"Hộp đen" giá xăng dầu và giá điện

"Hộp đen" giá xăng dầu và giá điện

(ĐTCK-online) Vấn đề thời sự mấy ngày gần đây là tranh cãi của liên bộ Tài chính - Công thương về giá xăng dầu, nơi bảo giảm được, chỗ bảo không. Tuy vậy, "hộp đen" của giá xăng dầu, trong đó giải mã cơ cấu tạo nên giá thành, các loại phí quản lý, hoa hồng cho đại lý, các chi phí khác…của từng loại mặt hàng xăng dầu vẫn được giữ kín.

Bởi không có thông tin trên, nên giải thích của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với báo chí về việc họ không lãi nhiều như công bố của Bộ Tài chính vẫn khó tin. Giải mã hộp đen này, công chúng có thể hiểu tại sao giá xăng dầu có thể tăng hoặc giảm.

Petrolimex nói, năm 2011, Tổng công ty có thể lỗ tới 2.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp lỗ lớn như thế, song thu nhập của cán bộ Petrolimex, hoạt động của bộ máy Petrolimex dường như không mấy ảnh hưởng. Bài toán lỗ luôn được doanh nghiệp này nêu ra để tạo sức ép tăng giá xăng và cũng để trì hoãn giảm giá xăng. Nhiều chuyên gia bức xúc khi cho rằng, cơ chế điều hành xăng dầu như hiện nay không khuyến khích doanh nghiệp phải "vắt óc" để tìm thời điểm nhập, ký hợp đồng có lợi nhất cho người dân, cho đất nước, hơn thế lại tạo cơ hội cho những lợi ích khác. Tại sao Việt Nam là đất nước xuất khẩu dầu thô mà người dân không được hưởng nhiều lợi ích từ việc này như các quốc gia xuất khẩu dầu thô khác? Nếu cứ so sánh giá xăng dầu trong nước với những quốc gia hoàn toàn không có nguồn lợi tự nhiên từ dầu thô để kết luận rằng, giá xăng dầu tại Việt Nam quá thấp so với khu vực là không hợp lý. Lần này, dư luận kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có thể là người đầu tiên góp phần giải mã hộp đen đó. Song những người thận trọng thì hoài nghi: cục diện có thay đổi hay không, câu trả lời còn ở phía trước!

Nhìn rộng hơn chuyện giá xăng dầu là câu chuyện giá điện. Giá điện lại sắp tăng trong tương lai gần! Ngành điện cũng viện dẫn bài toán lỗ để tạo sức ép tăng giá điện. Trong lần tăng giá điện trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kêu lỗ 11.669 tỷ đồng và nợ hơn 10.000 tỷ đồng không có nguồn trả. Theo quy định của Chính phủ, khi giá đầu vào tăng trên 5% thì được điều chỉnh giá bán điện. Mới đây, EVN báo cáo giá đầu vào đã tăng trên 5%, nhưng đây là báo cáo của EVN, chứ không phải của một công ty kiểm toán độc lập có uy tín. Đầu vào của EVN như thế nào, chi phí quản lý, hao tổn điện năng ra sao, vẫn là một hộp đen bí ẩn với nhiều người.

Sự độc quyền đang song hành với những tồn tại dai dẳng của những “hộp đen” trong hoạt động của những ngành hàng thiết yếu, những doanh nghiệp được coi là trụ cột của nền kinh tế. Không thể để các doanh nghiệp này quẳng gánh lỗ lên vai khách hàng mà không tự cải thiện năng lực hoạt động. Kiềm chế lạm phát bằng cách nào khi những mặt hàng vốn là đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất khác như điện, xăng dầu…liên tục tăng giá? Sự không minh bạch của các đầu tàu sẽ là lực cản lớn với nền kinh tế Việt Nam.