Nga sắp vượt qua Ả Rập Xê Út trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu OPEC+

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga sắp vượt qua Ả Rập Xê Út để trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC+.
Nga sắp vượt qua Ả Rập Xê Út trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu OPEC+

Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng, IEA ước tính tổng sản lượng dầu thô của Ả Rập Xê Út sẽ giảm xuống còn 9 triệu thùng/ngày trong suốt tháng 7 và tháng 8.

Báo cáo cho biết, đây là khối lượng dầu thấp nhất mà nước này sản xuất được trong 2 năm và sẽ khiến nước này rơi xuống vị trí sau Nga với tư cách là nhà sản xuất dầu hàng đầu trong liên minh OPEC+.

Sự sụt giảm ước tính phần lớn bắt nguồn từ việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày mà Ả Rập Xê Út gần đây cho biết, sẽ kéo dài đến tháng 7 nhằm hỗ trợ giá dầu thô.

Theo số liệu của IEA, trong tháng 6, Ả Rập Xê Út đã sản xuất 9,98 triệu thùng/ngày và Nga sản xuất 9,45 triệu thùng/ngày.

Đầu tháng này, Nga cũng cho biết họ có kế hoạch hạn chế sản lượng 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 8. Nhưng, sản lượng thực tế của nước này thường vượt quá mức giảm theo cam kết, khiến Nga có khả năng bơm nhiều dầu hơn Ả Rập Xê Út.

Trên thực tế, các quan chức Ả Rập Xê Út đã phàn nàn rằng Nga không tuân theo cam kết cắt giảm, vì nền kinh tế suy yếu đang gây thêm áp lực để duy trì doanh thu năng lượng. Vào tháng 5, điều đó đã khiến giá dầu giảm xuống dưới 81 USD/thùng, mức hòa vốn quan trọng đối với Ả Rập Xê Út.

Riyadh đã có nhiều động thái nhằm đẩy giá dầu lên cao hơn trong nhiều tháng. Điều đó đã khiến OPEC+ ban hành một loạt đợt cắt giảm sản lượng mạnh mẽ vào năm ngoái và đợt cắt giảm tự nguyện đầu tiên của Ả Rập Xê Út vào tháng 6.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021, cho thấy sản lượng dầu thô của nước này cuối cùng cũng có thể giảm sau nhiều tháng xuất khẩu mạnh mẽ vào đầu năm nay.

Mặt khác, nhu cầu dầu thế giới đang chịu áp lực từ môi trường kinh tế đầy thách thức, đặc biệt là do chính sách tiền tệ thắt chặt đáng kể ở nhiều nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển trong 12 tháng qua.

Nhu cầu ở OECD, và đặc biệt là châu Âu đang suy giảm trong bối cảnh hoạt động công nghiệp giảm tốc. Các nước châu Phi đã chứng kiến nhập khẩu và nhu cầu giảm do giá nhiên liệu bán lẻ cao hơn sau khi các khoản trợ cấp bị dỡ bỏ.

Mặc dù vậy, nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày từ quý II đến quý III/2023 và đạt mức trung bình 102,1 triệu thùng/ngày trong cả năm nay. Tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 1,1 triệu thùng/ngày vào năm 2024, khi đà phục hồi mất đà và khi các phương pháp hiệu quả và những phương tiện tiết kiệm năng lượng được áp dụng.

Tin bài liên quan