Đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên của "con đường" Insurtech.

Đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên của "con đường" Insurtech.

Insurtech - Xu hướng tất yếu của thị trường bảo hiểm

(ĐTCK) Nếu như khái niệm Fintech (công nghệ tài chính) đã trở nên quen thuộc với nhiều người, thì khái niệm Insurtech (công nghệ bảo hiểm) vẫn đang khá mới mẻ tại Việt Nam. Trong khi đó, các chuyên gia bảo hiểm nhận định, Insurtech sẽ là một xu thế làm thay đổi toàn bộ cục diện ngành bảo hiểm trên thế giới trong thời gian tới.

Tiện ích tạo nên chuỗi giá trị bảo hiểm

Đúng như ý nghĩa của 2 từ ghép Insurance (bảo hiểm) và Technology (công nghệ), Insurtech là một ngành công nghiệp, bao gồm các công ty sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ bảo hiểm rẻ hơn, nhanh hơn, đơn giản hơn và hiệu quả hơn.

Insurtech đang được ví như một cơn bão sẽ phá tan mọi cách thức hoạt động truyền thống trong hàng trăm năm qua của ngành bảo hiểm, làm thay đổi hành vi mua hàng và các phương thức quản trị, điều hành của mọi công ty bảo hiểm.

Nghiên cứu của Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cho thấy, ngành công nghiệp bảo hiểm toàn cầu đứng thứ hai về rủi ro bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các biến đổi về công nghệ, sau ngành truyền thông và giải trí.

“Phát súng” đầu tiên cho thấy sự bắt kịp xu hướng Insurtech của thế giới là các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đầu tư vào bảo hiểm trực tuyến.

Theo ông Stephen O'Hearn, phụ trách dịch vụ tư vấn bảo hiểm toàn cầu của PwC tại Zurich (Thụy Sỹ), quá trình chuyển đổi mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang thực hiện là một quá trình chuyển đổi từ thói quen thụ động, ngồi yên một chỗ, tổng hợp các rủi ro lại và chờ đợi các khiếu nại bồi thường, trở thành một đối tác tư vấn phòng ngừa có một vai trò chủ động cao hơn nhiều trong việc ngăn ngừa thiệt hại.

Đầu tư vào Insurtech đang đạt mức tăng trưởng đột phá kể từ năm 2012, tăng từ con số 980 triệu euro lên 4,5 tỷ euro vào năm 2016. Việc tăng cường các hoạt động tài trợ không chỉ thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm, mà còn cho thấy các doanh nghiệp hiện tại cũng có thể tận dụng Insurtech để giải quyết những thách thức kinh doanh cụ thể.

Sự thay đổi mà Insurtech mang lại giống như việc phát minh ra một nguồn năng lượng mới, nguồn năng lượng này giúp cung ứng cho mọi sản phẩm bảo hiểm theo mọi nhu cầu, vào bất kỳ thời gian nào.

Theo quy trình khai thác của bảo hiểm truyền thống, các doanh nghiệp thường phải đầu tư lớn vào mạng lưới người bán hàng, đến giới thiệu, thuyết phục khách hàng, sau đó cấp đơn bảo hiểm. Khi không may xảy ra bồi thường, mọi khiếu nại được con người xử lý, mất nhiều thời gian cho việc nộp và giải quyết bồi thường, đồng thời luôn xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi với khách hàng.

Trong khi đó, với sự vào cuộc của các công ty Insurtech, trong tương lai, khách hàng có thể tự đóng gói đơn bảo hiểm theo yêu cầu của mình, tự động điều chỉnh các điều khoản cho phù hợp, giấy chứng nhận bảo hiểm sẽ ngay lập tức được chuyển đến email cho khách hàng. Khi bồi thường, mọi quy trình đều có thể thực hiện tự động hóa theo công thức có sẵn và khép kín, do đó ít có khả năng xảy ra khiếu kiện, khiếu nại. Tiện ích sẽ là giá trị nòng cốt, chủ đạo của các công ty Insurtech khi đầu tư, phát triển. 

Những động thái Insurtech đầu tiên tại Việt Nam

Thị trường bảo hiểm Việt Nam bắt đầu nhận thấy tác động to lớn của Insurtech đến hoạt động kinh doanh, nên đã đầu tư khá mạnh vào công nghệ mới, vào các hoạt động đổi mới và phát triển. Tuy vậy, đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm đang ở giai đoạn đầu tiên của "con đường" Insurtech. Hoạt động đầu tư công nghệ nhiều nhất của các doanh nghiệp hiện nay là vào công tác quản trị, chưa thật sự hướng đến việc tăng trải nghiệm, tăng tiện ích cho khách hàng.

“Phát súng” đầu tiên cho thấy sự bắt kịp xu hướng Insurtech của thế giới là các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đầu tư vào bảo hiểm trực tuyến. Mặc dù doanh thu từ kênh bán hàng mới này hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu tổng doanh thu, nhưng có tốc độ tăng trưởng rất cao.

Trong năm 2016, đình đám nhất về các hoạt động bảo hiểm trực tuyến là Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Petrolimex (Pjico), Bảo hiểm Liberty… Để thu hút khách hàng đến với mô hình bán hàng mới, các công ty bảo hiểm này liên tục tung ra những chương trình khuyến mại khủng.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm, các chương trình khuyến mại áp dụng cho kênh trực tuyến chỉ đem lại lợi ích cho khách hàng, còn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, đa phần họ đang chịu lỗ. Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều hiểu rằng, đầu tư công nghệ cho bảo hiểm là một bài toán đầu tư dài hạn và các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận thua thiệt trong ngắn hạn để tạo ra những lợi ích ổn định trong dài hạn.

Bên cạnh đó, đầu tư vào công nghệ nhằm tạo sự khác biệt trong trải nghiệm cũng đã bắt đầu được các doanh nghiệp áp dụng. Mới đây nhất, Bảo hiểm Vietinbank (VBI) là công ty bảo hiểm tiếp theo sau Liberty và BIC phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử. Mặc dù loại giấy chứng nhận này mới chỉ được triển khai cho một số sản phẩm, nhưng cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc đem lại tiện ích cho khách hàng.

Trước đó, PTI đồng thời cho ra mắt 2 dịch vụ đáp ứng được mong muốn của đa số khách hàng là: website truy vấn tiến độ bồi thường xe cơ giới và định vị vị trí giám định viên để điều phối đến hỗ trợ khách hàng nhanh nhất. Với website truy vấn, khách hàng có thể truy động theo dõi quá trình thực hiện việc giải quyết hồ sơ bồi thường để kịp thời can thiệp nếu thấy có vướng mắc. Như vậy, khách hàng đang dần dần trực tiếp tham gia vào quy trình triển khai các sản phẩm bảo hiểm.

Ngoài ra, trong thời đại công nghệ bùng nổ, nhiều khách hàng của các công ty bảo hiểm, đặc biệt là khách hàng trẻ, mong muốn được tư vấn, giới thiệu, chọn lựa sản phẩm phù hợp với đặc thù, yêu cầu riêng của mình thông qua điện thoại với thời gian chờ đợi không quá 15 phút. Chính vì vậy, công ty bảo hiểm càng ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản phẩm, dịch vụ, thì càng có cơ hội thắng thế trên thị trường. Tất nhiên, việc đầu tư vào công nghệ để khai thác ngành dịch vụ này của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn.

Việc đầu tư cũng chưa thể đem lại sự thay đổi toàn bộ cho cục diện ngành kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng đây là tiền đề quan trọng, giúp các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển của công nghệ và của ngành bảo hiểm trên thế giới. Hơn nữa, đầu tư vào công nghệ cũng chính là xu hướng lâu dài của nhiều ngành dịch vụ nói chung và bảo hiểm nói riêng.

Tin bài liên quan