Dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đạt tỷ lệ giải ngân vốn khá thấp.

Dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đạt tỷ lệ giải ngân vốn khá thấp.

Khi Chủ tịch TP.HCM xin hạ thi đua - Bài 1: Quyết liệt, nhưng vẫn... bất tòng tâm

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin nhận trách nhiệm và “đề xuất hạ một bậc thi đua năm 2022”. Lý do là, năm 2022, dù có tiền, nhưng TP.HCM đã “không tiêu được”, khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 68%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu là 95%.

Lời Tòa soạn: Việc ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM xin tự hạ bậc thi đua vì giải ngân đầu tư công thấp được dư luận đánh giá cao. Thực tế, cấp cao nhất của chính quyền TP.HCM đã quyết liệt từ đầu với nhiều giải pháp, nhưng giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương này vẫn không đạt. Thế nên, để giải quyết vấn đề tận gốc, không chỉ là sự dũng cảm cá nhân.

Việc ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM xin tự hạ bậc thi đua vì giải ngân đầu tư công thấp được dư luận đánh giá cao. Thực tế, cấp cao nhất của chính quyền TP.HCM đã quyết liệt từ đầu với nhiều giải pháp, nhưng giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương này vẫn không đạt. Thế nên, để giải quyết vấn đề tận gốc, không chỉ là sự dũng cảm cá nhân.

Tiêu tiền… không đạt

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết, năm 2022, Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95%. Tuy nhiên, theo số liệu Kho bạc Nhà nước Thành phố cung cấp, tính tới ngày 31/1/2023, tổng vốn vốn đầu tư công của Thành phố chỉ giải ngân hơn 26.600 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,3% tổng kế hoạch vốn giao (hơn 37.366 tỷ đồng).

Trong đó, vốn cân đối từ ngân sách Trung ương giải ngân hơn 1.549 tỷ đồng, đạt 62,5% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2022 (hơn 2.479 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân hơn 25.677 tỷ đồng, đạt 71,9% tổng kế hoạch vốn giao (hơn 34.886 tỷ đồng).

Có 63/92 cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án giải ngân vốn đầu tư công dưới 86%. Trong đó, 9 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 80 - 86%; 23 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 50 - 80% và 31 đơn vị giải ngân dưới 50%.

Tỷ lệ giải ngân vốn giữa các tháng trong năm 2022 không đồng đều. Cũng như nhiều năm trước, vốn giải ngân chủ yếu dồn vào các tháng cuối năm. Cụ thể, tổng vốn giải ngân trong 3 tháng cuối niên độ kế hoạch năm 2022 (tháng 11, 12/2022 và tháng 1/2023) chiếm tới 56% tổng vốn giải ngân trong năm. Trong đó, riêng vốn giải ngân trong tháng 12/2022 chiếm tới 32% tổng vốn giải ngân trong năm và là tháng có vốn giải ngân cao nhất trong năm.

Ông Mãi cho hay, so với năm 2021, vốn đầu tư công giải ngân năm 2022 cao hơn 6.900 tỷ đồng (năm 2021 giải ngân 19.721,157 tỷ đồng), tăng 35,1%. Tuy tăng, nhưng không đạt mục tiêu là 95%, nên Chủ tịch UBND TP.HCM xin “nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt mục tiêu và đề xuất hạ một bậc thi đua năm 2022”.

Từng ra cả tối hậu thư...

Số liệu cho thấy, năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư công TP.HCM thấp so với các năm trước. Nguyên nhân được đưa ra bao gồm cả sự lúng túng trước bối cảnh dịch bệnh chưa từng có tiền lệ; chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước phải phân bổ nguồn nhân lực để hỗ trợ công tác phòng chống dịch; các quy định về đầu tư công, đất đai, xây dựng, thủ tục đấu thầu, quy định về tiêu chí định mức… còn bất cập; một số quy định chưa cụ thể cần các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, nên kéo dài.

Thế nên, ngay đầu năm 2022, xác định đầu tư công không chỉ là “vốn mồi”, mà cực kỳ quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, TP.HCM đã xác định thúc đẩy giải ngân bằng việc tập trung vào các nhóm chính, gồm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất, để bàn giao mặt bằng các dự án cho chủ đầu tư triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong đó, các cơ quan chủ quản phải tăng cường chỉ đạo, giám sát chủ đầu tư để tổ chức thực hiện đối với các dự án đang triển khai; bám sát tiến độ, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; kịp thời chủ động tháo gỡ khó khăn trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ dự án.

Cuối cùng là tăng cường kiểm tra, giám sát như tập trung theo dõi tình hình giải ngân; thủ trưởng các đơn vị chủ quản phải trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình và chịu trách nhiệm toàn diện trước cấp trên.

Tới tháng 4/2022, UBND TP.HCM ban hành Chương trình Hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 26/4/20220) nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ công tác quản lý, điều hành, giải ngân của từng cơ quan, đơn vị chủ đầu tư, từng sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Thành phố còn tổ chức hội nghị giao ban trực tiếp do Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì, xem xét chỉ đạo xử lý ngay tại hội nghị các khó khăn vướng mắc được các cơ quan, chủ đầu tư nêu lên.

Chưa dừng lại, TP.HCM lập 3 tổ công tác nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đối với từng loại hình, lĩnh vực, gồm Tổ công tác về giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; Tổ công tác rà soát các dự án được giao vốn lớn, nhưng giải ngân chậm; Tổ công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Đặc biệt, vào giai đoạn giữa và cuối năm 2022, với Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 19/10/2022, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư công, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành; yêu cầu có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; yêu cầu thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công; yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, chủ tịch UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, kiểm điểm trách nhiệm nếu tỷ lệ giải ngân không đạt 95% kế hoạch mà không có lý do chính đáng. Các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng tỷ lệ giải ngân thấp sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Thế nhưng, vẫn có hàng loạt nơi giải ngân thấp, như các đơn vị ở Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và một số địa bàn, đặc biệt có một số chủ đầu tư giải ngân 0 đồng.

Tới tháng 12/2022, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã ra “tối hậu thư” khi ký công văn khẩn gửi các sở, ban, ngành, địa phương về đánh giá, xếp loại và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong công tác thực hiện giải ngân đầu tư công năm 2022.

Theo đó, nếu cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, thủ trưởng không được xem xét đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và không được hưởng thu nhập tăng thêm quý IV/2022. Tập thể lãnh đạo, đơn vị không được xem xét tặng bằng khen của UBND TP.HCM và bộ, ngành, Trung ương; đồng thời UBND TP.HCM sẽ xem xét phê bình thủ trưởng do tỷ lệ giải ngân thấp. Nếu giải ngân từ 30 đến 50%, thủ trưởng đơn vị không được xem xét đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ xem xét chi thu nhập tăng thêm ở mức hoàn thành nhiệm vụ, không được tặng bằng khen và sẽ bị xem xét phê bình. Đối với đơn vị giải ngân đạt từ 51 đến 79%, thủ trưởng có thể đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, được xem xét chi thu nhập tăng thêm theo thực tế đánh giá và xem xét tặng bằng khen.

Thế nhưng, tới giờ, kết quả vẫn… không đạt kế hoạch! Và tới giờ, chỉ mới thấy Chủ tịch UBND Thành phố xin nhận trách nhiệm, xin tự hạ bậc thi đua.

Theo một đại biểu HĐND TP.HCM, nghịch lý tại TP.HCM là nhu cầu vốn lớn, nguồn vốn được giao thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp. Nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 cho Thành phố lên tới khoảng 672.000 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn ngân sách địa phương được Thủ tướng giao chỉ đáp ứng 21% nhu cầu vốn của cả giai đoạn. Thiếu tiền, nhưng có ít tiền mà vẫn không tiêu hết trong nhiều năm.

Cụ thể, tỷ lệ giải năm 2018 chỉ đạt 76,44%, năm 2019 đạt hơn 96%, năm 2021 lại tụt còn 61,13% và năm 2022 có cải thiện, đạt 71,3%.

Thế nên, với việc còn tới 676 dự án triển khai chậm tiến độ thì việc hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công năm 2023 rất gian nan, do việc hoàn thành dự án tương ứng với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Phan Văn Mãi, năm 2023 có ý quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố được HĐND Thành phố thông qua với tổng vốn hơn 70.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn Trung ương và vốn địa phương, cao gần gấp 2 lần so với Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Ông Mãi cho rằng, đây là một thách thức rất lớn đối với công tác điều hành và thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn cho các cơ quan quan lý nhà nước, cơ quan chủ quản và chủ đầu tư.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan