Ảnh minh họa: Corbis

Ảnh minh họa: Corbis

Khẩu vị của vốn ngoại

(ĐTCK-online) Tuy thị trường tài chính Việt Nam đang khá khắc nghiệt, nhưng nhiều tổ chức nước ngoài vẫn sẵn sàng mua cổ phiếu của các ngân hàng với giá lớn hơn nhiều thị giá đang giao dịch trên thị trường.

Trò chuyện với phóng viên ĐTCK, ông Wayne Hoy, Giám đốc Dịch vụ tài chính quốc tế CBA Sydney cho biết, tổ chức này mất 4 năm tìm kiếm đối tác trước khi chọn Ngân hàng Quốc tế (VIB) để đàm phán mua cổ phần. Sau lần đầu mua 15% cổ phần của VIB để trở thành cổ đông chiến lược, ngày 20/10, CBA tiếp tục rót thêm 1.150 tỷ đồng để sở hữu thêm 5% vốn điều lệ của ngân hàng này. Người ta tự hỏi, tại sao ở thời điểm này, CBA lại mua cổ phần VIB với giá trên 4 chấm, tức là gấp hơn 3 lần thị giá cổ phiếu VIB trên thị trường tự do.

Câu trả lời của ông Wayne Hoy có thể khiến người nghe chưa thỏa mãn nhưng phần nào cho thấy, tại thị trường tài chính Việt Nam đang khá khắc nghiệt, vẫn có những "món ăn" hợp khẩu vị khách nước ngoài. Ông Wayne Hoy cho rằng, VIB là đối tác phù hợp với một định chế tài chính có bề dày hoạt động 100 năm như CBA, bởi hai bên cùng chia sẻ tầm nhìn, có chung một giá trị cốt lõi và quan trọng hơn cả là đang khai thác một thị trường tài chính còn non trẻ, đầy tiềm năng.

Không trả lời cụ thể câu hỏi về việc CBA mong đợi một tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận bao nhiêu cho khoản đầu tư tại VIB, đại diện định chế tài chính này chỉ nhấn mạnh, đây là khoản đầu tư dài hạn, bằng kinh nghiệm và tiềm lực, CBA sẽ cùng đối tác Việt Nam triển khai chương trình hành động để 4 - 5 năm sau, cây sẽ cho quả ngọt. Tại Trung Quốc, CBA đã đầu tư vào 2 ngân hàng và khoản đầu tư đó đang có hiệu quả sau 3 - 4 năm gieo trồng. Giới quan sát cho rằng, có lẽ yếu tố để CBA mạnh tay như trên đến từ sự dễ chịu của những ông chủ VIB với mong muốn cầu thị từ kinh nghiệm quản trị và kinh doanh của đối tác, khi với tỷ lệ 15% sở hữu tại VIB, CBA đã có 2 thành viên trong HĐQT và Ban điều hành VIB. Số lượng chuyên gia CBA làm việc tại VIB sẽ tăng từ 20 người hiện nay lên 40 người trong năm 2012 và sẽ tiếp tục tăng dần trong các năm tiếp theo. Con số này là rất lớn so với đa số ngân hàng Việt Nam đang có đối tác ngoại.

Với 2.550 tỷ đồng thặng dư từ việc bán cổ phần cho CBA, rõ ràng VIB có tiềm lực lớn hơn cho các chiến lược dài hơi. Còn CBA có thể thông qua VIB để khai thác thị trường Việt Nam . Song có một điều mà cả hai đối tác trong thương vụ này chưa dám chắc chắn là kinh tế vĩ mô và những yếu tố bất định của thị trường Việt Nam đang là những thách thức lớn của các ngân hàng trong việc hoạch định chính sách phát triển, định lượng quy mô vốn và tài sản trong khoảng thời gian tương đối dài hạn, 5 năm chẳng hạn.

Trước đó, Mizuho (Nhật Bản) cũng đàm phán xong việc mua cổ phần của Vietcombank với giá cao hơn thị giá cổ phiếu VCB, hiện đang chờ ý kiến từ NHNN. Trong câu chuyện mới đây với ĐTCK, lãnh đạo Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) cho hay, đơn vị này đang thương thảo với đối tác nước ngoài về việc chuyển nhượng cổ phần và tìm đối tác chiến lược. Rõ ràng, không ít nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tìm đến xứ ta để "bàn chuyện làm ăn", nhưng liệu Việt Nam có đủ yếu tố để giữ chân họ lâu dài? Một cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ và quyết liệt toàn bộ nền kinh tế có thể là lời giải và kết quả có thể được chứng minh nếu những "mối lương duyên" như CBA với VIB, Mizuho với Vietcombank... xuất hiện ngày một nhiều hơn.