Theo HoREA, đang có nhiều điểm "nghẽn" khiến thị trường địa ốc TP.HCMgặp khó khăn. Ảnh: Internet.

Theo HoREA, đang có nhiều điểm "nghẽn" khiến thị trường địa ốc TP.HCMgặp khó khăn. Ảnh: Internet.

HoREA kiến nghị 18 điều để phá “nghẽn” thị trường bất động sản

(ĐTCK) Theo HoREA, đang tồn tại 18 điểm bất cập, khiến thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh bị “nghẽn”.

Sau Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản TP. HCM ngày 7/11 vừa qua do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, chiều nay 14/11, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục gặp gỡ các doanh nghiệp để xem xét, giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; tạo điều kiện phát triển thị trường bất động sản thành phố minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững; hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp bất động sản và người tiêu dùng.

Chia sẻ với phóng viên trước cuộc gặp, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, HoREA sẽ đưa ra 18 kiến nghị, liên quan đến nhiều nội dung.

Cụ thể như khái niệm “đất ở”, giải quyết điểm nghẽn giải phóng mặt bằng, điểm nghẽn tiền sử dụng đất, điểm nghẽn chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án bất động sản, điểm nghẽn do chưa có quy định về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)…

Trước điểm nghẽn cấp phép, triển khai dự án do khái niệm “đất ở” tạo ra, HoREA đề xuất: Trong lúc chưa sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở, Hiệp hội đề nghị Chính phủ có văn bản giải thích từ "đất ở" như nội dung Văn bản 11153/VPCP-CN ngày 19/10/2017 của Văn phòng Chính phủ đối với đất "có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, đáp ứng một trong các điều kiện như:

Đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hoặc đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở; hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở" để các địa phương có căn cứ thực hiện, khắc phục điểm nghẽn này.

Về lâu dài, đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở, như sau: "Nhận chuyển quyền sử dụng đất (hoặc "đất ở và các loại đất khác") theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại" để thống nhất với Khoản (1.b) Điều 169 và Khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai.

Đề cập đến những rào cản trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, HoREA đề xuất với các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư đã được cho phép thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án (trước ngày 01/07/2014), mà chủ đầu tư chưa thỏa thuận hết được toàn bộ diện tích đất của người sử dụng đất trong phạm vi dự án thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư.

HoREA cho rằng, trước hết nên áp dụng đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng được từ 80% diện tích trở lên.

Đồng thời, để đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, chủ đầu tư dự án và lợi ích xã hội, Hiệp hội đề nghị cần có cơ chế hiệp thương, thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất đảm bảo 2 yêu cầu: (i) Bồi thường thỏa đáng cho người sử dụng đất phù hợp giá thị trường trên cơ sở thỏa thuận bình đẳng; (ii) Thực hiện quyền được tái định cư của người sử dụng đất trong khu vực dự án khi hội đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Cần có cơ chế hiệp thương, thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất.

Trước tình trạng, tiền sử dụng đất vẫn là "ẩn số", là "gánh nặng" và tạo ra cơ chế "xin-cho", làm cho quá trình tính tiền sử dụng đất dự án bị kéo dài gây khó khăn, HoREA cho rằng về lâu dài, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng bỏ "Khung giá đất" và giao quyền cho cấp tỉnh ban hành "Bảng giá đất" phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 108 Luật Đất đai 2013 để bổ sung quy định "Thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, với mức thu có thể là 15% bảng giá đất (bao gồm hệ số điều chỉnh giá đất k) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành", để đảm bảo công tác tính tiền sử dụng đất được minh bạch, loại trừ tiêu cực, nhũng nhiễu và cơ chế "xin - cho", như Văn bản số 196/BC-UBND ngày 08/11/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất. 

Tin bài liên quan