Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bandung, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN).

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bandung, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN).

Indonesia điều chỉnh các biện pháp hạn chế, Vatican yêu cầu "thẻ xanh"

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ Indonesia gia hạn lần thứ 10 lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 1-4 tại Java, Bali và các địa phương khác; từ 1/10, những người muốn vào Vatican bắt buộc phải có thẻ xanh COVID-19.

Theo phóng viên tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 tại Java và Bali cũng như tại các địa phương khác bên ngoài hai hòn đảo đông dân này, đồng thời nới lỏng thêm một số hạn chế xã hội.

Phát biểu họp báo trực tuyến tối 20/9, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư kiêm Điều phối viên PPKM tại Java và Bali, ông Luhut Pandjaitan cho biết biện pháp này sẽ kéo dài thêm hai tuần, từ ngày 21/9 đến ngày 4/10 tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Bộ trưởng Luhut thông báo rằng trong lần gia hạn thứ 10 này, không còn khu vực nào tại Java và Bali áp dụng PPKM cấp độ 4 với lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất, đồng thời tuyên bố rằng chính phủ sẽ tiếp tục triển khai biện pháp chống dịch này chừng nào đại dịch chưa hoàn toàn biến mất.

Chính phủ Indonesia sẽ tiến hành xem xét PPKM cấp độ 1-4 mỗi tuần một lần đối với Java và Bali, và hai tuần một lần đối với các địa phương còn lại.

Theo ông Luhut, Tổng thống Joko Widodo đã nhắc nhở phải luôn cảnh giác do dịch bệnh COVID-19 đang tái bùng phát tại nhiều quốc gia sau một thời gian lắng xuống.

Mặc dù tiếp tục kéo dài PPKM cấp độ 1-4, Chính phủ Indonesia đã nới lỏng các hạn chế trong một số lĩnh vực, theo đó cho phép mở cửa trở lại các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, sân chơi, khu vui chơi giải trí, chợ, rạp chiếu phim, nhà thờ…

Theo Bộ trưởng Luhut, chính phủ sẽ cho phép thí điểm mở cửa các trung tâm thương mại cho trẻ em dưới 12 tuổi dưới sự giám sát của bố mẹ.

Chương trình này sẽ được triển khai tại các đô thị lớn gồm Jakarta, Bandung, Semarang, Jogjakarta và Surabaya. Các nhà hàng nằm bên ngoài các trung tâm thương mại cũng được phép hoạt động với 50% công suất tối đa.

Ngoài ra, các công ty hoạt động trong các lĩnh vực không thiết yếu được phép tổ chức làm việc tại chỗ với 25% công suất. Tuy nhiên, tất cả các nhân viên làm việc tại văn phòng đều phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 và quét mã QR trên ứng dụng khai báo y tế trực tuyến PeduliLindungi.

Cũng tại họp báo, Bộ trưởng Điều phối kinh tế kiêm Điều phối viên PPKM cấp độ 1-4 bên ngoài Java và Bali, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Xử lý COVID-19 và phục hồi kinh tế quốc gia (KPC PEN), ông Airlangga Hartarto cho biết chỉ còn 10 huyện/thành phố bên ngoài hai hòn đảo này áp dụng PPKM cấp độ 4. Trong khi đó, 376 huyện/thành phố còn lại áp dụng PPKM cấp độ 1-3.

Theo Bộ trưởng cấp cao này, trung tâm mua sắm tại các địa phương bên ngoài Java và Bali áp dụng PPKM cấp độ 3 được phép mở cửa từ 10h00 đến 21h00 hằng ngày và phục vụ với 50% công suất tối đa nhằm hạn chế nguy cơ lây lan COVID-19.

Ngoài ra, các rạp chiếu phim cũng sẽ được phép mở cửa với 50% công suất.

Chính phủ Indonesia áp đặt PPKM khẩn cấp vào ngày 3-20/7 tại Java và Bali và từ ngày 12-20/7 tại các khu vực còn lại.

Tiếp đó, biện pháp này đã được đổi tên thành PPKM cấp độ 1-4 và được kéo dài nhiều lần kèm theo việc nới lỏng dần các hạn chế xã hội, trong bối cảnh số ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19 liên tục giảm từ đầu tháng Tám tới nay.

Vatican yêu cầu thẻ xanh từ ngày 1/10

Theo phóng viên tại Rome, ngày 20/9, Ủy ban Giáo hoàng về Nhà nước Vatican tuyên bố từ ngày 1/10 tới, những người muốn vào Vatican sẽ cần phải có thẻ xanh COVID-19, chứng nhận người đó đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19.

Du khách xuất trình chứng nhận số về COVID-19 của Liên minh châu Âu cấp khi vào thăm quan viện bảo tàng ở Vatican ngày 6/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Du khách xuất trình chứng nhận số về COVID-19 của Liên minh châu Âu cấp khi vào thăm quan viện bảo tàng ở Vatican ngày 6/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Tuyên bố của Vatican được đưa ra trong bối cảnh Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên đã công bố sắc lệnh, bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải có thẻ xanh COVID-19 từ 15/10, khi chính phủ đang tìm cách thuyết phục người dân tích cực tiêm chủng, qua đó giảm khả năng lây lan COVID-19 ở một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch.

Cùng ngày 20/9, Italy đã bắt đầu tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba cho khoảng 3 triệu người được coi là dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, ví dụ như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng.

Cơ quan dược phẩm AIFA của Italy khuyến nghị nên sử dụng 2 loại vaccie của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna cho mũi tiêm thứ ba.

Ngoài những người tiêm mũi thứ ba, quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống COVID-19 của Italy, Tướng Francesco Figliuolo cho biết số lượng đặt lịch hẹn tiêm vaccine đã tăng vọt kể từ khi chính phủ quyết định hôm 16/9 rằng thẻ xanh là bắt buộc đối với người lao động tại nơi làm việc.

Phát biểu với báo giới, ông Figliuolo cho biết số người đặt lịch tiêm đã tăng từ 20%-40% so với những tuần trước đó.

Chính phủ Italy cho rằng việc sử dụng thẻ xanh là giải pháp duy nhất để tránh phải áp đặt trở lại các biện pháp giãn cách như đóng cửa kinh doanh và hạn chế đi lại.

Italy là quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao thứ hai ở châu Âu sau Anh, với hơn 130.000 người kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.

Khoảng 74% trong dân số 60 triệu người của nước này đã tiêm ít nhất một mũi COVID-19 và 68% được tiêm chủng đầy đủ, ngang mức với các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu.

Tin bài liên quan