Khi ngân hàng bội ước

Khi ngân hàng bội ước

Nhiều ngân hàng đã "phóng bút" ký chứng thư bảo lãnh rồi cũng "phóng" luôn khi phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Ai "bảo lãnh" cho bảo lãnh ngân hàng?

Chuyện phải gióng lên một hồi chuông báo động khi mới đây hàng trăm người lao động của Công ty TNHH thép Thành Đô vây kín trụ sở Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) để điều đình việc trốn tránh trách nhiệm trong thực hiện chứng thư bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng này.

Theo đó, cuối năm 2011, giám đốc Chi nhánh Thăng Long (thuộc HDBank) đã ban hành chứng thư bảo lãnh cho Công ty CP đầu tư xây dựng Nhật Nam (bên được bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại hợp đồng mua bán giữa công ty này với Công ty TNHH Thép Thành Đô (bên nhận bảo lãnh), giá trị bảo lãnh tối đa là 15,39 tỷ đồng. Bảo lãnh có giá trị 115 ngày, kể từ khi hai bên ký biên bản giao nhận hàng hoá. Thực hiện hợp đồng, Công ty TNHH thép Thành Đô đã giao đủ số hàng theo hợp đồng đã được ký kết nhưng Công ty CP đầu tư Xây dựng Nhật Nam không thực hiện đúng theo cam kết. Đến hạn bảo lãnh, Công ty TNHH thép Thành Đô mới tá hoả khi biết khoản bảo lãnh trên không được hạch toán trong hệ thống sổ sách của HDBank?!

Khi ngân hàng bội ước ảnh 1

Tương tự, sau khi gửi trọn niềm tin vào bảo lãnh của HDBank, Công ty CP Dịch vụ Viễn thông Ấn Đô đã giao cho Công ty TNHH Sản xuất Vật liệu mới Á Âu 660 tấn thép cuộn cán nóng SS400B, tương đương với số tiền bảo lãnh của ngân hàng là 10,69 tỷ đồng. Thế nhưng đến hạn thanh toán, Công ty Á Âu đã không thanh toán tiền và ngay cả HDBank cũng không thực hiện theo chứng thư đã bảo lãnh. Đáng nói, khi đề nghị được thanh toán, Công ty CP Dịch vụ Viễn thông Ấn Đô lại nhận được văn bản thoái thác trách nhiệm của HDBank với lý do: "Khoản bảo lãnh này không được hoạch toán trong hệ thống sổ sách của HDBank".

Trước đó, Chi nhánh công ty CP thép Thái Nguyên tại Hà Nội cũng khốn khổ với chứng thư bảo lãnh của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Nam (BIDV Hà Nam ). Đầu năm 2012, sau khi nhận được chứng thư bảo lãnh giá trị 10 tỷ đồng có thời hiệu 350 ngày của BIDV Hà Nam cho Công ty TNHH thương mại và xây dựng Đại Hải Hà Nam, Công ty thép Thái Nguyên đã chuyển hàng với giá trị hơn 9 tỷ đồng cho công ty này. Đến thời hạn thanh toán, công ty Đại Hải Hà Nam đã không thể thực hiện được. Phải sau gần 5 tháng, BIDV Hà Nam mới chi tiền cho doanh nghiệp.

 

Quyền lực trong tay kẻ cầm tiền

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS. Nguyễn Đại Lai, nguyên phó vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ) cho rằng: "Cái chính là trách nhiệm dân sự trong các hợp đồng không được thực hiện. Về nguyên tắc, chứng thư bảo lãnh là một nghĩa vụ dân sự buộc phải thực hiện. Về lý thuyết, khi anh bảo lãnh là anh đóng vai trò của người mua để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người bán". Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi tra xét vào các con chữ, cách soạn hợp đồng có lỗ hổng mà rất khó biết là do người soạn vô tình hay cố tình".

Chia sẻ với nỗi niềm của các doanh nghiệp đang lao đao vì chứng thư bảo lãnh, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: Dường như có một ý nghĩ đang nằm sâu trong tiềm thức hiện nay của ta là quyền lực nằm trong tay kẻ cầm tiền. Vì thế, dù đã ban hành chứng thư bảo lãnh nhưng tiền vẫn nằm trong tay, các nhà băng đưa mình vào thế thượng phong để quyết định việc ban phát tiền cho doanh nghiệp mà đúng ra đó là trách nhiệm họ phải thực hiện.

Nhiều chuyên gia khi được hỏi cũng đặt ra vấn đề, việc quản lý hay xử lý những trường hợp có dấu hiệu sai phạm trong việc cấp chứng thư bảo lãnh của các ngân hàng là rất chậm, còn né tránh trách nhiệm. Về mặt nguyên tắc, tất cả chứng thư bảo lãnh ngân hàng đều phải đưa vào hệ thống quản lý. Nó có thể kết nối với tài khoản bảo đảm, theo hệ thống. Khi đó, giám đốc các chi nhánh ngân hàng muốn phát hành chứng thư bảo lãnh buộc phải đăng ký qua hệ thống văn thư, có kiểm soát mới in được phom bảo lãnh ra. Tuy nhiên, hiện chưa có quy chuẩn thống nhất cho dịch vụ này nên còn những lỗ hổng về pháp lý, rất khó kiểm soát. Nếu không quản chặt, cán bộ ngân hàng dễ lợi dụng làm bậy mà như vụ giám đốc chi nhánh Agribank Hồng Hà - ông Đỗ Đức Hưng vừa bị bắt và khởi tố về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ do ký chứng thư bảo lãnh thanh toán, dấy lên mối lo ngại về thể thức thanh toán được coi là tiến bộ này.