IMF đang cho các quốc gia vay khoảng 151 tỷ USD để giải quyết nợ

IMF đang cho các quốc gia vay khoảng 151 tỷ USD để giải quyết nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang cung cấp khoản vay cho gần 100 quốc gia với số tiền gần kỷ lục, đây là bằng chứng cho thấy vai trò ngày càng tăng của tổ chức này như một điểm tựa chống lại những nguy cơ tài chính và chính trị của thế giới hậu đại dịch.

Ngoài ảnh hưởng của lãi suất tăng cao và xung đột địa chính trị, IMF đã phải dập tắt thêm nhiều vụ ảnh hưởng kinh tế, bao gồm ở Ukraine, Ai Cập và các nơi khác ở châu Phi cũng như ở Argentina và Pakistan.

Theo tính toán của Bloomberg về dữ liệu của IMF, dư nợ tín dụng của IMF đã tăng lên khoảng 151 tỷ USD vào cuối tháng 2/2024. Con số này có thể sẽ tăng hơn nữa sau khi IMF hoàn tất việc tăng quy mô hỗ trợ cho Ai Cập lên 8 tỷ USD, có thể là trong tháng này.

Dư nợ tín dụng của IMF

Dư nợ tín dụng của IMF

Masood Ahmed, Chủ tịch Trung tâm Phát triển Toàn cầu và cựu Giám đốc bộ phận Trung Đông của IMF cho biết, mặc dù đại dịch đã trôi vào quá khứ, nhưng “các quốc gia vẫn đang phải đối mặt với áp lực và căng thẳng. Thế giới ngày càng trở nên căng thẳng về mặt địa chính trị. Có nhiều căng thẳng và xung đột hơn”.

Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF đã cảnh báo rằng khoảng cách thu nhập ngày càng lớn giữa các nước giàu và nghèo là yếu tố chính gây ra bất ổn. Cái còn lại là xung đột địa chính trị.

“Chúng tôi thấy niềm tin giữa các quốc gia cũng đang giảm sút, trong khi căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng… Một thế giới bị chia cắt sẽ nghèo hơn và kém an toàn hơn”, bà cho biết khi đề cập đến những ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas và “nhiều vấn đề khác thường không được chú ý”.

IMF đã đưa ra nhiều khoản hỗ trợ thanh khoản trị giá 1.000 tỷ USD, bao gồm cả số tiền có sẵn nhưng chưa được sử dụng. Để so sánh, số tiền hiện còn tồn đọng tương đối nhỏ - chưa đến 0,2% trong nền kinh tế toàn cầu trị giá hơn 100.000 tỷ USD - nhưng là minh chứng cho vai trò trung tâm của IMF trong việc kiểm soát và quản lý hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ thiết kế sau Thế chiến II.

Với những nguồn gốc đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người vay của IMF - bao gồm một số nước lớn nhất là Argentina, Ai Cập và Ukraine - trùng lặp với các ưu tiên địa chính trị hàng đầu của Washington.

Mark Sobel, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Mỹ xem IMF là một công cụ quan trọng để thúc đẩy an ninh quốc gia, phúc lợi kinh tế và lợi ích ổn định tài chính trên toàn thế giới… Các quan chức phương Tây và chắc chắn là Mỹ xem IMF là cơ quan ứng phó đầu tiên”.

Hai bên đi vay lớn nhất khác - chiếm tổng cộng 58 tỷ USD, gần một nửa tổng dư nợ tín dụng - là Argentina và Ai Cập, những khách hàng lâu năm của IMF.

Tổng thống mới đắc cử của Argentina, Javier Milei, hiện đang thúc đẩy các cải cách kinh tế lớn mà IMF mong muốn, chẳng hạn như tăng cường ngoại hối và tăng nguồn thu. Trong khi đó, khoản cho vay của IMF dành cho Ai Cập đang tăng lên, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 50 tỷ USD được cam kết trên toàn cầu nhằm củng cố nền kinh tế đang bấp bênh.

Martin Muhleisen, cựu giám đốc bộ phận chiến lược, chính sách và đánh giá quan trọng của IMF cho biết: “Ai Cập không phải ngẫu nhiên nhận được tất cả các chương trình đó mặc dù họ chưa cải cách vai trò của quân đội trong nền kinh tế… Rõ ràng đang có những cân nhắc về địa chính trị”.

Tin bài liên quan