Ông Đinh Tiến Dũng

Ông Đinh Tiến Dũng

“Hồng lên” nhờ cổ phần hóa

(ĐTCK-online) Ông Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nói về tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Bộ này.

Với màu hồng là chủ đạo trong báo cáo của Bộ Xây dựng, phải chăng công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (DN) của Bộ rất thành công?

Đến nay, Bộ Xây dựng đã chuyển đổi được 317 đơn vị thành công ty cổ phần. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các công ty cổ phần tăng đáng kể, với doanh thu tăng 14,29%, lợi nhuận trước thuế tăng 102,74%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ tăng 73,52%, cổ tức đạt bình quân 13,9%.

 

Các công ty cổ phần đều có chỉ số tăng trưởng rất tốt. Nhìn vào đó, có thể hiểu là các công ty này có một sự đột biến so với khi chưa CPH?

Đây là một thực tế sau khi nhận được báo cáo của các DN. Hầu hết DN đều đạt hiệu quả hoạt động cao sau CPH, chỉ có 16,5% công ty bị lỗ và 14,8% công ty bị giảm lãi. Như vậy, nếu so với kết quả sản xuất kinh, doanh của các DN này trước đây thì đó là một bước tiến đáng kể.

 

Xu hướng chung của Bộ Xây dựng là chuyển các tổng công ty sang hoạt động theo mô hình mẹ - con. Ưu điểm của mô hình này đã được kiểm chứng chưa và có ý kiến ngược chiều nào về mô hình đó không, thưa ông?

Bộ đã chuyển hết các tổng công ty sang mô hình này và thực tế cho thấy, đó là một mô hình tối ưu trong giai đoạn hiện nay, bởi mô hình này đã xoá bỏ mệnh lệnh hành chính trong quan hệ công ty mẹ - công ty con (công ty mẹ và công ty con chỉ thể hiện quan hệ thông qua hợp đồng kinh tế), tạo mối quan hệ bình đẳng và có lợi cho cả hai phía. Đây là kết quả của sự đa sở hữu tại các DN cổ phần. Với ưu điểm như vậy, những ý kiến trái chiều là thiếu cơ sở.

 

Quản lý tài chính theo mô hình công ty mẹ - công ty con đối với công ty con là công ty cổ phần xem ra còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết?

Không phải nhiều vấn đề, mà như chỉ đạo của Bộ Xây dựng thì chỉ có một vấn đề duy nhất là thay đổi nhận thức và tư duy về quản trị DN, cụ thể là chuyển sang mô hình gắn hoạt động của DN với quy luật giá trị, với thị trường.

 

Số vốn của Nhà nước tại các công ty cổ phần chiếm tới 54,65% nhưng vai trò của người đại diện cho phần vốn nhà nước tại DN lại có vẻ mờ nhạt. Vậy, Bộ Xây dựng có lo ngại về vấn đề này không và có phương án nào để phát huy hiệu quả của phần vốn lớn như vậy chưa?

Có thể đây đó có đại diện phần vốn cho Nhà nước tại các công ty cổ phần chưa thực sự phát huy vai trò của người đại diện, nhưng với hiệu quả đạt được, những vấn đề mang tính kỹ thuật sẽ được khắc phục.

Chúng tôi đã chỉ đạo nhiều DN bán bớt, hoặc bán hết phần vốn cổ phần của Nhà nước. Có thêm số vốn đó, các tổng công ty sẽ sắp xếp lại để giảm đầu mối, tiến tới không đầu tư tản mạn, manh mún để tập trung phân bổ vốn cho các hạng mục có hiệu quả cao.

 

Vấn đề nổi cộm là xác định giá trị doanh nghiệp khi CPH. Ông thấy có khó khăn gì về vấn đề này trong công tác chỉ đạo CPH DN tại Bộ Xây dựng không?

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện vấn đề này rất tốt và hiện mới chỉ thí điểm CPH các tổng công ty thôi. Thực tế cho thấy, cần có biện pháp cụ thể đối với các trường hợp cụ thể.

 

Xin ông nói rõ hơn những điều cụ thể đó?

Chẳng hạn, khi CPH Tổng công ty Vinaconex, Bộ đã chỉ đạo tách phần Trung tâm Thương mại Tràng Tiền ra giao cho Tổng công ty Quản lý vốn nhà nước để tránh vấn đề nhạy cảm. Vấn đề thương hiệu cũng được xử lý tốt, như các công ty xi măng Bút Sơn, Bỉm Sơn được tư vấn định giá thương hiệu là 80 tỷ đồng, nhưng Bộ đề nghị tăng lên 300 tỷ đồng nhằm tăng phần vốn của Nhà nước lên 1.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu cũng như khối lượng giao dịch cổ phiếu của hai công ty này trên thị trường chứng khoán đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương nói đó.