HRC sẽ “cài số lùi” trong 2 năm tới

HRC sẽ “cài số lùi” trong 2 năm tới

(ĐTCK) Hàng loạt diện tích trồng cây cao su đến hạn trẻ hóa, CTCP Cao su Hòa Bình (mã HRC) sẽ phải đối mặt với nguy cơ liên tục tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản diện tích cây cao su, trong khi diện tích khai thác sụt giảm.

Ông Bùi Phước Tiên, Phó tổng giám đốc HRC cho biết, trong vòng 2 năm tới, từ 2013 - 2014, sản lượng khai thác mủ cao su của HRC sẽ bị… “cài số lùi”.

Năm 2012 sắp kết thúc, liệu HRC có hoàn thành được kế hoạch sản xuất năm hay không, thưa ông?

Năm 2012, kế hoạch được ĐHCĐ đưa ra là khai thác 2.300 tấn mủ cao tự nhiên. 11 tháng đầu năm, chúng tôi khai thác được 1.685,5 tấn và ước cả năm chỉ đạt 1.950 tấn, tức chưa đến 85% kế hoạch năm. Có 2 nguyên nhân tác động đến con số này. Đầu tiên, Cao su Hòa Bình là một trong số những công ty cao su tự nhiên chịu ảnh hưởng khá nặng nề của trận bão đầu năm 2012, làm một phần diện tích cây cao su bị gãy. Thêm vào đó, nhiều diện tích cây cao su của Công ty đã già, cần được trồng mới.

Một yếu tố nữa cũng làm giảm doanh thu của Công ty, mang tính khách quan, đó là giá bán mủ cao su hiện nay đã sụt giảm về mức 57 - 58 triệu đồng/tấn. Tính bình quân cả năm 2012, giá bán mủ cao su của Công ty đạt mức xấp xỉ 65 triệu đồng/tấn, thấp hơn rất nhiều so với năm 2011.

 

Đến thời điểm này, Công ty đã xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2013 chưa?

Như đã nói ở trên, chúng tôi chịu rất nhiều áp lực trong việc duy trì sản lượng do phải trồng mới lại nhiều diện tích cao su. Năm 2013, Công ty dự kiến chỉ khai thác khoảng 1.600 tấn mủ cao su. Tôi cũng phải nói luôn là, con số sản lượng dự kiến 1.600 tấn này là con số dự kiến khai thác trong điều kiện bình thường, không có yếu tố bất ngờ về thiên nhiên.

Về mức giá để tính kế hoạch doanh thu, hiện tại, Tập đoàn mẹ (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đã tạm đưa mức giá xây dựng kế hoạch năm 2013 là 65 triệu đồng/tấn. Thông thường, mức giá bán mủ cao su để tính kế hoạch cho năm sau được xác định bằng giá giao dịch của quý IV năm xây dựng kế hoạch, tuy nhiên, năm nay, giá liên tục giảm. Với mức giá xác định kế hoạch tạm thời bằng với mức giá bình quân cả năm 2012, nhưng lại cao hơn rất nhiều giá giao dịch hiện tại, chúng tôi cũng rất lo lắng.

 

Tình trạng giảm sản lượng khai thác mủ cao su của HRC sẽ còn kéo dài đến bao giờ, theo ông? Khi nào thì sản lượng này bắt đầu tăng trở lại?

Sang năm 2014, sản lượng cao su tự nhiên khai thác có thể chỉ còn khoảng 1.100 - 1.200 tấn. Đây là mức sản lượng kế hoạch thấp nhất. Tình trạng “cài số lùi” sản lượng khai thác mủ cao su tự nhiên sẽ bắt đầu dừng lại từ năm 2015, với sản lượng ước khoảng 1.700 - 1.800 tấn và các năm từ 2016 đến năm 2030, tính bình quân mỗi năm, sản lượng khai thác mủ cao su tự nhiên của Cao su Hòa Bình sẽ tăng khoảng 1.000 tấn, nhưng tối đa lên mức 12.500 tấn/năm. Đây là con số ước tính của chúng tôi dựa trên tuổi đời các cây cao su đã và đang được trồng mới.

 

Với kế hoạch trồng mới như vậy, ông có thể cho biết nhu cầu vốn cho xây dựng cơ bản của HRC trong năm 2013 sẽ khoảng bao nhiêu? Công ty sẽ làm gì để tài trợ cho các khoản này?

Năm 2013, chúng tôi ước tổng nhu cầu vốn cho đầu tư trồng mới diện tích cao su khoảng 80 tỷ đồng. Cộng thêm các nhu cầu xây dựng cơ bản khác như mua sắm tài sản, ước tổng nhu cầu đầu tư năm sau xấp xỉ 110 tỷ đồng.

Hiện tại, Công ty đã hoàn thành thoái vốn tại 2 quỹ đầu tư chứng khoán để tập trung nguồn lực cho phát triển diện tích trồng cây cao su. Ngoài vốn tự có, chúng tôi cũng phải lên phương án huy động vốn tín dụng để tài trợ cho nhu cầu này.