KBSV hạ dự báo GDP năm 2023 xuống 5%, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo KBSV Research, động lực kinh tế cuối năm sẽ đến từ các chính sách hỗ trợ. Trong đó, nhóm phân tích hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 5,4% xuống 5%, lạm phát cả năm ở mức 2,8% và lãi suất tiếp tục xu hướng giảm...

Tăng trưởng GDP cả năm dự báo đạt 5%

KBSV hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 5% (so với mức 5,4% trong báo cáo Triển vọng Kinh tế vĩ mô trước đó). Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: Động lực từ đầu tư công; NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Tiêu dùng nội địa phục hồi nhờ các chính sách kích cầu và giải ngân FDI kỳ vọng tương đương năm 2022.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục ảm đạm trước diễn biến suy yếu của kinh tế Mỹ và EU, bên cạnh đó thị trường bất động sản trong nước vẫn trầm lắng và chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét trong nửa cuối năm là những yếu tố rủi ro kìm hãm đà tăng trưởng của GDP.

Lạm phát cả năm dự báo tăng 2,8%

Một số dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm. Mặc dù vậy, với mức tăng rất thấp trong 6 tháng đầu năm (tăng 0,7% từ đầu năm, bình quân 0,1% so với tháng trước), KBSV kỳ vọng lạm phát cả năm 2023 vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp hơn hẳn so với mục tiêu Chính phủ đề ra. Cụ thể, lạm phát 2023 cả năm dự báo tăng 2,8% so với cùng kỳ, với mức tăng bình quân mỗi tháng trong nửa cuối năm là 0,35% so với tháng trước.

Trong đó, các yếu tố khiến lạm phát tăng bao gồm: Giá dầu dự báo tăng khoảng 5%; Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng 2 - 3%; Giá lợn dự kiến tăng lên 65.000/kg vào thời điểm cuối năm; Tăng giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý (học phí giáo dục, điện, nước), và tăng lương cơ bản.

Ở chiều hướng tích cực, nhóm phân tích cho rằng những yếu tố hỗ trợ như cung tiền tăng thấp, giảm 2% thuế VAT, chỉ số giá nhập khẩu bình ổn và tổng cầu nội địa dù hồi phục nhưng vẫn ở mức thấp sẽ giúp kiềm hãm đà tăng của lạm phát.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm

KBSV dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2% (giảm 1,8% so với đầu năm, và giảm 0,45% so với thời điểm hiện tại).

Lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng, dù có độ trễ (do chi phí huy động vốn của ngân hàng cần thời gian để hạ, rủi ro nợ xấu khi nền kinh tế suy yếu), tuy nhiên cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1,8 - 2,3%.

KBSV nhận thấy có 3 yếu tố khách quan và chủ quan hỗ trợ xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất.

Thứ nhất, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 sau khi GDP 6 tháng ước chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với kịch bản đã đề ra. Dù vậy, Chính Phủ vẫn chưa có ý định thay đổi mục tiêu GDP năm nay, đồng nghĩa với việc để đạt được mức tăng trưởng 6 - 6,5% thì cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa từ phía nhà hoạch định chính sách. Vì vậy, với ưu tiên hàng đầu là duy trì tăng trưởng kinh tế, KBSV cho rằng NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành nếu không có biến động bất thường về tỷ giá.

Thứ hai, lạm phát đã có xu hướng hạ nhiệt từ đầu năm đến nay với lạm phát tháng 6 tăng 2% so với cùng kỳ, giảm so với mức đỉnh 4,9% so với cùng kỳ vào tháng 1/2023. Tuy nhiên, do nền kinh tế đang phục hồi chậm, tiêu dùng nội địa yếu, cùng với những yếu tố khác như giảm 2% thuế VAT, chỉ số giá nhập khẩu bình ổn, lạm phát sẽ chưa gây ra nhiều áp lực trong thời gian tới. Kiểm soát tốt lạm phát sẽ là cơ sở để lãi suất huy động giảm trong thời gian tới. Với mỗi 1% giảm của lạm phát kéo theo mức giảm 0.43% của lãi suất huy động.

Thứ ba, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 5 chỉ đạt 3,2% so với đầu năm và nhiều khả năng tăng trưởng cả năm sẽ cách xa mục tiêu của NHNN đưa ra. Một cuộc điều tra gần đây do NHNN thực hiện cho thấy các ngân hàng thương mại kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng 12,5%, điều chỉnh giảm 0,6% so với kỳ điều tra trước. Mặc dù vậy, NHNN vẫn tỏ ra kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% trong năm nay. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đang tích cực triển khai các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh kể từ đầu năm, kéo theo chi phí vốn các ngân hàng được kéo giảm (đặc biệt khi các khoản vay lãi suất cao cuối năm ngoái đáo hạn), các ngân hàng có động lực để hạ lãi suất cho vay nhằm thu hút khách hàng vay mới.

Tỷ giá USD/VND dự báo tăng 2% kể từ đầu năm

KBSV cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 2% trong năm nay, lên quanh mức 24.100 (với tỷ giá liên ngân hàng). Với định hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, giảm lãi suất, nhóm phân tích cho rằng mức mất giá này sẽ không khiến NHNN phải có hành động cụ thể để ổn định tỷ giá như tăng lãi suất, hay bán ra dự trữ ngoại hối.

Trên thực tế, việc VND giảm giá ở 1 mức độ vừa phải cũng sẽ mang lại tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu, dù có thể phải đánh đổi với sự ổn định vĩ mô, đặc biệt liên quan đến dòng chảy vốn.

Trong kịch bản tỷ giá mất giá quá 3% trong năm nay, tuỳ thuộc vào các biến số liên quan đến tăng trưởng, lạm phát, hay sức khoẻ lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, chúng tôi sẽ đánh giá thêm những kỳ vọng về mặt chính sách của NHNN.

Tin bài liên quan