Hy Lạp muốn xóa nợ, không đơn giản!

Hy Lạp muốn xóa nợ, không đơn giản!

(ĐTCK) Dường như 5 năm thắt lưng buộc bụng đã trở nên quá sức chịu đựng với người dân Hy Lạp và đó là lý do người dân nước này chọn đảng Đảng cánh tả Syriza. Tuy nhiên những tuyên bố mới của Alexis Tsipras về việc đàm phán lại nợ của quốc gia này ngay lập tức bị phản ứng. 

Sau cuộc bầu cử ngày hôm qua (25/1), Hy Lạp đã chọn được thủ tướng mới, lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh châu Âu có một chính phủ không ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Đảng cánh tả Syriza do ông Alexis Tsipras lãnh đạo đã có chiến thắng ngọt ngào trước đảng Dân chủ mới của Thủ tướng đương nhiệm, ông Antonis Samaras.

Đảng Syriza giành thắng lợi thuyết phục với 36% số phiếu ủng hộ, hơn 8% so với đảng Dân chủ mới. Đây không phải là kết quả gây nhiều bất ngờ bởi trước đó các cuộc khảo sát đều cho thấy đảng Syriza luôn chiếm ưu thế.

Trong bài phát biểu mừng thắng lợi vào tối hôm qua tại Athens, ông Tsipraas cho rằng Hy Lạp đã bước sang trang mới, bỏ lại quá khứ khắc khổ với chính sách thắt chặt chi tiêu ở phía sau.

Trước đó, nền kinh tế Hy Lạp đã suy thoái nặng nề kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và làm nhiều người dân rơi vào cảnh túng quẫn. Để nhận được những khoản vay cứu trợ của các tổ chức lớn, bao gồm Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Hy Lạp buộc phải tiến hành nhiều đợt cắt giảm ngân sách, thắt chặt chi tiêu.

Dường như 5 năm thắt lưng buộc bụng đã trở nên quá sức chịu đựng với người dân Hy Lạp. Chính bởi vậy khi thủ lĩnh Đảng cánh tả Alexis Tsipras đưa ra cam kết giảm bớt số nợ quốc gia và chấm dứt chính sách tài khóa khắc nghiệt, người dân đã nhanh chóng ủng hộ.

Ông Alexis Tsipras từng tuyên bố sẽ kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế để đàm phán lại các khoản nợ của Hy Lạp với một số quốc gia trong khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Việc đảng Syriza chiến thắng lại làm dấy lên lo ngại Hy Lạp có thể hủy một số khoản nợ và bỏ đồng euro, đồng tiền chung của 19 nước thành viên châu Âu như lo ngại từng đến vài năm trước.

Mặc dù đảng Syriza đã khẳng định lập trường của mình rằng họ vẫn muốn Hy Lạp là một thành viên của khối và sử dụng đồng tiền chung. Tuy nhiên, rất khó để thủ tướng mới của Hy Lạp có thể thực hiện được cam kết về việc đàm phán nợ của mình.

Trước khi cuộc bầu cử có kết quả, trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Ailen" ngày 20/1, Tổng giám đốc IMF Lagarde đã đưa ra lời cảnh báo rằng tuyên bố vỡ nợ, cơ cấu lại nợ hay thay đổi các điều khoản vay nợ của Hy Lạp sẽ ảnh hưởng tới niềm tin đối với những nước tham gia ký kết.

Theo bà Lagarde, không chỉ Hy Lạp mà các quốc gia châu Âu khác cũng sẽ chịu hậu quả nếu thay đổi các điều khoản đã ký.

Mặt khác, theo quy định, ECB sẽ không thể mua quá 33% số trái phiếu chính phủ từ bất kỳ quốc gia nào khiến Hy Lạp sẽ nằm bên ngoài lề gói định lượng hơn 1.000 tỷ euro mà ECB vừa đưa ra cho đến khi ngân hàng trung ương nước này có thể trả được khoản nợ cũ vào tháng bảy tới.

Thống đốc ECB, ông Draghi cho rằng: “Chúng tôi không thể có qui định đặc biệt nào cho Hy Lạp, chúng tôi chỉ áp dụng những quy tắc cơ bản được áp dụng cho mọi quốc gia”.

Điều này có thể khiến Hy Lạp vốn đã phải chịu nhiều thiệt hại vì khủng hoảng kinh tế trở nên kiệt quệ.

Sau khi kết quả bầu cử tại Hy Lạp được công bố, lúc 11h12 sáng tại sàn Tokyo, đồng Euro đã giảm xuống 0,3%, 1 Euro đổi được 1,1168 USD , gần bằng với mức thấp nhất trong 11 năm qua được thiết lập vào tuần trước khi Ngân hàng trung ương châu Âu thông báo kế hoạch về gói nới lỏng định lượng. Chỉ số Standard & Poor’s 500 cũng giảm 0,6% và chỉ số MSCI Asia Pacific Index (MXAP) giảm 0,3%.

Tin bài liên quan