Huawei là tập đoàn sản xuất các loại thiết bị mạng viễn thông lớn thứ 2 thế giới

Huawei là tập đoàn sản xuất các loại thiết bị mạng viễn thông lớn thứ 2 thế giới

Huawei có oan uổng khi bị gây khó dễ ở Bắc Mỹ?

(ĐTCK) Ngày 10/10, Chính phủ Canada đã chính thức tuyên bố tiến hành xem xét nhằm áp dụng chính sách phân biệt đối xử đối với các tập đoàn được nghi là có thể gây nguy hiểm cho an ninh của nước này.

Ông Andrew Mac Dougall, người phát ngôn của Thủ tướng Canada Stephen Harper đã phát biểu không úp mở rằng, Huawei, tập đoàn sản xuất các loại thiết bị mạng viễn thông lớn thứ 2 thế giới của Trung Quốc bị liệt vào danh sách đối tượng “nguy hiểm”, cần được ngăn chặn, hạn chế đầu tư và kinh doanh tại Canada.

Trước đó vài hôm, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ (House Intelligence Committee - HIC) cũng công bố bản báo cáo dày 52 trang, đề nghị các hệ thống máy tính của các cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ và cả các công ty tư nhân nên loại bỏ mọi thiết bị, máy móc do Huawei và ZTE (một tập đoàn khác của Trung Quốc cũng kinh doanh trong cùng lĩnh vực) sản xuất. Ông Mike Rogers, Chủ tịch HIC cho biết, cơ quan này đã tiến hành điều tra, nghiên cứu trong thời gian 11 tháng mới đưa ra được báo cáo trên và khuyến nghị Ủy ban về Đầu tư nước ngoài của Mỹ (Committee on Foreign Investments - CFI) ngăn cản và không thông qua mọi thương vụ mua bán & sáp nhập (M&A) liên quan đến 2 tập đoàn này.

Như vậy, nếu đề nghị này của HIC được chấp thuận, cả Huawei lẫn ZTE đều khó có cửa làm ăn lâu dài ở Mỹ, rộng ra là Bắc Mỹ (gồm cả Canada).

Về vấn đề này, hiện có khá nhiều ý kiến, phản ứng trái ngược nhau.

Không ít người Mỹ lớn tiếng ủng hộ việc cấm cửa Huawei và ZTE, lấy lý do theo báo cáo trên, HIC đã có trong tay nhiều tài liệu nội bộ của Huawei chứng tỏ Tập đoàn này cung cấp dịch vụ mạng cho một tổ chức đặc biệt, có thể là đơn vị chiến tranh mạng của Quân đội Trung Quốc. Báo cáo này cũng cho thấy, vào đầu năm nay, nhiều chuyên gia an ninh Mỹ cáo buộc một số thiết bị của Huawei và ZTE được cài sẵn mã độc để chuyển nhiều thông tin nhạy cảm từ Mỹ về Trung Quốc. Nếu thực tế đúng như vậy, thì quả là nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ.

Có ý kiến cho rằng, báo cáo của HIC được tung ra lúc này ít nhiều cũng mang màu sắc chính trị, phục vụ cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang vào giai đoạn “nước rút” (sẽ diễn ra sau hơn 3 tuần nữa). Trung Quốc đang trở thành một chủ đề nóng về chính trị trong chiến dịch tranh cử. Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn đối thủ là ông Mitt Romney thuộc Đảng Cộng hoà đều cam kết gia tăng sức ép với Bắc Kinh trước hàng loạt vấn đề, như chính sách tiền tệ, khoản trợ cấp từ phía chính phủ với các công ty...

Đầu tháng 10 này, Mỹ đã từ chối phê chuẩn dự án xây dựng 4 công trình điện gió tại bang Oregon do Công ty Ralls Corp. do Trung Quốc đầu tư, với lý do nằm gần một căn cứ của Hải quân.

Còn tại Australia, Quốc hội nước này cũng đã từng ngăn Huawei không cho tham gia đấu thầu dự án băng thông rộng trị giá tới 36,6 tỷ USD, vì lo ngại nguy cơ bị Trung Quốc tấn công mạng và đánh cắp thông tin tình báo. Tức là không chỉ Bắc Mỹ, mà cả Australia cũng có chung nỗi lo về an ninh bắt nguồn từ... Huawei. Vậy thì không thể là ngẫu nhiên và vô cớ được.

Tất nhiên là phía Trung Quốc phản đối kịch liệt. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang cho rằng, những cáo buộc mà báo cáo đưa ra đối với Huawei và ZTE là không có cơ sở và gây phương hại tới quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa 2 cường quốc trên thế giới, hơn nữa, không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Còn ông Hong Lei, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì kêu gọi Quốc hội Mỹ hãy vì “đại cục”, chứ không nên hành động theo những khuyến nghị mà HIC đưa ra.

Ông William Plummer, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối ngoại của Huawei thì cũng phản bác rằng, báo cáo của HIC không đưa được bằng chứng cụ thể và xác thực nào, mà vẫn mang tính chung chung, nên có thể gắn với “động cơ chính trị”. “Sản phẩm của Huawei được ra bán tại 150 thị trường trên thế giới. Vì thế, chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì có thể tổn hại đến thương hiệu Huawei”, ông William Plummer nói.

Điều đáng chú ý là trong khi Mỹ, Canada, Australia đều bày tỏ rõ quan điểm không muốn làm ăn với Huawei, thì Anh, đồng minh chiến lược của Mỹ lại vẫn xử sự theo cách riêng của mình, vẫn thản nhiên “chơi với Huawei” như thường.

Bằng chứng là, tuần này, ông Ren Zhengfei, người sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) Huawei đang có chuyến làm việc tại Anh và ngày 10/10, được đích thân Thủ tướng Anh, ông David Cameron tiếp. Tại cuộc gặp này, ông Ren Zhengfei đã cam kết, trong 5 năm tới, Huawei sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào Anh để mở rộng các dự án hiện có của Tập đoàn này tại đây và sẽ tạo thêm khoảng 700 việc làm mới.

Vậy thì Huawei có cảm thấy oan uổng khi bị Mỹ , Canada Australia gây khó dễ như vậy?