HSC: không chỉ là môi giới...

(ĐTCK) Nhắc đến CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), nhiều người chỉ biết đây là CTCK có doanh thu môi giới cao nhất ngành và thị phần đứng đầu trên cả 2 sàn. Song với ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC, thị phần môi giới cao không phải là mục tiêu cơ bản và duy nhất của Công ty.

Ông Johan Nyvene

Trong quý III và 9 tháng đầu năm, HSC đạt doanh thu môi giới cao nhất ngành. HSC còn có thị phần lớn nhất trên cả 2 sàn trong quý III. Ở cương vị Tổng giám đốc, ông nghĩ sao về vị trí này?

Cần phải nói ngay rằng, chúng tôi không quá chú trọng đến danh hiệu số 1 về thị phần. Chúng tôi không xem đó là mục tiêu cơ bản và duy nhất. Nhiều người đã nói rồi, CTCK có thị phần môi giới số 1 không có nghĩa CTCK đó là số 1. Chúng tôi luôn tự cảnh giác rằng, liệu mình có đang chạy đua giành thị phần hay không.

Nhưng thị phần số 1 luôn là mơ ước của các CTCK?

Có được thị phần lớn là điều tốt, nhưng chúng tôi không xem đó là kim chỉ nam. Thị trường hiện nay vẫn chủ yếu là các NĐT cá nhân. Vì thế, không thể lấy thị phần môi giới làm mục tiêu cơ bản nhất. Điều mà chúng tôi hướng đến đó là trở thành CTCK đi tiên phong trong lĩnh vực thị trường vốn, cung cấp đầy đủ các dịch vụ, sản phẩm cho NĐT.

Trong tương lai, khi thị trường lớn lên, sự tham gia của các NĐT tổ chức sẽ nhiều hơn. Để duy trì vai trò tiên phong, chúng tôi phải đánh giá chính mình về khả năng có thể đáp ứng được nhu cầu của các NĐT tổ chức hay không.

Thị trường sau này sẽ không phải chỉ có cổ phiếu, trái phiếu, mà còn có các sản phẩm tổng hợp như ETF, sản phẩm phái sinh trên các chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất và hàng hóa. Đi tiên phong là phải chuẩn bị trước mọi thứ ngay từ hôm nay.

Nói gì thì nói, HSC vẫn phải cố gắng duy trì vị trí hiện nay chứ?

Vị trí nào không quan trọng. Điều quan trọng là vị trí đó có mang lại doanh thu, lợi nhuận nhiều hay không. Hiện nay, phí môi giới chỉ đủ trang trải 80% toàn bộ chi phí của HSC.

Đối với chúng tôi, doanh thu từ các hoạt động không sử dụng vốn của cổ đông phải có khả năng trang trải toàn bộ chi phí của Công ty. Còn vốn mà các cổ đông góp vào, chúng tôi phải có nhiệm vụ đầu tư sinh lợi trên phần vốn này để mang lại lợi nhuận cho họ.

HSC cố gắng hiểu biết những quy luật của thị trường và cùng với các chủ thể tham gia xây dựng thị trường

Định hướng chiến lược của chúng tôi là xây dựng một định chế tài chính có nền tảng quản trị vững chắc. Theo đó, trong thời gian qua, HSC đã tiếp nhận kiến thức quản trị chuyên nghiệp từ các tập đoàn tư vấn toàn cầu như PwC, phối hợp triển khai các dự án lớn để hoàn thiện quy trình quản trị trong nội bộ Công ty. Cụ thể, chúng tôi đã thực hiện thành công Dự án quản trị rủi ro doanh nghiệp ERM và Dự án an toàn thông tin ISMS theo tiêu chuẩn ISO 27001, qua đó rà soát, chuẩn hóa các quy trình về dịch vụ thông tin và áp dụng các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới về quản trị doanh nghiệp vào các hoạt động của HSC.

HSC triển khai áp dụng ISMS với khuôn khổ tiêu chuẩn ISO 27001 vào hệ thống thông tin với mục đích đảm bảo tính bảo mật thông tin dưới sự kiểm soát và quản lý toàn diện theo nguyên tắc bảo mật, toàn vẹn, sẵn sàng. ISMS giúp hạn chế tối đa các rủi ro về an toàn thông tin, nâng cao niềm tin và sự an tâm của khách hàng khi giao dịch tại HSC.

Số lượng khách hàng của HSC trong thời gian qua có tăng nhiều không, thưa ông?

Chúng tôi không đánh giá quy mô khách hàng dựa trên số lượng tài khoản nhiều hay ít. Tuy nhiên, doanh thu phí môi giới từ khách hàng tổ chức trong năm 2013 của HSC tăng vượt bậc. Đây là điểm nhấn, điểm nổi bật nhất không chỉ trong mảng môi giới, mà trong toàn bộ hoạt động của HSC thời gian qua.

Ít nhất có 2 lý do khiến khách hàng tổ chức giao dịch nhiều hơn.

Thứ nhất, công nghệ thông tin tốt; hệ thống giao dịch của HSC được kết nối với Bloombergs và Reuters thông qua giao thức FIX, đảm bảo không bị rò rỉ thông tin, giúp khách hàng yên tâm giao dịch.

Thứ hai, nhiều tổ chức có nhu cầu giao dịch thoả thuận với khối lượng lớn, họ cần đến nhà môi giới có khả năng thu xếp. Chúng tôi đã làm rất tốt vai trò này, nhạy bén nắm bắt thông tin: ai muốn mua, ai muốn bán...

Theo như ông vừa nói, có thể hiểu NĐT tổ chức tại HSC chủ yếu là nước ngoài?

Đúng thế. Trên thị trường hiện nay, NĐT tổ chức lớn thường là các quỹ, nhưng các quỹ nội địa vẫn chưa nhiều, quy mô lại không lớn.

Tỷ lệ giao dịch giữa NĐT cá nhân và tổ chức tại HSC như thế nào?

Cá nhân 6, tổ chức 4. Có khi tỷ lệ này dao động ở mức 7:3.

HSC còn đứng đầu thị phần môi giới trái phiếu trên sàn Hà Nội (HNX). HSC có lợi thế gì trong mảng trái phiếu?

Trong quý III/2013, HSC dẫn đầu thị trường môi giới trái phiếu chính phủ trên HNX. 9 tháng đầu năm, HSC nằm trong 10 tổ chức tham gia tích cực nhất trong các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ. Muốn phát triển mảng trái phiếu, cần phải có vốn lớn, có ngân hàng đứng sau hỗ trợ. HSC không có lợi thế vì không có sự hậu thuẫn này.

Cái mà HSC có là công nghệ, quy trình, con người và năng lực được thể hiện qua những thành công từ trước đến nay.

Những gì từng được xem là đặc điểm, là mô hình của HSC thì giờ nhiều CTCK khác cũng có. Vậy lợi thế của HSC là gì?

Công nghệ hay quy trình thì các công ty khác rồi cũng làm được. Về con người, nếu có tiền nhiều thì các công ty cũng có thể thuê được người tài. Còn đòn bẩy, HSC chỉ có vốn tự có, lại không có ngân hàng đứng sau như nhiều CTCK khác. Chúng tôi không lấy những thứ này làm lợi thế cạnh tranh.

Để trở thành người tiên phong, HSC phải luôn tìm ra cái mới. HSC có định hướng rõ ràng, nhìn thấy được sự phát triển của thị trường từ những bước sơ khai và hình dung được khi nó trưởng thành thì hình hài ra sao, từ đó xác định những sản phẩm nào cần ra đời, những dịch vụ nào cần có.

Chúng tôi luôn nghiên cứu, tìm tòi cái mới, tích cực hỗ trợ và chung sức với các cơ quan chức năng, các thành phần tham gia thị trường để đưa thị trường phát triển lên tầm cao hơn. Lợi thế của HSC chỉ là cố gắng hiểu biết những quy luật của thị trường và cùng với các chủ thể tham gia xây dựng thị trường.

Theo ông, những giải pháp đơn giản, có thể thực hiện ngay để giúp thị trường giao dịch tốt hơn là gì?

Theo tôi, đó là cho phép giao dịch trong ngày và vay mượn chứng khoán. Giao dịch trong ngày tôi muốn nói đến đó là cho phép NĐT bán chứng khoán đã mua trong ngày, tức mua xong có thể bán ngay. Còn cho vay mượn chứng khoán chẳng qua cũng chỉ là chiều ngược lại của margin; nếu đã được phép mượn tiền để mua chứng khoán thì tại sao lại không thể mượn chứng khoán để bán?

Ý tôi là nên cho phép việc bán chứng khoán vay mượn (có thật), chứ không phải là bán khống chứng khoán (không có thật).

Do hoạt động môi giới của HSC có phần nổi bật nên đối với nhiều người, nói đến HSC thì họ chỉ biết có môi giới. Mảng tư vấn tài chính của HSC hiện nay như thế nào?

HSC không chỉ chú trọng đến môi giới. Mảng dịch vụ tư vấn hiện nay chưa sôi động do TTCK trong nước vẫn chưa sẵn sàng cung cấp vốn cho DN ở mức giá hợp lý. HSC phải tập trung tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài, đặc biệt là kết nối DN với các NĐT chiến lược.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tư vấn thành công 4 giao dịch M&A tiêu biểu với số vốn huy động hơn 100 triệu USD. HSC hiện có 8 giám đốc điều hành, trong đó tư vấn có đến 2. Nói như thế để cho thấy, HSC vẫn đầu tư vào tư vấn. Muốn trở thành một ngân hàng đầu tư cung cấp đầy đủ các dịch vụ thì không thể thiếu tư vấn.

Đối tượng khách hàng trong mảng tư vấn của HSC cụ thể như thế nào?

Chúng tôi quan tâm đến những DN có sự chuyên nghiệp, quy mô vừa, có nhu cầu huy động vốn 20 - 30 triệu USD từ các NĐT tài chính nước ngoài, NĐT chiến lược trong và ngoài nước. Chúng tôi có thế mạnh trong việc này nhờ quan hệ tốt với các NĐT nước ngoài trong mảng môi giới, cũng như kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh trong suốt quá trình huy động vốn.

Trong 9 tháng đầu năm, HSC hầu như không tuyển thêm nhân sự. Có phải HSC chưa có nhu cầu mở rộng quy mô?

Nếu như chiến lược trước đây là phát triển theo số lượng, tập trung vào tuyển dụng nhân sự mới, thì nay chúng tôi phát triển theo chất lượng, tập trung phân tích những điểm chưa mạnh của nhân viên hiện hữu, thực hiện từng bước tái đào tạo, nâng cao kỹ năng cứng, kỹ năng mềm cho nhân viên. Kết quả là chúng tôi không tăng nhân viên, nhưng hiệu quả công việc tăng lên, hiệu suất từng bước được nâng cao.

Nói về chuyện mở rộng quy mô, HSC có định tăng vốn trong thời gian tới?

Năm 2014, chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện tăng vốn. Tất cả lợi nhuận làm ra sẽ được trả cho cổ đông. Không phải chúng tôi không có nhu cầu tăng vốn, nhu cầu vốn là vô chừng, nhưng chúng tôi phải cân đối bài toán nhu cầu phát triển với lợi ích của cổ đông.

HSC có vốn chủ sở hữu xấp xỉ 2.130 tỷ đồng.

nLiên tục từ đầu năm 2012 tới quý III/2013, HSC là CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trên tổng hai sàn HOSE và HNX. Đồng thời, quý III/2013, HSC còn đứng đầu thị phần môi giới trái phiếu trên HNX cho giá trị trái phiếu có giao dịch qua CTCK.

nQuý III và 9 tháng đầu năm 2013, doanh thu môi giới của HSC lần lượt đạt 45 tỷ đồng và 136 tỷ đồng, là những con số lớn nhất trong ngành. Doanh thu hoạt động tư vấn tương ứng là 14 tỷ đồng và hơn 15 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 75 tỷ đồng và 240 tỷ đồng.

nĐến thời điểm cuối tháng 11, HSC đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cả năm 2013.

nLần thứ hai liên tiếp trong hai năm qua, HSC nhận được Giải thưởng quốc tế “Nhà môi giới tốt nhất Việt Nam” do The Asset Triple A Country Awards 2013 bình chọn.