Cơ quan quản lý duy trì lãi suất cơ bản nhằm “giữ ổn định lãi suất và từng bước giảm lãi suất cho vay”

Cơ quan quản lý duy trì lãi suất cơ bản nhằm “giữ ổn định lãi suất và từng bước giảm lãi suất cho vay”

Huy động vốn còn căng thẳng

(ĐTCK-online) Nếu nhìn vào các báo cáo tuần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), rất dễ hiểu rằng hệ thống ngân hàng đang vận hành ổn định. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp (rất nhiều kỳ hạn dưới 10%/năm) so với lãi suất huy động. Tức là nguồn vốn của các ngân hàng không thiếu? Thực tế thì sao?

Viên thuốc bổ 60.000 tỷ đồng…

Một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đã nói thẳng rằng, thị trường hiện nay ổn định được là nhờ lượng tiền lớn khoảng 60.000 tỷ đồng. Số tiền này được NHNN bơm ra “hỗ trợ thanh khoản” cho hệ thống ngân hàng hồi đầu tháng 2, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, qua kênh tái cấp vốn.

Chính nhờ khoản tiền “trợ cấp” này mà hệ thống ngân hàng vẫn đang tạm thời ổn định và lãi suất liên ngân hàng chưa tăng cao. Điều đáng lo ngại ở đây là thời hạn của khoản vay chỉ là 3 tháng. Nghĩa là tới thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, NHNN sẽ thu số tiền này về. Đây chính là lý do mà vị lãnh đạo trên bình luận rằng, “khi đó thị trường chưa biết sẽ như thế nào nhưng chắc chắn lãi suất thị trường liên ngân hàng sẽ tăng trở lại”. Một sự ổn định có thời hạn.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng, trước tình trạng huy động vốn chưa thực sự khả quan của hệ thống ngân hàng, nhiều khả năng sau khi khoản tiền trên tới hạn, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường bơm tiền cho hệ thống ngân hàng qua các kênh như thị trường mở, tái cấp vốn, thậm chí là tái chiết khấu hồ sơ tín dụng.

Trong khi đó, huy động vốn vẫn đang là một vấn đề với hệ thống ngân hàng. Trong một vài ngày tới sẽ có số liệu cụ thể từ NHNN, nhưng lãnh đạo một NHTM nhà nước cho biết, huy động vốn vẫn rất khó khăn. Xu hướng khó thu hút tiền gửi từ tổ chức kinh tế vẫn đang tiếp diễn khiến các ngân hàng phải xoay sang tập trung vào khối khách hàng cá thể. Theo một nguồn tin của ĐTCK, tính tới hết tháng 3/2010, lượng tiền gửi từ dân cư đã tăng tới trên 8% và sự tăng trưởng này đủ bù đắp lượng tiền gửi giảm sút của các tổ chức.

“Các NHTM nhà nước trước đây vẫn chủ yếu ‘sống nhờ’ vào lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế, nay cũng đã phải thay đổi, tập trung nhiều hơn vào khối khách hàng cá nhân”, vị lãnh đạo trên cho biết.

Trước đây, ngân hàng này rất ít sử dụng các chiêu khuyến mại, tặng quà cho khách gửi tiền thì nay cũng đã bắt đầu triển khai các hình thức này. “Lãi suất vay vốn trung - dài hạn đã tăng cao. Do vậy, nhiều DN đang tận dụng tất cả các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, một phần nhỏ gửi vào ngân hàng chỉ để thanh toán”, vị lãnh đạo NHTM nhà nước cho biết.

 

… và bài toán lãi suất cơ bản

Thực tế hiện nay lãi suất cơ bản đã bớt đi phần nào ý nghĩa của nó sau khi NHNN cho phép các NHTM thực hiện chế độ lãi suất thoả thuận với các khoản cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, trần lãi suất huy động (dù chỉ là danh nghĩa) và trần lãi suất cho vay ngắn hạn vẫn còn đó. Trong khi NHNN cần thêm thời gian cân nhắc tự do hóa lãi suất huy động giữa các luồng ý kiến đối lập của các chuyên gia, lãi suất cơ bản vẫn còn tác dụng.

Trả lời phỏng vấn của ĐTCK để làm rõ dự đoán lãi suất cơ bản sẽ tăng “trong vài tuần tới”, chuyên gia Wellian Wiranto của Ngân hàng HSBC nói rằng, thời điểm của dự báo là cho lãi suất cơ bản của tháng 4/2010.

Dự báo của chuyên gia này đã không chính xác sau khi NHNN tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản, nhưng ông có lý khi cho rằng, tăng lãi suất cơ bản là một cách chính thống để khẳng định NHNN muốn tập trung vào việc chống lạm phát.

Việc NHNN giữ lãi suất cơ bản có thể hiểu rằng mức lạm phát ba tháng đầu năm chưa tới mức “báo động” và duy trì lãi suất cơ bản là để “giữ ổn định lãi suất và từng bước giảm lãi suất cho vay” nhằm đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Theo một chuyên gia ngành ngân hàng, vì tháng 5/2010 là thời điểm Quốc hội thảo luận về Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng, có nhiều lý do để tin rằng NHNN sẽ không bỏ trần lãi suất huy động. Bởi lẽ, NHNN đã bỏ trần lãi suất cho vay trung và dài hạn trong khi Luật Dân sự áp dụng trần 150% lãi suất cơ bản với các quan hệ vay mượn.

Trong dự thảo mới, trần lãi suất tính theo lãi suất cơ bản sẽ không còn được áp dụng với các khoản cho vay của tổ chức tín dụng. Chỉ cần Quốc hội thông qua, khi đó, tự do hóa hoàn toàn lãi suất có thể trở thành hiện thực.