Nhiều cổ phiếu thu hút dòng tiền và mang lại lợi nhuận cao

Nhiều cổ phiếu thu hút dòng tiền và mang lại lợi nhuận cao

Hottrend: Điểm mặt những cổ phiếu nóng tuần qua (14 - 18/9/2020)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu SFG, ASM, HSG, TDG, LSS… tăng giá mạnh. Các mã MBB, HPG, ITA, TCB, VGC… không tăng giá nhiều, nhưng thu hút dòng tiền lớn.

Cổ phiếu SFG của Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam có mức tăng mạnh nhất sàn HOSE, gần 29%. Tuy nhiên, đây là cổ phiếu nhỏ, thị giá thấp, thanh khoản không cao, dù tăng vọt so với trước (tổng giá trị giao dịch khớp lệnh cả tuần chỉ hơn 5,4 tỷ đồng), nên chỉ thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trong bối cảnh SFG không có thông tin hỗ trợ, giá cổ phiếu tăng vọt chủ yếu là do bật lên từ vùng thấp, thị giá thấp hơn giá trị sổ sách và kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục được cải thiện (quý II/2020 lãi gần 9,2 tỷ đồng sau 3 quý trước đó lỗ tổng cộng hơn 12 tỷ đồng).

Cổ phiếu ASM của Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai tăng 23%, nâng tổng mức tăng sau 2 tuần lên 30%, đạt 8.250 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong gần 2 năm qua. Giá cổ phiếu này bật tăng sau khi Công ty khởi công giai đoạn 2 của Nhà máy điện năng lượng mặt trời Sao Mai, công suất 106 MW tại tỉnh An Giang, theo kế hoạch sẽ phát điện thương mại trước ngày 31/12/2020.

Nhà đầu tư kỳ vọng vào mảng mới là năng lượng tái tạo của ASM, dù lợi nhuận 2 quý đầu năm không bằng cùng kỳ năm ngoái và ở mức thấp so với kế hoạch cả năm.

ASM có gần 259 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên thanh khoản cao, tuần qua có 36,3 triệu đơn vị, trị giá 291,5 tỷ đồng được khớp lệnh, lần lượt tăng 3,2 lần và 4 lần so với tuần trước đó. Do giá tăng cao nên lực cung bán ra chốt lời trong phiên cuối tuần khiến giá ASM phiên này giảm 1,3%.

Cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tăng 19,3%, lên 14.200 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong hơn 2 năm và nhỉnh hơn giá trị sổ sách thời điểm cuối tháng 6. Giao dịch đặc biệt sôi động khi có hơn 80 triệu cổ phiếu trị giá trên 1.000 tỷ đồng được khớp lệnh, gấp 2,3 - 2,5 lần so với tuần trước đó.

HSG có xu hướng tăng giá kể từ đầu tháng 4, trong bối cảnh thị trường chung phục hồi và kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp, đặc biệt là mức giá khi đó chỉ hơn 4.000 đồng/cổ phiếu, thấp xa so với giá trị sổ sách.

Cổ phiếu TDG của Công ty cổ phần Dầu khí Thái Dương và cổ phiếu LSS của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cũng tăng giá mạnh, trong đó 2 phiên cuối tuần đều tăng trần. Tuy nhiên, đây là 2 cổ phiếu có vốn hóa nhỏ nên chỉ thu hút nhà đầu tư nhỏ.

Các cổ phiếu thu hút dòng tiền lớn là MBB, HPG, ITA, TCB, VGC…

Mã MBB của Ngân hàng Quân đội tăng 5% trong tuần qua, đạt 18.750 đồng/cổ phiếu. Riêng phiên cuối tuần, mã này tăng giá 3,6% với gần 11,8 triệu đơn vị trị giá 221 tỷ đồng được khớp lệnh, thanh khoản tăng vọt so với 1 - 2 phiên liền trước.

MBB là 1 trong Top 10 cổ phiếu có mức đóng góp tích cực vào VN-Index trong tuần qua, cùng với các mã ngân hàng khác như VCB, BID, TCB.

Diễn biến có liên quan đến MBB đáng chú ý là 3 mã chứng quyền dựa trên cổ phiếu MBB đều tăng giá mạnh trong tuần qua. Cụ thể, mã CMBB2003 tăng 32,5%, mã CMBB2006 tăng 32,7%, mã CMBB2007 tăng 22,2%.

Mã CMBB2003 sẽ đáo hạn ngày 9/11, tỷ lệ chuyển đổi sang cổ phiếu là 1:1, với giá 18.000 đồng/cổ phiếu. Hiện chứng quyền này có thị giá 1.670 đồng/chứng quyền, như vậy đang trong trạng thái lỗ 2.420 đồng (18.750 đồng - 18.000 đồng + 1.670 đồng). Theo đó, nhà đầu tư chứng quyền đang kỳ vọng cổ phiếu MBB sẽ tăng giá cao hơn mức 20.420 đồng/cổ phiếu sau khi chứng quyền đáo hạn.

Cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tăng 5,1% trong tuần qua, chủ yếu tăng trong 2 phiên cuối tuần, lần lượt là 2,8% và 1,2%, đạt mức giá 25.700 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong hơn 1 năm. Về thanh khoản, sau phiên giữa tuần đứng giá, cổ phiếu này có thanh khoản tăng vọt, lần lượt có 26,7 triệu đơn vị và 12,5 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Giá cổ phiếu HPG tiếp tục tăng, dù khối nhà đầu tư liên tục bán ròng trước đó, nhưng riêng phiên cuối tuần qua khối ngoại mua ròng gần 4 triệu đơn vị.

Thông tin hỗ trợ đáng chú ý là 8 tháng đầu năm 2020, HPG đạt sản lượng tiêu thụ thép khả quan, nâng thị phần lên mức 32% (thị phần cuối năm 2017 là 22,2%).

Một cổ phiếu khác thu hút dòng tiền lớn đáng chú ý là ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Giá cổ phiếu này có xu hướng tăng trong hơn 1 tháng qua, từ 3.560 đồng/cổ phiếu lên 4.610 đồng/cổ phiếu, tổng cộng tăng gần 30%. Riêng tuần qua, ITA tăng 3,8%, trong đó thay đổi giá từng phiên lần lượt là -0,5%, +0,7%, -0,9%, +4,3%, +0,2%.

Trong hai phiên cuối tuần, ITA được giao dịch sôi động khi lần lượt có 24,1 triệu đơn vị và gần 14,2 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng có thanh khoản tăng mạnh từ mức 1,2 triệu đơn vị được khớp lệnh trong phiên giữa tuần lên 3,6 triệu đơn vị và 5,3 triệu đơn vị ở hai phiên sau đó. Giá cổ phiếu TCB tiếp tục tăng giảm đan xen trong tuần qua, riêng phiên cuối tuần tăng 2,3% (cũng là mức tăng tính chung cho cả tuần), đạt 21.800 đồng/cổ phiếu - vùng giá cao trong 6 tháng.

Cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera - CTCP tiếp tục mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư khi duy trì xu hướng tăng kể từ đầu tháng 4 đến nay, từ 13.000 đồng/cổ phiếu lên 23.400 đồng/cổ phiếu, dù trong quá trình tăng này có những đợt điều chỉnh xen kẽ. Trong tuần qua, VGC tăng tổng cộng 7,8%.

Thông tin Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, mã chứng khoán GEX) tăng giá chào mua công khai cổ phiếu VGC lần 2 từ 21.500 đồng/cổ phiếu lên 23.500 đồng/cổ phiếu đã hỗ trợ đà tăng giá của cổ phiếu này.

Trước đó, Gelex chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu VGC với giá 17.700 đồng/cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 26/8 đến 25/9/2020.

Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần qua trên HOSE

Mã CK

Tỷ lệ tăng

SFG

28,8%

ASM

23,0%

HSG

19,3%

TDG

17,3%

LSS

16,6%

VAF

13,9%

PNC

13,5%

BCG

13,0%

SBV

13,0%

HTN

12,6%

PXI

11,4%

C47

11,3%

VSH

11,0%

LEC

10,3%

LCM

10,0%

Tin bài liên quan