Huỷ tăng vốn: Cổ đông về đâu?

(ĐTCK) Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc không chuyển nhượng được cổ phần này là do bên chuyển nhượng không có quyền sở hữu hợp pháp số cổ phần đó, do việc tăng vốn điều lệ của CTCK chưa được sự chấp thuận của UBCK.

Trong bối cảnh TTCK Việt Nam liên tục tụt dốc, đã xuất hiện một số trường hợp chuyển nhượng cổ phần do CTCK phát hành để tăng vốn điều lệ khi chưa được sự chấp thuận của UBCK. Ngoài ra, để có tiền mua cổ phần do CTCK phát hành tăng vốn điều lệ, một số cổ đông đã ký các hợp đồng để bán số cổ phần đó cho bên thứ 3 (bên nhận chuyển nhượng). Song, đến thời hạn chuyển nhượng cổ phần như đã cam kết trong hợp đồng, cổ đông đó (bên chuyển nhượng) không có cổ phần để chuyển nhượng cho bên nhận chuyển nhượng, dẫn đến nguy cơ phát sinh tranh chấp phức tạp giữa các bên. Như vậy, ai là người chịu thiệt và hậu quả pháp lý ra sao?

Dưới góc độ pháp lý, có thể thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc không chuyển nhượng được cổ phần này là do bên chuyển nhượng không có quyền sở hữu hợp pháp số cổ phần đó, do việc tăng vốn điều lệ của CTCK chưa được sự chấp thuận của UBCK.

Liên quan đến vấn đề tăng vốn điều lệ của CTCK, tại Điều 8, Quyết định 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 24/4/2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK quy định như sau: "Công ty chứng khoán đã được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động khi tăng vốn điều lệ phải đề nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp bổ sung, sửa đổi Giấy phép thành lập và hoạt động".

Như vậy, CTCK phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thì phải được chấp thuận của UBCK qua việc cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động.

Đối với việc mua - bán cổ phần, tại khoản 3, Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định như sau: "Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2 Điều 86 của Luật này được ghi đúng, ghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty". Như vậy, khi cổ đông mua cổ phần do CTCK phát hành thì việc mua - bán này chỉ được coi là hoàn thành khi cổ đông đã thanh toán đủ số tiền mua cổ phần cho CTCK và những thông tin về cổ đông đó được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông của CTCK.

Từ những quy định trên có thể thấy rằng, khi CTCK phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, cổ đông đã đăng ký mua cổ phần của CTCK chỉ được quyền sở hữu hợp pháp số cổ phần đó khi đáp ứng đủ hai điều kiện là: (i) việc tăng vốn điều lệ của CTCK được UBCK chấp thuận thông qua việc cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động cho CTCK; và (ii) cổ đông đó đã thanh toán đủ tiền mua cổ phần và những thông tin về cổ đông được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông của CTCK. Kể từ thời điểm này, cổ đông mới được quyền chuyển nhượng số cổ phần đó cho người khác.

Trong trường hợp trên, khi bên chuyển nhượng ký hợp đồng để bán số cổ phần mình đăng ký mua của CTCK cho bên thứ 3, tại thời điểm đó việc tăng vốn điều lệ của CTCK chưa được sự chấp thuận của UBCK. Như vậy, bên chuyển nhượng chưa có quyền sở hữu số cổ phần đó nên không thể chuyển nhượng nó cho người khác một cách hợp pháp. Đây có thể coi là trường hợp hợp đồng vô hiệu, do có đối tượng không thể thực hiện được theo quy định tại khoản 1, Điều 411 Bộ luật Dân sự 2005: "Trong trường hợp ngay từ khi ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu".

Khi hợp đồng trên bị vô hiệu, việc xác định hậu quả pháp lý và trách nhiệm của các bên sẽ tuân theo quy định chung của pháp luật. Tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau: "Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường". Do vậy, trong trường hợp này, khi hợp đồng bị vô hiệu, bên chuyển nhượng phải hoàn trả số tiền mua cổ phần đã nhận được từ bên nhận chuyển nhượng.

Ngoài ra, khoản 2, Điều 411 Bộ luật Dân sự 2005 còn quy định: "Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được".

Khi ký hợp đồng, nếu bên nhận chuyển nhượng không biết được việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, do bên chuyển nhượng không thông báo, thì bên chuyển nhượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận chuyển nhượng. Ngược lại, nếu bên nhận chuyển nhượng biết hoặc phải biết về việc này thì bên chuyển nhượng không phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho bên nhận chuyển nhượng.

Đối với các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng cổ phần trong các công ty cổ phần nói chung, nhất là cổ phần do CTCK phát hành để tăng vốn điều lệ, một vấn đề cần lưu ý là trước khi ký hợp đồng, các bên cần xác định rõ đối tượng của hợp đồng có khả năng thực hiện được hay không để tránh tình trạng "tiền mất tật mang", tiền thì đã trả mà cổ phiếu thì không nhận được; ngược lại, bên chuyển nhượng dù có muốn chuyển nhượng cổ phần nhưng cũng không thể thực hiện được một cách hợp pháp do chưa có được quyền sở hữu hợp pháp. Đây có thể là một nguy cơ rủi ro cao đối với những người đã đăng ký mua cổ phần trong đợt tăng vốn điều lệ của các CTCK trong thời gian vừa qua, khi mà giá chứng khoán liên tục giảm, họ vẫn phải ôm khư khư một số lượng cổ phiếu mà không biết đến bao giờ mới thuộc về mình do phải chờ đợi sự chấp thuận từ phía UBCK, nhưng lại không thể chuyển nhượng nó cho người khác do chưa có căn cứ pháp lý hợp pháp.