Imexpharm 2017-2020, giai đoạn chuyển mình

Imexpharm 2017-2020, giai đoạn chuyển mình

(ĐTCK) Với mức tăng trưởng ấn tượng luôn trên hai con số và được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển, ngành dược Việt Nam đang đứng trước làn sóng M&A lớn từ các tập đoàn dược đa quốc gia. Sau những thương vụ lớn tại Domesco, Dược Hậu Giang…, trên thị trường có nhiều dự đoán thương vụ M&A đáng chú ý kế tiếp có khả năng là Imexpharm, khi Công ty đang thu hút sự chú ý mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt sau sự kiện Imexpharm đạt được chứng nhận EU-GMP cùng lúc cho 3 dây chuyền của 2 nhà máy tại Bình Dương là: Cephalosporin (thuốc tiêm, thuốc uống) và Penicillin (thuốc tiêm).

Ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm đã có những chia sẻ thẳng thắn về xu hướng M&A trong ngành cũng như kế hoạch hoạt động đến 2020 của Công ty. 

Ông nhận định như thế nào về hàng loạt thương vụ M&A trong ngành dược Việt Nam thời gian vừa qua? Liệu Imexpharm có phải là trường hợp tiếp theo và Công ty đã có sự chuẩn bị gì để chủ động đón nhận làn sóng này?

Tôi phải thừa nhận rằng, những thương vụ M&A trong ngành dược thời gian qua đã thu hút sự quan tâm lớn trên thị trường, khi hàng loạt cổ phiếu ngành dược như DMC, DHG, TRA và IMP đều nổi sóng. Đây là xu hướng tất yếu của ngành dược cũng như một số ngành khác như ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ… khi Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, tôi nghĩ, điều đáng quan tâm nhất bây giờ không phải là việc đó có xảy ra tại Imexpharm hay không nữa, mà là nó sẽ xảy ra theo cách thức nào.

Tại Imexpharm, từ nhiều năm trước, chúng tôi đã xác định phải luôn ở tư thế chủ động trong câu chuyện M&A: chủ động lựa chọn ai và khi nào. Bởi vì tôi nghĩ điều quan trọng nhất mà cộng đồng đầu tư quan tâm hiện nay cũng không phải là thương vụ sẽ xảy ra ở đâu nữa, mà liệu sau sự kiện đó thì sẽ giúp ích gì cho chiến lược phát triển của doanh nghiệp và liệu các thương hiệu Việt Nam có bị mất đi hay không.

Imexpharm 2017-2020, giai đoạn chuyển mình ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Định 

Ngành dược được xem là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng vừa qua, Domesco đã chính thức được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho nới room khối ngoại lên 100%. Ông nhận định điều này như thế nào? Liệu sau Domesco các doanh nghiệp dược khác cũng sẽ có những động thái tương tự hay không?

Điều này tùy thuộc vào cổ đông lớn, cổ đông chiến lược của doanh nghiệp là ai. Theo tôi nghĩ, đối với các doanh nghiệp dược Việt Nam, hệ thống phân phối đóng góp một giá trị không nhỏ, đặc biệt đối với các công ty dược hàng đầu có hệ thống phân phối phát triển thì tỷ trọng giá trị này có thể lên đến 40 - 50%. Vì vậy, cổ đông và nhà đầu tư nên suy xét cẩn thận điều được và mất trước khi đặt ra yêu cầu nới room cho các doanh nghiệp dược.

9 tháng đầu năm nay, Imexpharm đạt tổng doanh thu và thu nhập thực hiện đạt khoảng 59% kế hoạch năm. Công ty có khả năng về đích kế hoạch 2016 hay không, thưa ông? Các chỉ tiêu kinh doanh năm 2017 như thế nào?

Chúng tôi đánh giá khả năng đạt kế hoạch doanh thu năm 2016 là 95%, đạt khoảng 1.050 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế và trước trích Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ có khả năng đạt 98 - 100% của lợi nhuận kế hoạch 140 tỷ đồng.

Năm 2017 sắp tới với nhiều dự báo lạc quan về khả năng tăng trưởng của ngành dược Việt Nam từ 12-15%. Riêng Imexpharm, chúng tôi nhận định sẽ có sự tăng trưởng tốt trên ETC (hệ điều trị) với các sản phẩm từ dây chuyền EU-GMP và các sản phẩm tương đương sinh học có khả năng cạnh tranh tốt.

Mặt khác, các đơn đặt hàng của các đối tác phân phối để cung cấp cho ETC, đặc biệt là y tế tư nhân và xuất khẩu cũng sẽ tăng trưởng đáng kể. Việc hồi phục mạnh mẽ tại thị trường ETC theo cách thức đó cũng sẽ giúp lan tỏa sang thị trường OTC (hệ thị trường), từ đó chúng tôi dự báo OTC sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2016. Với các phân tích như trên, chúng tôi nhận định doanh thu năm 2017 sẽ tăng trưởng khoảng 25 - 30% so với năm trước.

Hiện Imexpharm đang tiến hành xây dựng 2 nhà máy mới: Nhà máy dược công nghệ cao Bình Dương, Nhà máy kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc. Xin ông cho biết lộ trình đi vào hoạt động của các nhà máy và tỷ trọng cho các thị trường OTC - ETC thời gian tới như thế nào khi hai nhà máy này hoạt động, thưa ông?

Như đã công bố với cổ đông và nhà đầu tư, Nhà máy Dược Công nghệ cao Bình Dương sẽ hoàn thành cuối năm 2018, tuy có sự thay đổi về công nghệ so với công bố ban đầu, nhưng hiện nay chúng tôi vẫn đảm bảo được tiến độ xây dựng và giải ngân. Đối với Nhà máy kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc, Công ty đang tập trung nguồn lực gấp rút đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành đi vào hoạt động trong khoảng nửa cuối năm 2018.

Hai nhà máy đang xây dựng đều sản xuất các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường ETC và xuất khẩu. Chúng tôi xây dựng mục tiêu lý tưởng cho tỷ trọng các thị trường OTC:ETC là 70 % - 30%, so với tỷ trọng hiện nay là 83%, nghiêng về OTC thiếu sự cân bằng.

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng 2018-2020 khi hai nhà máy này đi vào hoạt động không, thưa ông?

Chúng tôi kỳ vọng tỷ trọng tăng trưởng bình quân kép hàng năm (CAGR) cho doanh thu của Imexpharm giai đoạn 2018 - 2020 từ 22 - 25%.

Vừa qua, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm đã chính thức nhận được Giấy Chứng nhận EU-GMP Số ES/141HV/16 do Cơ quan Quản lý Dược phẩm – Bộ Y tế Tây Ban Nha  (AEMPS – Spain) cấp cho 03 dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Bình Dương (IMP3) -  Địa chỉ: Số 22, đường số 2, KCN Việt Nam - Singapore II, Phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương. Giấy chứng nhận được ký vào ngày 21/09/2016 và có thời hạn hiệu lực trong vòng 03 năm.

Thông tin này cũng đã được Bộ Y tế Việt Nam công bố chính thức theo công văn số 21743/QLD-CL ngày 03/11/2016 của Cục Quản Lý Dược

Tin bài liên quan