Trái chủ được các luật sư tư vấn, nhưng tới phút cuối vẫn có người không tin.

Trái chủ được các luật sư tư vấn, nhưng tới phút cuối vẫn có người không tin.

Khi công lý được thực thi, niềm tin… vỡ òa - Bài 3: Domino mảnh vỡ niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
Dù có hơn 40.000 người được nhận lại tiền từ đại án Vạn Thịnh Phát, nhưng vẫn còn hàng ngàn người không cung cấp thông tin để được bồi thường. Gần 3 năm đi kêu cứu, nhưng đến phút chót, không ít người lại tin vào những lời khuyên mơ hồ trên cõi mạng.

Bài 3: Domino mảnh vỡ niềm tin

Dù có hơn 40.000 người được nhận lại tiền từ đại án Vạn Thịnh Phát, nhưng vẫn còn hàng ngàn người không cung cấp thông tin để được bồi thường. Gần 3 năm đi kêu cứu, nhưng đến phút chót, không ít người lại tin vào những lời khuyên mơ hồ trên cõi mạng.

Tới phút nhận lại tiền cũng… không tin

Sau ngày Trương Mỹ Lan bị bắt (tháng 10/2022), suốt gần 3 năm trời, tức gần 1.000 ngày, hàng chục ngàn trái chủ khắc khoải từng giờ, hy vọng mong manh được nhận lại tiền của mình. Thế nhưng, tới tận phút cuối, khi Thi hành án dân sự TP.HCM đã “bấm nút” chuyển khoản hơn 7.000 tỷ đồng cho hơn 40.000 người bị hại vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, vẫn còn tới 2.573 người không cung cấp thông tin để được nhận tiền.

Thi hành án dân sự TP.HCM lại phải tiếp tục khẩn thiết đề nghị hàng ngàn người đó nhanh chóng nộp hồ sơ để cơ quan chức năng nhanh chi trả tiền.

Đây là lần thứ n, cơ quan này đề nghị như vậy.

Trước đó, tháng 10/2024, khi mới có Bản án sơ thẩm số 504/2024/HSST ngày 17/10/2024 (chưa có hiệu lực pháp luật do Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đang giải quyết theo thủ tục phúc thẩm), Thi hành án dân sự TP.HCM đã chủ động xây dựng các phần mềm thụ lý, thông báo, thanh toán tiền thi hành án.

Tháng 2/2025, cơ quan này công bố đường dây nóng, hoạt động 24/7 để hỗ trợ giải đáp nhanh chóng vấn đề liên quan và kêu gọi trái chủ phối hợp với Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) để thu thập thông tin trái chủ cung cấp hồ sơ thực hiện thi hành án.

Đến tháng 5/2025, Thi hành án dân sự TP.HCM tiếp tục khẩn thiết rằng, với số lượng đương sự nhiều kỷ lục trong lịch sử tố tụng, 43.125 trường hợp trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, trong khi lực lượng nhân sự của cơ quan không nhiều (cơ quan thi hành án đã huy động toàn bộ nhân lực cho vụ việc này), để đảm bảo các thủ tục theo quy định, đồng thời đảm bảo tối đa quyền lợi của người được thi hành án và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đề nghị các trái chủ nhanh chóng nộp hồ sơ để cơ quan chức năng cập nhật thông tin…

Nhưng tới ngày 12/3/2025, Thi hành án dân sự TP.HCM mới chỉ nhận được hơn 34.000 đơn đề nghị cung cấp thông tin từ các trái chủ là bị hại trong vụ án Trương Mỹ Lan và SCB, nên lại tiếp tục “đề nghị”.

Tới tận ngày 24/6/2025, tức ngày cuối cùng để cơ quan này “chốt sổ” chi trả đợt 1 vào hôm sau (25/6), vẫn còn 2.573 người chưa cung cấp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản.

Đi kêu cứu tới công an, nhưng vẫn nghi ngờ

Ngay sau khi vụ việc Trương Mỹ Lan vỡ lở, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh về thanh khoản. Chỉ khoảng 1 năm sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt, năm 2023, trong một báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính đã nêu “sau vụ việc của Vạn Thịnh Phát và SCB, từ tháng 10/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước có nhiều biến động, khối lượng phát hành sụt giảm”.

Không chỉ cán bộ thi hành án “vắt kiệt sức” rồi vẫn phải “khản tiếng”, cơn khủng hoảng niềm tin vào cơ quan công quyền cũng xảy ra trước đó, khi công an vào cuộc điều tra đại án này.

Gần 3 năm trước, lúc kêu cứu tới Báo Đầu tư (nay là Báo Tài chính - Đầu tư), nhiều trái chủ “oán trách” rằng, nếu như công an không bắt Trương Mỹ Lan, thì họ vẫn nhận được tiền trái phiếu, không lâm cảnh khốn khổ. Trên các group “cõi mạng” liên quan trái phiếu, tôi đọc được nhiều “tút” uất ức như vậy.

Tôi “phát cáu”, bởi sự không sòng phẳng, hoặc hạn chế trong hiểu biết pháp luật liên quan. “Cáu” nhưng rồi phải dịu giọng phân tích cho trái chủ rằng, hãy tới công an nộp hồ sơ theo kêu gọi và hãy cảm ơn họ.

Bởi thực tế, Trương Mỹ Lan đã ủ mưu từ hơn 10 năm trước rồi biến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thành của mình, bắt tay với công ty kiểm toán, lập cả ngàn công ty “ma”, tạo nhóm trái chủ sơ cấp giả, nhóm công ty đối tác ảo, hình thành dây chuyền lừa đảo tín dụng khép kín, tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền.

Tóm lại, tất cả đều là giả, kể cả cuộc mua bán trái phiếu sơ cấp cũng giả, tiền mua bán sơ cấp cũng... ảo, để chiếm đoạt tiền thật của hàng vạn người dân. Vì vậy, nếu công an không bắt, không kịp ngăn chặn, thì còn bao nhiêu người nữa bị lừa kiểu domino như thế này? Không chỉ bắt, công an còn kịp phong tỏa tài khoản, tài sản liên quan để bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

Và liên tục, từ tháng 7/2023 tới ngày 14/5/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã có nhiều thông báo tìm bị hại. C03 còn ủy thác công an 58 tỉnh, thành phố (cũ) trên cả nước lấy lời khai của 35.824 người bị hại để làm rõ những sai phạm của Trương Mỹ Lan, cùng kiến nghị của các trái chủ.

Thế nhưng, tới tận ngày 29/5/2024, khi C03 công bố kết luận điều tra đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, một cảm giác xót xa “ức nghẹn” lại ập đến với tôi, bởi số lượng hồ sơ trái chủ nộp, được cơ quan công an 58 tỉnh, thành phố nhận ủy thác để chuyển về C03 chỉ hơn 25.000 trái chủ (tỷ lệ 70,17%).

Trong khi đó, theo luật, khi không chịu đi xác định tư cách bị hại, sẽ không được bồi thường thiệt hại. Ấy thế mà hàng ngàn trái chủ vẫn không đi, không tin.

Tìm tới báo chí, song vẫn tin lời ảo cõi mạng

Theo thẩm phán Phạm Lương Toản, Chủ tọa phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, sự tiếp tay của cán bộ Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho Trương Mỹ Lan, không chỉ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, mà còn xâm phạm đến tính đúng đắn của hoạt động công vụ, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

Khi đại án Vạn Thịnh Phát nổ ra, báo chí là “cánh cửa cuối cùng” được các trái chủ kéo tới kêu cứu.

Gần 3 năm trước, khi tiếp nhận hồ sơ kêu cứu của các trái chủ, tôi thực sự sửng sốt khi đa phần, ngoài lá đơn kêu cứu, còn lại là tư liệu không đủ cơ sở để chứng minh, để tố cáo, buộc trách nhiệm ai đó.

Thế là, tôi “bò ra” gần 2 tháng trời “nghiền” tới “nhão” tất cả quy định pháp lý, từ Luật Chứng khoán cũ, mới, các nghị định, thông tư chuyển tiếp, Luật Các tổ chức tín dụng, rồi các quy định của luật dân sự, hình sự… để đối chứng với lời kêu cứu và hồ sơ trái chủ, giúp họ cách tự chứng minh.

Tôi còn “mật phục” nơi ở, kiểm chứng với cả người thân về việc làm của chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, phát hành trái phiếu tổng trị giá 10.000 tỷ đồng; “săn” bằng được tài liệu “trong ruột” SCB, tài liệu liên quan doanh nghiệp “nhòm ngó” dự án có thế chấp làm tài sản đảm bảo trái phiếu…

Rồi tôi cũng “bò” ra soạn lại trong “núi” tư liệu để hoàn chỉnh nhiều bộ hồ sơ đầy đủ chứng cứ của các công ty hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã phát hành trái phiếu khống, nhằm vơ vét “mồ hôi, xương máu” của khổ chủ.

Tất cả thông tin được tôi chuyển cho trái chủ, mong họ nhanh chóng đi nộp chứng lý tới cơ quan chức năng, để được đảm bảo quyền lợi.

Thậm chí, trong nhiều cuộc làm việc với trái chủ, không chỉ tôi, các luật sư uy tín như luật sư Nguyễn Tấn Thi (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen - TP.HCM), luật sư Lê Ngô Trung (Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự - TP.HCM) cũng viện dẫn các điều luật liên quan để “giấy trắng mực đen” phân tích rằng, tất cả biện pháp của cơ quan chức năng như công an đang làm (phong tỏa tài sản Vạn Thịnh Phát, điều tra truy vết dòng tiền, kêu gọi nạn nhân nộp hồ sơ trình báo…), thi hành án hướng dẫn cung cấp thông tin, là để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trái chủ, theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, như đã nói trên, cả ở giai đoạn C03 hoàn tất kết luận điều tra đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, tới cả khi Thi hành án dân sự TP.HCM “bấm nút” chi trả tiền đợt 1 cho hơn 40.000 người, vẫn còn hàng ngàn người không đi nộp hồ sơ. Vậy nên mới có cảnh, nhiều ngày sau khi rầm rộ tin hơn 40.000 người nhận được tiền, thậm chí tới nửa đêm tôi còn nhận được điện thoại của trái chủ khóc tức tưởi: “Tôi chót nghe lời khuyên không khai báo theo mẫu của công an, thi hành án, bởi khả năng là ‘bẫy’. Giờ làm sao lấy lại được tiền chú ơi!”.

Nghe mà ứ nghẹn, bởi công sức cả năm trời của mình và các luật sư, của cơ quan công an, tòa án, thi hành án thành công cốc. Trái chủ đến tận cơ quan kêu cứu, ngóng tiền bồi hoàn từng giờ suốt gần 3 năm, rồi phút cuối lại tin vào những đối tượng “bí ẩn” trên thế giới ảo.

Nhưng sau ứ nghẹn là cảm giác xót xa, bởi họ thiếu kiến thức pháp lý, bởi họ lâm cảnh “sắp chết đuối”. Thế là tôi lại tiếp tục “bò ra” lục và soạn gửi lại hồ sơ cho những người đã “nếm mùi” trao gửi niềm tin lầm chỗ.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan