Ảnh minh họa: Lao động

Ảnh minh họa: Lao động

Hủy phán quyết: Áp dụng luật thiếu thống nhất

(ĐTCK) Việc thiếu Nghị quyết hướng dẫn Luật của TAND Tối cao dẫn tới việc xét xử thiếu thống nhất giữa các tòa án.

Mặc dù trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn và ngày càng được DN quan tâm lựa chọn, nhưng không ít ý kiến cho rằng, họ e ngại quyết định trọng tài dễ bị hủy bởi tòa án. Nguyên nhân là do tình trạng áp dụng luật thiếu thống nhất giữa các tòa án.

Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, giai đoạn từ năm 1993 - 2013, trong số các phán quyết trọng tài có 12% bị yêu cầu tòa án hủy bỏ, trong đó, số phán quyết bị hủy là 34%. Trung bình cứ 3 đơn yêu cầu hủy bỏ phán quyết trọng tài thì một phán quyết bị hủy. Xem xét kỹ hơn, luật sư Dương phân tích, trong giai đoạn 1993 - 2010, khi thực hiện Pháp lệnh Trọng tài, tỷ lệ phán quyết bị hủy là 25%, giai đoạn 2011 - 2013 thực hiện theo Luật Trọng tài thương mại thì tỷ lệ hủy lên tới 36%.

Việc ban hành Luật Trọng tài thương mại được xem là tiến bộ, hạn chế tình trạng hủy phán quyết trọng tài của tòa án, nhưng vì sao tỷ lệ hủy này vẫn tăng lên? Luật sư Dương cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là việc thiếu một Nghị quyết hướng dẫn Luật của TAND Tối cao dù Luật đã có hiệu lực 3 năm. Nguyên nhân này dẫn đến tình trạng xét xử thiếu thống nhất giữa các tòa án, trong khi các thẩm phán lại có xu hướng áp dụng tố tụng dân sự khi xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ phán quyết.

“Các thẩm phán thường có xu hướng áp dụng các quy định tố tụng dân sự để giải quyết vụ việc trọng tài trong khi giải quyết tranh chấp có thủ tục tố tụng riêng và khác biệt với tố tụng dân sự”, luật sư Dương nói và đưa ra ví dụ: tố tụng trọng tài quy định, nếu đương sự muốn hoãn phiên họp thì phải có đơn trước 7 ngày và có lý do chính đáng. Song có trường hợp đương sự chỉ gửi đơn trước phiên họp 1 ngày mà không hề có lý do, do đó phiên họp vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, sau đó, phán quyết đã bị Tòa án tuyên hủy vì cho rằng, đáng lẽ phiên họp phải được hoãn lại.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Lê Phan Thùy Anh, Công ty Vilaf cũng dẫn ví dụ một vụ việc khi giải quyết bằng trọng tài, đại diện theo ủy quyền của bị đơn xin hoãn phiên họp để tham gia vụ án khác nhưng lại không xuất trình được giấy triệu tập của Tòa án. Do đó, phiên họp vẫn được tiến hành nhưng sau đó phán quyết của trọng tài đã bị Tòa án tuyên hủy vì cho rằng, phán quyết được đưa ra khi không có mặt đương sự sẽ không đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự.

Ngoài ra, Luật Trọng tài thương mại quy định, Tòa án không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết, Tòa án chỉ xem xét ở góc độ tố tụng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp khi giải quyết các đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án đã can thiệp quá sâu vào nội dung giải quyết của trọng tài.

Theo PGS. TS Đỗ Văn Đại, Trọng tài viên VIAC, Trưởng khoa Luật Dân sự Trường đại học Luật TP. HCM, với quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại, các căn cứ hủy quyết định trọng tài được chia thành 3 nhóm chính, gồm các vấn đề liên quan đến thẩm quyền trọng tài; tố tụng trọng tài và nội dung phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, việc xác định cụ thể các căn cứ trên thực tiễn khá phức tạp.

Đơn cử, luật quy định phán quyết trọng tài bị hủy nếu các bên không có thỏa thuận trọng tài. Nhưng nhiều trường hợp, dù đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhưng sau đó đương sự lại viện dẫn nhiều lý do để cho rằng, thỏa thuận trọng tài không tồn tại. Như trường hợp ký hợp đồng và thỏa thuận qua trung gian, đến khi có tranh chấp, một bên đương sự cho rằng mình không ký thỏa thuận lựa chọn trọng tài.

Ông Phạm Tuấn Anh, nguyên Chánh án Tòa kinh tế, TAND TP. Hà Nội thừa nhận, nhiều trường hợp hủy phán quyết là không có cơ sở, nhưng không phải hoàn toàn các quyết định hủy phán quyết đều sai lầm.

“Phải thừa nhận có phán quyết trọng tài hủy là đúng, nếu đổ lỗi hoàn toàn cho tòa án là không khách quan”, ông Tuấn Anh nói và cho rằng, trong một số vụ việc, nhiều khi tòa án chưa biết rõ về thẩm quyền giải quyết đối với trọng tài. Do đó, cần có sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp, TAND Tối cao để phổ biến cho thẩm phán, DN, thống nhất nhận thức giữa các thẩm phán, giữa thẩm phán và trọng tài.     

 

Theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại, phán quyết trọng tài bị hủy nếu:

(1) Không có thoả thuận hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu.

(2) Thành phần hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của luật này.

(3) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết có nội dung không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ.

(4) Chứng cứ do các bên cung cấp mà hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài.

(5) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam .