Các cổ đông nhỏ cần chứng tỏ trách nhiệm của mình ngay trong việc tham dự các cuộc họp ĐHCĐ.

Các cổ đông nhỏ cần chứng tỏ trách nhiệm của mình ngay trong việc tham dự các cuộc họp ĐHCĐ.

Khi cổ đông lớn chơi trò tung - hứng

(ĐTCK-online) Những ưu việt của một CTCP đại chúng là điều ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, những mặt trái của mô hình này cũng cần được nhìn nhận. Trong mùa ĐHCĐ đang diễn ra, nhiều cuộc họp bị thất bại. Trong đó, ĐHCĐ của CTCP Chứng khoán Thành Công (TCSC) tổ chức ngày 27/3/2010 đã để lại nhiều vấn đề mà các công ty đại chúng cần rút kinh nghiệm.

Cơ cấu cổ đông

Ngày 14/3/2010, CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM) hủy bỏ tổ chức cuộc họp ĐHCĐ năm 2010, ngày 3/4/2010 CTCP Dệt lưới Sài Gòn (SFN) cũng phải hủy ĐHCĐ lần đầu tiên. Nguyên nhân của việc hủy bỏ này không gì khác là số cổ đông tham dự không đạt được tỷ lệ quy định của pháp luật. Thay đổi tỷ lệ sở hữu để các cuộc ĐHCĐ thuận lợi hơn là việc của pháp luật, ở đây chúng ta chỉ nhìn lại cơ cấu cổ đông của các công ty này thế nào.

Trong cơ cấu cổ đông của SAM, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) nắm giữ 37,63%, các tổ chức khác chiếm 47,36%, phần còn lại được đại chúng hóa. SFN cũng không ngoại lệ, phần sở hữu nhà nước chiếm 40% và 7,75% của một cá nhân. Phải chăng, chính một số cổ đông lớn này đã không tham dự đại hội?

TCSC cũng có một cơ cấu cổ đông được đại chúng hóa rất lớn với tỷ lệ sở hữu trên 55% là các NĐT nhỏ. Phần cổ đông lớn được tập trung vào 3 nhóm NĐT, gồm Công ty Dệt may Thành Công (TCM) nắm giữ 9,8%, Seamico (đối tác Thái Lan) nắm giữ 18,9% và nhóm NĐT của bà Kittivalai (người Thái Lan - Tổng giám đốc TCSC đến tháng 10/2009) là 15% (theo lời bà này tại ĐHCĐ ngày 27/3/2010). ĐHCĐ của TCSC vẫn đủ điều kiện diễn ra, nhưng vấn đề quan trọng nhất chính là việc Đại hội đã không thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2010 và báo cáo của Ban kiểm soát. Điều này không khác gì việc tổ chức một ĐHCĐ không thành công. Ở đây, việc không thông qua kế hoạch kinh doanh lại được đưa ra từ phía cổ đông lớn là Kittivalai, cho dù DN đã tìm được sự đồng thuận trong HĐQT trước khi tổ chức ĐHCĐ.

 

"Trò chơi" thâu tóm

Trong các CTCP đại chúng hiện nay, một trò chơi theo "phong cách" của một số công ty liên doanh nước ngoài trước

đây tại Việt Nam đang được tái hiện. Các liên doanh này thường bị thua lỗ do chi phí cao (đến từ những khoản chi phí của công ty mẹ và vấn đề định giá chuyển giao trong các tài sản của công ty con với các công ty trong tập đoàn của công ty mẹ). Một ví dụ là CTCP Tribeco (TRI) từ một DN hoạt động kinh doanh có hiệu quả trong năm 2007 chuyển thành một công ty thua lỗ liên tục trong 2 năm liền 2008 - 2009 và tương lai thì chưa biết thế nào. Sau sự xuất hiện của cổ đông lớn là Uni-President Việt Nam, công ty này đã liên tục thua lỗ để năm 2009 tiến hành tăng vốn bằng cách phát hành thêm cho Uni với giá thấp hơn mệnh giá và tăng tỷ lệ sở hữu của công ty này trong TRI.

Một ví vụ khác tại TCSC, liên tục trong 2 năm qua Công ty thua lỗ và kế hoạch kinh doanh năm 2010 lại không được thông qua. Sự xuất hiện của một cổ đông lớn là bà Kittivalai (cùng một nhóm cổ đông nắm giữ 15% vốn điều lệ Công ty) trong tư cách Tổng giám đốc, đẩy chi phí tiền lương bà này nhận không dưới 600 triệu đồng/tháng. Chính mức lương này là một gánh nặng lớn cho hoạt động của TCSC. Nếu tính trong tổng quỹ lương thì con số này chiếm đến 71% tổng chi phí lương của toàn Công ty. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Công ty lại quá tồi tệ, khi năm 2009 hầu hết CTCK đều có lợi nhuận cao thì công ty này chỉ đạt 1,2 tỷ đồng doanh thu môi giới. Chưa hết, với sự xuất hiện một cổ đông lớn là Seamico trong năm 2009 nắm giữ chỉ 18,9% với chức Chủ tịch HĐQT, cũng xuất hiện kèm theo một hợp đồng tư vấn luật mà theo ước tính không dưới 700 triệu VND/tháng, trong khi "Ủy ban tư vấn" do đối tác nước ngoài này lập ra chưa tư vấn được điều gì sáng sủa cho Công ty. Những khoản chi phí này chính là nguồn gốc đẩy TCSC tiếp tục chìm trong thua lỗ, trong khi các cổ đông đại chúng Việt Nam nắm phần lớn cổ phần của Công ty chẳng nhận được một đồng cổ tức nào. Thậm chí, giá trị phần vốn góp của họ giảm đi đáng kể và tương ứng là giá cổ phiếu cũng sụt giảm.

 

Một kịch bản có khả năng xảy ra

Có thể thấy, mục tiêu của một số cổ đông lớn khi đầu tư vào Công ty chưa hẳn là vì lợi nhuận, điều mà họ đạt được là khoản thu nhập từ áp đặt chi phí vào Công ty ở mức cao và một giai đoạn 2 có thể xảy ra là thâu tóm DN với chi phí thấp. Với hoạt động 2 năm qua thua lỗ và tiếp tục bị gây khó khăn bằng việc không thông qua kế hoạch kinh doanh của TCSC năm 2010, thì giá cổ phiếu TCSC trên thị trường ngày một rẻ đi. Hiện tại, mức giá trên thị trường OTC chỉ vào khoảng 7.000 đồng/CP, nếu chỉ cần tăng tỷ lệ sở hữu từ gần 35% (của 2 đối tác là Seamico và bà Kittivalai) lên 51%, thì chi phí bỏ ra ước đạt 43 tỷ đồng để chi phối một lượng tiền mặt trị giá 220 tỷ đồng của tất cả các cổ đông. Quả thật đây là một giai đoạn có khả năng thao túng TCSC với một mức chi phí thấp, do các cổ đông Việt Nam do tính đại chúng quá phân tán đã không tìm được vị thế trong công ty.

Thiết nghĩ, đây là một bài học cho không ít CTCP đại chúng của Việt Nam trong nguy cơ bị thâu tóm giá rẻ, nhất là khi liên kết với các đối tác có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, cũng là bài học cho các cổ đông nhỏ đã không quan tâm đến sự phát triển của DN, tạo điều kiện tốt cho một số cổ đông lớn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ thực hiện những toan tính của mình.

Mặc dù năm 2009 là một năm tương đối thuận lợi, nhưng CTCK Thành Công lại thêm 1 năm thua lỗ làm giảm vốn của cổ đông…  Theo kỳ vọng, đối tác chiến lược (SEMECO - PV) có thể khai thác tốt nhất các lợi thế hiện nay và về lâu dài sẽ đem đến cho cổ đông giá trị lợi nhuận cao. Tuy nhiên đến nay, mặc dù giao rất nhiều quyền hạn trong HĐQT cho đối tác này (bao gồm cả chức chủ tịch HĐQT), nhưng chưa thấy rõ ràng bất cứ hiệu quả nào đem lại cho TCSC trong khi các chi phí thanh toán cho SEMECO không phải là nhỏ. Ban kiểm soát đã có ý kiến trong các cuộc họp với HĐQT và với Ban điều hành Công ty là dừng ngay việc thanh toán liên quan cho SEMECO khi chưa chứng minh được hiệu quả thực tế đem lại.

Tương tự như vậy, yêu cầu HĐQT, Ban điều hành Công ty xem xét và khắc phục ngay (chấm dứt, thay thế, làm rõ trách nhiệm…) đến các chi phí có giá trị lớn như FREEWILL, BAKER & MCKENZIE, BLOOMBERG…. trong đó đáng chú ý là những chi phí thuê ngoài rất vô lý như thuê tư vấn luật BAKER & MCKENZIE với chi phí rất cao cho những tư vấn mà thực tế không cần đến mức phải tư vấn, hoặc không cần thiết phải thuê với giá cao hơn hàng trăm lần cho những nội dung không cần thiết. Các thoả thuận khi chúng ta là khách hàng (chủ động), nhưng luôn bất lợi cho Công ty và khó kiểm soát dẫn đến là với một chi phí quá lớn nhưng không đem lại hiệu quả tương xứng, thậm chí phản tác dụng.

Trong các hợp đồng ký kết với chi phí một cách lãng phí như vậy có trách nhiệm trực tiếp của bà Kittivalai khi bà điều hành Công ty (sau này là thành viên HĐQT) làm cho Công ty thua lỗ nhưng bà vẫn nhận được thu nhập rất cao (năm 2009: 4,9 tỷ đồng tiền lương, thêm 600 triệu đồng chi phí sinh hoạt của cá nhân)…

 

(Trích từ Báo cáo của Ban Kiểm soát năm tài chính 2009 của CTCK Thành Công)