Khánh Hòa định hướng mở rộng không gian phát triển như thế nào sau sáp nhập?

0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập đã mở ra một không gian phát triển rộng lớn, đòi hỏi cần có tầm nhìn, định hướng chiến lược khoa học, đồng bộ, mang tính liên vùng và tích hợp các khu chức năng.
Tỉnh Khánh Hòa mới sau sáp nhập với diện tích hơn 8.555 km2, đã mở ra một không gian phát triển rộng lớn, đòi hỏi cần có tầm nhìn, định hướng chiến lược khoa học, đồng bộ, mang tính liên vùng và tích hợp các khu chức năng. Ảnh: Linh Đan

Tỉnh Khánh Hòa mới sau sáp nhập với diện tích hơn 8.555 km2, đã mở ra một không gian phát triển rộng lớn, đòi hỏi cần có tầm nhìn, định hướng chiến lược khoa học, đồng bộ, mang tính liên vùng và tích hợp các khu chức năng. Ảnh: Linh Đan

Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa vừa trả lời phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư về định hướng mở rộng không gian phát triển của tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập.

Theo đó, ông Nhân cho biết, tỉnh Khánh Hòa mới sau sáp nhập với diện tích hơn 8.555 km2, đã mở ra một không gian phát triển rộng lớn, đòi hỏi cần có tầm nhìn, định hướng chiến lược khoa học, đồng bộ, mang tính liên vùng và tích hợp các khu chức năng.

Dựa trên những tiềm năng và lợi thế hiện có, Khánh Hòa cơ bản phân bổ dựa trên 4 không gian phát triển. Cụ thể, về Không gian đô thị, tỉnh Khánh Hòa định hướng Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu và y tế vùng, không gian này sẽ được mở rộng về phía nam tích hợp với đô thị sân bay Cam Lâm để tạo thành trung tâm đô thị hiện đại, thông minh, đa chức năng.

Cam Ranh giữ vai trò trung tâm logistics - công nghiệp chế biến - cảng biển, kết nối trực tiếp với tuyến hàng hải và hàng không quốc tế. Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm văn hóa - năng lượng - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn di sản văn hóa Chăm và kiến trúc bản địa.

Không gian công nghiệp, năng lượng: Định hướng tổ chức thành 3 hành lang phát triển lớn gắn với các trục giao thông và trung tâm logistics để tối ưu hóa chi phí sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, Hành lang công nghiệp ven biển Bắc - Nam từ Vạn Ninh - Ninh Hòa - Cam Ranh - Cà Ná - Thuận Nam sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, đóng tàu, cơ khí nặng, vật liệu xây dựng và xuất khẩu hàng hóa thông qua cảng biển. Hành lang năng lượng tái tạo Ninh Thuận sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ lưu trữ điện, tập trung phát triển năng lượng xanh, sạch, tái tạo, hình thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Còn Hành lang công nghiệp hỗ trợ nội địa kết nối các khu vực Khánh Vĩnh - Diên Khánh - Ninh Sơn để phát triển công nghiệp nhẹ, chế biến nông lâm sản và cung ứng dịch vụ cho vùng cao nguyên và là vành đai sinh thái cho khu vực đô thị trung tâm ven biển.

Về Không gian nông nghiệp, Khánh Hòa dựa trên lợi thế về điều kiện khí hậu phù hợp để phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng địa phương, không gian nông nghiệp tỉnh có thể định hướng chia thành 3 vùng chức năng. Theo đó, Vùng nông nghiệp sinh thái miền núi tại Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Bác Ái sẽ tập trung phát triển cà phê, tiêu, dược liệu và cây ăn quả ôn đới, kết hợp với du lịch canh nông, du lịch cộng đồng và khai thác lâm sản bền vững.

Vùng nông nghiệp bán khô hạn Ninh Thuận trước đây tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi truyền thống và các loại cây chịu hạn, có thể phát triển thành vùng sản xuất hữu cơ xuất khẩu. Vùng ven đô thị và ven biển sẽ được quy hoạch cho phát triển rau quả sạch, hoa màu và nuôi trồng thủy sản nước mặn - lợ công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa cần quy hoạch hệ thống trung tâm công nghệ sau thu hoạch tại các điểm giao thoa không gian sản xuất để tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị gia tăng.

Không gian du lịch, văn hoá, sinh thái liên kết: Việc tổ chức lại không gian du lịch theo cụm, đồng thời kết nối với hạ tầng kỹ thuật và cộng đồng bản địa sẽ tạo ra chuỗi giá trị liên ngành bền vững, giảm tình trạng “du lịch một điểm” vốn là điểm yếu lớn của hai tỉnh trước sáp nhập.

Ông Nhân cho rằng, không gian phát triển du lịch cần được phân bổ lại theo cụm liên kết chức năng, vừa khai thác lợi thế cảnh quan - văn hóa - khí hậu, vừa tránh dàn trải, phá vỡ hệ sinh thái.

Có thể chia thành 4 cụm không gian liên kết bao gồm: Cụm du lịch biển đảo cao cấp gồm Nha Trang - Vân Phong - Cam Lâm, Bình Lập - Bình Tiên - Cà Ná sẽ phát triển nghỉ dưỡng quốc tế, thể thao biển, du lịch tàu biển. Cụm du lịch văn hóa tâm linh Chăm Pa gồm Ninh Phước - Ninh Hải - Tháp Chàm, được định hướng bảo tồn làng nghề gốm, dệt, nghệ thuật Chăm, gắn với du lịch văn hóa cộng đồng. Cụm du lịch sinh thái miền núi - cao nguyên tại khu vực Khánh Sơn - Khánh Vĩnh - Ninh Sơn tập trung vào du lịch trekking, nông trại sinh thái, trải nghiệm văn hóa dân tộc. Cụm du lịch sa mạc hóa - năng lượng xanh kết hợp giữa tham quan trang trại điện mặt trời, trải nghiệm đồi cát và vườn nho, du lịch học tập về môi trường và khí hậu tại các địa phương khu vực phía nam tỉnh.

Tin bài liên quan