Huy động vốn ngoài ngân sách: giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững rừng

Thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp, lâm trường ngoài quốc doanh và tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển rừng thay vì vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) như hiện nay là những giải pháp thuyết phục được đưa ra tại “Diễn đàn Đầu tư ngành lâm nghiệp cơ hội và thách thức với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020” (Quyết định số 18/2007/QĐ- TTg, Thủ tướng Chính phủ ký ngày 05/02/2007), đến năm 2020, cơ quan chức năng phải thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,2 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42- 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020; đảm bảo sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào phát triển lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái...

TS Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho biết, để đảm bảo những mục tiêu mà Chính phủ đề ra, tổng vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020 cần tới 100.360 tỷ đồng (giai đoạn 2006 - 2010 là 31.946 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2020 là 68.414 tỷ đồng). Trong đó, 2 chương trình đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn cả là chế biến gỗ - thương mại lâm sản và quản lý rừng bền vững cũng là 2 lĩnh vực có thể huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách. Theo tính toán, công tác quản lý rừng bền vững có thể huy động 70% vốn đầu tư ngoài ngân sách và thương mại lâm sản có thể huy động đến 95% vốn đầu tư ngoài ngân sách. Vấn đề đặt ra là, Nhà nước có chính sách phù hợp để thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, vấn đề lớn nhất của ngành NN&PTNT hiện nay là những chính sách phát triển lâm nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để phát triển ngành này như dự án trồng mới 5 triệu héc - ta rừng. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách đang bộc lộ những bất cập. Đó là Nhà nước tiếp tục quản lý quá nhiều rừng (72%), trong khi các thành phần kinh tế khác quản lý ít (28%). Việc tiếp cận quỹ đất để phát triển lâm nghiệp của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn đất lâm nghiệp đang thuộc quyền quản lý của các lâm trường quốc doanh (trên 4 triệu ha); trong khi khả năng tài chính và năng lực sản xuất, kinh doanh của các lâm trường còn nhiều hạn chế. Việc giao đất, giao rừng cho dân và các thành phần kinh tế khác còn tiến hành chậm và chưa có quy trình hướng dẫn cụ thể.

Phân tích những khó khăn mà ngành lâm nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt trong cuộc chiến bảo vệ và phát triển rừng hiện nay, TS Marko Katila, Cố vấn kinh tế, Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, dân số Việt Nam cũng được dự báo là sẽ tăng đến 100 triệu người vào năm 2020. Dân số gia tăng kết hợp với tăng trưởng kinh tế sẽ tác động đến nhu cầu về các lâm sản và dịch vụ lâm nghiệp. Khi thu nhập tăng lên, nhu cầu về các dịch vụ môi trường như nước sạch, đa dạng sinh học... cũng sẽ gia tăng. Xu hướng này sẽ tăng thêm mâu thuẫn giữa mục đích bảo vệ và bảo tồn với sản xuất và tiêu dùng.

Theo TS Marko Katila, để phát triển công nghiệp rừng bền vững, Chính phủ cần thúc đẩy hơn nữa đầu tư ngoài ngân sách và đầu tư nước ngoài, đảm bảo khả năng sẵn có lâu dài về nguyên liệu thô bằng cách đẩy nhanh công tác giao đất lâm nghiệp và làm rõ các quyền sở hữu. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần loại bỏ những rào cản gây giảm lợi nhuận từ quản lý rừng bền vững; xoá bỏ những hình thức độc quyền, đồng thời giảm lợi nhuận và sự hấp dẫn của các hoạt động sử dụng rừng không bền vững và bất hợp pháp. “Đầu tư vào công nghiệp rừng chỉ có thể có được nếu Chính phủ đảm bảo việc cung cấp gỗ nguyên liệu thực sự bền vững, được mở rộng và các nhà đầu tư nhận thấy ngành lâm nghiệp đủ hấp dẫn để đầu tư lâu dài”, ông Marko Katila nói.ª