Khánh Hòa hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ảnh: Thanh Chung

Khánh Hòa hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ảnh: Thanh Chung

Khánh Hòa bắt đầu “cụ thể hóa” quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030

0:00 / 0:00
0:00
Khánh Hòa đã bắt tay ngay vào việc "cụ thể hóa" Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch "cụ thể hóa" Quy hoạch quan trọng này. Mục đích chính Kế hoạch là tạo sự đồng thuận xã hội để triển khai Quy hoạch tỉnh được đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Cùng với việc quán triệt các quan điểm, mục tiêu phát triển và các đột phá phát triển, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa các phương án phát triển ngành, lĩnh vực được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng phương án kêu gọi, thu hút đầu tư để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch tỉnh, bao gồm đầu tư công và thu hút các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước; xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với phương án phát triển ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn; xác định rõ các nguồn lực và giải pháp để thực hiện quy hoạch.

Một trong những yêu cầu mà UBND tỉnh Khánh Hòa đặt ra là trong tổ chức thực hiện phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành, địa phương. Đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; GRDP bình quân đầu người phấn đầu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện tại; hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đẳng cấp quốc tế; nhân dân được thụ hưởng mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; hệ sinh thái thiên nhiên được bảo vệ, có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc. Đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I là TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm, 1 đô thị loại II là TP. Cam Ranh.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ hình thành 3 vùng động lực phát triển là vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang và vịnh Cam Ranh; hình thành các hành lang kinh tế quan trọng như hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh và hành lang kinh tế Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn...

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu Châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số; các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, đến 2050, Khánh Hòa sẽ phấn đầu trở thành địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải nhà kính về mức “0” của Việt Nam; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Việc Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một áp lực không nhỏ đối với địa phương này. Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng tổ chức vào ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Càng áp lực, Khánh Hòa càng phải nỗ lực”.

Tin bài liên quan