IEA: Tồn kho suy giảm có thể khiến giá dầu tiếp tục tăng

IEA: Tồn kho suy giảm có thể khiến giá dầu tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Sáu (11/8), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ có thể làm xói mòn hàng tồn kho trong nửa cuối năm nay và có khả năng đẩy giá dầu lên cao hơn trước khi những cơn gió ngược kinh tế làm hạn chế tăng trưởng nhu cầu toàn cầu vào năm 2024.

Nguồn cung thắt chặt hơn do cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ và nhu cầu toàn cầu gia tăng đã góp phần hỗ trợ đà tăng của giá dầu, trong đó giá dầu Brent đã đạt mức hơn 88 USD/thùng vào thứ Năm (10/8), mức cao nhất kể từ tháng 1.

Trong khi đó, lần đầu tiên sử dụng nhiên liệu thế giới đạt trung bình 103 triệu thùng/ngày vào tháng 6 và thậm chí có thể tăng cao hơn vào tháng 8, khi Ả Rập Xê Út và các đối tác hạn chế nguồn cung khiến thị trường dầu mỏ đang thắt chặt đáng kể.

IEA cho biết, nếu các mục tiêu hiện tại của OPEC+ được duy trì, tồn kho dầu có thể giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong quý ba và 1,2 triệu thùng/ngày trong quý bốn, “với nguy cơ đẩy giá dầu cao hơn”.

“Việc cắt giảm nguồn cung sâu hơn của OPEC+ đã va chạm với tâm lý kinh tế vĩ mô được cải thiện và nhu cầu dầu thế giới cao chưa từng thấy”, báo cáo của IEA cho biết.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã bắt đầu hạn chế nguồn cung vào cuối năm 2022 để thúc đẩy thị trường và đã gia hạn cắt giảm sản lượng sang năm 2024.

IEA cho biết, nguồn cung dầu toàn cầu đang giảm 910.000 thùng/ngày một phần do sản lượng của Ả Rập Xê Út giảm mạnh. Nhưng xuất khẩu dầu của Nga vẫn ổn định ở mức khoảng 7,3 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Trong năm tới, tăng trưởng nhu cầu được dự báo sẽ giảm mạnh xuống còn 1 triệu thùng/ngày, do các điều kiện kinh tế vĩ mô mờ nhạt, quá trình phục hồi sau đại dịch đang cạn kiệt và việc sử dụng phương tiện xe điện đang phát triển.

IEA cho biết: “Với sự phục hồi sau đại dịch phần lớn đã hoàn thành và khi nhiều cơn gió ngược thách thức triển vọng của OECD, mức tiêu thụ dầu tăng chậm lại rõ rệt”.

Dự báo tăng trưởng nhu cầu của IEA đã giảm 150.000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước và trái ngược với dự báo mới nhất của OPEC rằng nhu cầu dầu sẽ tăng mạnh 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

IEA cho biết: “Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức khi đối mặt với lãi suất tăng cao và tín dụng ngân hàng thắt chặt hơn, siết chặt các doanh nghiệp vốn đã phải đối phó với sản xuất và thương mại trì trệ”.

IEA dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023, nhờ du lịch hàng không vào mùa hè, tăng sử dụng dầu trong sản xuất điện và tăng cường hoạt động hóa dầu của Trung Quốc. Trong khi OPEC dự kiến mức tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

IEA cho biết, nhu cầu được dự báo trung bình là 102,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, với Trung Quốc chiếm hơn 70% tăng trưởng, bất chấp những lo ngại về sức khỏe kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trên thế giới trong cuộc khủng hoảng Covid-19 ba năm trước đã thúc đẩy suy đoán rằng mức tiêu thụ có thể gần đạt đỉnh khi làm việc từ xa ngày càng phổ biến và các chính phủ tìm cách tránh xa nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc.

Nhưng dữ liệu của IEA cho thấy, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng về hành tinh nóng lên do các đợt nắng nóng và cháy rừng vào mùa hè năm nay ở Bắc bán cầu, việc sử dụng dầu vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tin bài liên quan