tập trung vào các stablecoin được tham chiếu bằng tiền pháp định, luật mới sẽ yêu cầu các đơn vị phát hành stablecoin phải được cấp phép từ Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) và tuân thủ một loạt yêu cầu, bao gồm quản lý hợp lý dự trữ tài sản và phân tách tài sản của khách hàng.

Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông cho biết, luật này sẽ "cải thiện khuôn khổ quản lý hiện có của Hồng Kông về các hoạt động tài sản ảo (VA), do đó thúc đẩy sự ổn định tài chính và khuyến khích đổi mới tài chính". Cơ quan này cũng cho biết sẽ tiến hành thêm các cuộc tham vấn về khuôn khổ quản lý chi tiết. Trong đó, chính sách stablecoin dự kiến ​​sẽ có hiệu lực trong năm nay, với thời gian đủ để ngành này nắm bắt được các quy định.

Vào năm 2023, Hồng Kông đã giới thiệu hệ thống cấp phép cho tài sản tiền điện tử, yêu cầu các công ty tiền điện tử có trụ sở chính thức tại thành phố này phải có đơn xin cấp phép và đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu cụ thể để cung cấp tài sản tiền điện tử cho các nhà đầu tư cá nhân tại đây. Tuy nhiên, chính sách này đã không bao gồm stablecoin trong phạm vi được quản lý.

YeFeng Gong, Giám đốc rủi ro và chiến lược của HashKey OTC cho biết: "Chính sách stablecoin mới của Hồng Kông đặt ra chuẩn mực toàn cầu bằng cách yêu cầu hỗ trợ dự trữ đầy đủ, đảm bảo hoàn trả nghiêm ngặt và giám sát của HKMA".

Chính sách này "đảm bảo độ tin cậy ở cấp độ tổ chức cho các nhà đầu tư, đồng thời định vị Hồng Kông là thị trường dẫn đầu về tính tuân thủ của tài chính kỹ thuật số", ông cho biết thêm.

Động thái mới từ Hồng Kông diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật GENIUS, đạo luật này sẽ thiết lập khuôn khổ quản lý đầu tiên cho các đơn vị phát hành stablecoin nếu được thực hiện.

Trong khi đó, động thái thúc đẩy quản lý stablecoin cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, với các khu vực pháp lý khác cũng đã triển khai khuôn khổ quản lý riêng, gồm Liên minh châu Âu, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Nhật Bản.

Chengyi Ong, người đứng đầu chính sách châu Á - Thái Bình Dương tại Chainalysis nhận định rằng các quy định mới nhất dự kiến ​​sẽ giúp áp dụng tiền điện tử và tính hợp pháp của tiền điện tử.

″Stablecoin tạo thành xương sống của hệ sinh thái tiền điện tử, nhưng tính ổn định của chúng cũng mở ra cánh cửa để sử dụng chúng trong việc khắc phục những bất ổn đang đeo bám tài chính truyền thống, chẳng hạn như thanh toán và giải quyết thanh toán xuyên biên giới còn chậm chạp…Tiện ích có khả năng biến đổi này là động lực thúc đẩy các chính phủ trên khắp thế giới, từ châu Âu đến châu Á để thực hiện các biện pháp hướng tới các hệ thống quản lý tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các tiền điện tử chất lượng cao", bà cho biết.

Theo Chainalysis, tổng vốn hóa thị trường của stablecoin là khoảng 232 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại.

Tin bài liên quan