Hút khách vào “siêu thị đại chúng” UPCoM

Hút khách vào “siêu thị đại chúng” UPCoM

Cổ phiếu tốt tại UPCoM có thể đang bị lãng quên, bởi nhà đầu tư không đặt sự quan tâm đúng mức đến “siêu thị này”.

Thời điểm cuối năm, khi thông tin các doanh nghiệp hàng đầu như Habeco, Sabeco, ACV lên sàn, thị trường rộn lên sóng cổ phiếu ngành bia, ngành hàng không, đến từ các công ty con và liên kết của nhiều “ông lớn”.

Cùng với đó, báo cáo phân tích về ngành bia của một số công ty chứng khoán liên tục đánh giá triển vọng rộng mở của các doanh nghiệp ngành này, khiến giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp tăng mạnh.

Thực tế này cho thấy, cổ phiếu tốt tại UPCoM có thể đang bị lãng quên, bởi nhà đầu tư không đặt sự quan tâm đúng mức đến “siêu thị này”. 

Cú huých kỹ thuật

Trong hơn 7 năm hoạt động, UPCoM đã từng có bước chuyển mình đáng chú ý sau những thay đổi về kỹ thuật. Chẳng hạn, giai đoạn đầu UPCoM vận hành như một thị trường OTC theo hình thức phi tập trung, hoạt động giao dịch thông qua phương thức thương lượng và thỏa thuận giữa bên mua và bán.

Hình thức này sau một thời gian không hiệu quả, nên Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã thay đổi cơ chế giao dịch thỏa thuận điện tử bằng phương pháp khớp lệnh liên tục kể từ ngày 19/7/2010 và duy trì cho đến nay.

Một thay đổi đáng chú ý khác, năm 2015, từ ngày 1/7/2015, HNX đã điều chỉnh tăng biên độ dao động giá cổ phiếu UPCoM từ ±10% lên ±15%.

Theo một tổng kết HNX công bố trong năm nay, sau khi áp dụng biên độ dao động giá ±15%, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch cổ phiếu trên UPCoM đã tăng lần lượt 150% và 192% so với khoảng thời gian 1 năm trước đó. Mặc dù con số này được cộng hưởng nhờ lượng cổ phiếu mới lên sàn tăng lên thời gian qua, nhưng không thể phủ nhận, đây là yếu tố khác biệt lớn mà UPCoM tạo ra khi so với 2 sàn niêm yết.

Từ ngày 1/7/2015, HNX đã điều chỉnh tăng biên độ dao động giá cổ phiếu UPCoM từ ±10% lên ±15%.    

Trong tương lai, yếu tố được chờ đợi tạo ra bứt phá mạnh hơn nữa cho thanh khoản của UPCoM là việc mở cửa dòng tiền margin (giao dịch ký quỹ) cho sàn này. Hoạt động cho vay margin đối với cổ phiếu trên sàn UPCoM được đề cập tại các văn bản gần đây, tuy nhiên, thị trường đang chờ đợi quyết định chính thức, khi Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán được ban hành.

Trong quá trình dự thảo, cơ chế này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các CTCK và giới đầu tư. Quan điểm chung của phía ủng hộ là sàn UPCoM có nhiều cổ phiếu đủ tiêu chuẩn để cho vay margin và nếu thực hiện được việc này, sẽ tạo ra cú huých mới cho dòng tiền đầu tư quan tâm đến “siêu thị đại chúng”. Tuy nhiên, margin phải được thực hiện một cách chọn lọc, vừa làm vừa giám sát, vì UPCoM là sàn không quy định tiêu chuẩn về “sức khỏe” doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên đây.

Bên cạnh cơ chế margin, mới đây nhất, HNX đã đưa ra những thông tin về khả năng áp dụng cơ chế nhà tạo tập thị trường với cổ phiếu UPCoM trong năm 2017.

Cụ thể, HNX đã công bố Dự thảo Quy chế hoạt động của thành viên tạo lập thị trường. Nếu quy chế này được thực thi, nhà tạo lập thị trường có 2 chức năng chính là cung cấp thanh khoản và chào giá tham chiếu cho nhà đầu tư.

Hiện Dự thảo Quy chế còn nhiều băn khoăn về pháp lý và tính minh bạch, nhưng giải pháp này được kỳ vọng sẽ sớm triển khai, đem lại sự ổn định về giá và thanh khoản với các doanh nghiệp xứng tầm. 

Bài toán đi giữa “thoáng” và “minh bạch”

Cùng với các giải pháp kỹ thuật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư có thể nói là yếu tố quyết định để giữ chân dòng chảy vốn từ nhà đầu tư vào UPCoM. Năm 2016, sự cố MTM xảy ra tại sàn này đã làm không ít nhà đầu tư giật mình.

Theo đó, lần đầu tiên, thị trường được chứng kiến một dạng rủi ro mới xuất hiện, đó là khả năng lừa đảo có chủ đích khi đưa một doanh nghiệp lên sàn, lợi dụng những quy định thông thoáng, nhằm trục lợi.

Lãnh đạo Công ty Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) có dấu hiệu không trung thực, thậm chí là cố tình vi phạm pháp luật ngay từ đầu với việc đưa cổ phiếu MTM lên sàn UPCoM khi doanh nghiệp không còn hoạt động, tài sản không có thật. Cổ phiếu MTM sau khi lên sàn đã giao dịch rất lớn, khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nghiêm trọng.

Rủi ro này đặt ra vấn đề giám sát tốt hơn đối với sàn UPCoM, khi các quy định ở đây quá thông thoáng và thuận lợi cho doanh nghiệp. Giải bài toán giữa “thoáng” trong quy định với các doanh nghiệp và “minh bạch” trong thông tin đến nhà đầu tư như thế nào là bài toán mới, khi UPCoM chạm đến mốc 400 doanh nghiệp lên sàn, tương lai 2017 sẽ có hàng trăm doanh nghiệp nữa xuất hiện ở đây.        

Vai trò của UPCoM sẽ không thể mất đi

Hút khách vào “siêu thị đại chúng” UPCoM ảnh 1

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK Hà Nội (HNX) 

Trong thời gian qua, sàn UPCoM đã hỗ trợ rất tốt cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Việc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên UPCoM đã góp phần làm tăng khả năng giám sát của thị trường đối với các công ty đại chúng, từ đó kỳ vọng làm tăng hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp này.

Điều đó không chỉ đúng với nhà đầu tư, khi họ có thêm thông tin để đánh giá chất lượng quản trị, điều hành, mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm công cụ để giám sát tốt hơn xuất phát từ ghi nhận phản hồi thị trường, đặc biệt là công tác xác định giá doanh nghiệp trong thoái vốn.

Trên thực tế, giá cổ phiếu giao dịch trên UPCoM được xem là một kênh quan trọng để xác định giá khi cổ phần hóa và đặc biệt hiệu quả trong tình huống công ty đại chúng chưa muốn, hoặc không đủ điều kiện lên niêm yết.

Kể từ cuối quý I/2016 đến nay, vốn hóa thị trường trên sàn UPCoM đã tăng 4 lần, thanh khoản trung bình phiên tăng hơn 2 lần… và tương quan giá trị giao dịch trên quy mô vốn hóa tương đương với HOSE cho thấy, mức độ hấp dẫn của thị trường UPCoM đang ngày một lớn.

Tôi tin rằng, trong bối cảnh các công ty đại chúng sẽ lên UPCoM ngày một nhiều, với nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, thanh khoản của UPCoM, cũng như sự chú ý của thị trường sẽ tiếp tục được nâng cao.

Hiện tại, chúng tôi đang lên phương án cho kế hoạch triển khai sàn giao dịch cho các start-up và UPCoM là thị trường đặc biệt cần thiết cho việc triển khai đề án này.

Như chúng ta đã biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp cận theo lối thận trọng, doanh nghiệp phải có lợi nhuận, đáp ứng các yêu cầu, thì mới được chào bán ra công chúng. Trong khi đó, quốc tế đã theo thông lệ mới là doanh nghiệp chỉ cần công khai đầy đủ mọi thông tin, thì sẽ được chào bán ra công chúng.

Theo thông lệ quốc tế, thị trường chứng khoán được xây dựng với các bảng dành cho những sản phẩm có mức độ rủi ro khác nhau, để đáp ứng được khẩu vị rủi ro khác nhau của nhà đầu tư và nhu cầu đó luôn tồn tại. UPCoM hiện nay đang theo mô hình tập trung vào công bố thông tin, thay vì yêu cầu lợi nhuận.

Bởi thực tế, không phải công ty đại chúng nào cũng đủ điều kiện hoặc muốn niêm yết, trong khi thị trường, cơ quan quản lý cần yêu cầu minh bạch thông tin. UPCoM hướng đến yêu cầu công bố thông tin cho nhà đầu tư tự thẩm định và ra quyết định đầu tư, chứ không phải là thị trường sinh ra để tập trung cổ phiếu tốt.

Với yêu cầu và định hướng phát triển này, UPCoM rất phù hợp cho giao dịch cổ phiếu của các start-up, vì các doanh nghiệp khởi nghiệp thường khó có lợi nhuận ngay từ đầu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu hướng đi phù hợp, ví dụ, hạn chế về điều nhà đầu tư hoặc giá trị tối đa tham gia đầu tư vào các start-up.

Thị trường UPCoM mới trong giai đoạn đầu, nhưng tôi tin rằng, UPCoM sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tin bài liên quan