Khi nỗi lo thuế quan hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường giữ vững mốc 1.300 điểm khi đóng cửa phiên cuối tuần qua với đặc điểm đáng chú ý là VN-Index giảm 11 điểm nhưng cổ phiếu của những doanh nghiệp có câu chuyện, có nền tảng hoạt động tốt vẫn bật tăng mạnh.
Khi nỗi lo thuế quan hạ nhiệt

Cổ phiếu DPG của CTCP Đầu tư Đạt Phương tăng trần, khối lượng khớp lệnh gấp gần 10 lần trung bình 30 phiên gần nhất trước thông tin cuối tháng 5, Công ty mở bán dự án Khu đô thị Casamia Balanca tại Hội An. Cổ phiếu MSH tăng 10% kể từ sau đại hội cổ đông với cam kết giữ nguyên mục tiêu lợi nhuận 600 tỷ đồng và chia cổ tức 30-45% bằng tiền mặt cho năm 2025. Cổ phiếu GEE tăng trần lên vùng giá 93.000 đồng, tức tăng gần 100% kể từ vùng bán ồ ạt hồi đầu tháng 4 sau tin thuế quan từ Mỹ…

Biến động lớn từ kênh chứng khoán không khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ nữa mà trở thành cơ hội với những người còn tiền và có tiền. Có điểm thú vị khi lượng tài khoản mở mới lại tăng mạnh trong tháng 4. Thống kê thị trường cho thấy số lượng tài khoản thường tăng nhanh, mạnh vào những tháng mà chỉ số VN-Index có biến động lớn. Trong giai đoạn VN-Index biến động 15 - 20% mỗi tháng, số tài khoản mở mới tăng rất nóng.

Tháng 4/2025, mức biến động giữa đỉnh và đáy VN-Index lên tới 23%, mở ra cơ hội mua rất tốt cho nhà đầu tư có sẵn tiền mặt và đủ bản lĩnh. Nếu mua ở thời điểm 9/4 và giữ đến nay, nhiều mã cổ phiếu cho hiệu suất lợi nhuận 20-25%, thậm chí tới trên 50%.

Nhìn về dữ liệu lịch sử, trong tháng 2 - 3/2022 và năm 2020, số lượng tài khoản mới cũng tăng rất nhanh, do sau giai đoạn cao điểm Covid-19, chỉ số VN-Index có mức sụt giảm khoảng 40%.

Với những biến động được dự báo khá lớn trong năm nay, sẽ có không ít cơ hội mở ra với nhà đầu tư chứng khoán. Nếu như trước đây có tỷ lệ lớn tiền đổ vào đầu tư bất động sản thì nay không ít người chọn thêm kênh chứng khoán để cất trữ một phần tài sản khi ưu thế của kênh này là tính thanh khoản cao và suất đầu tư đa dạng, thay vì cần một lượng vốn lớn, đồng thời khi muốn bán là có thể “ra hàng”, chứ không giống như kênh bất động sản.

Những diễn biến thuế quan hạ nhiệt gần đây cũng phần nào tạo ra xu hướng đảo ngược dòng vốn ngoại. Thống kê từ các kênh truyền thông tài chính quốc tế cho thấy, do chính sách thương mại của Mỹ khó lường, nên nhiều tổ chức và cá nhân đã giảm bớt tỷ trọng đầu tư tại quốc gia này. Đồng USD đã giảm khoảng 7,5% so với đầu năm. Ngược lại, đồng tiền tại nhiều quốc gia khác có dấu hiệu phục hồi. Trong 2 tuần trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài cũng trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xét về yếu tố FA của doanh nghiệp, dữ liệu của VNDirect ước tính, lợi nhuận ròng quý I/2025 của các công ty niêm yết trên toàn thị trường tăng 22,6% so với cùng kỳ, được hỗ trợ không chỉ bởi nền so sánh thấp cùng kỳ mà còn nhờ vào nền tảng kinh doanh cải thiện.

Trong đó, biên EBITDA tăng từ 15,4% lên 17,9%, phản ánh khả năng kiểm soát chi phí bán hàng và quản lý tốt hơn. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.

Dự phóng lợi nhuận quý II, theo góc nhìn của các công ty chứng khoán vẫn duy trì đà tích cực, còn quý III và xa hơn sẽ còn phụ thuộc biến số thuế quan từ Mỹ.

Trong bối cảnh về dòng tiền, chuyển động doanh nghiệp như vậy, cộng hưởng với những tin tức vĩ mô trong và ngoài nước, đặc biệt các diễn biến mới về đàm phán thuế quan, chứng khoán tháng 5 được nhìn nhận sẽ tiếp tục mang đến cơ hội cho nhà đầu tư nếu chọn lựa đúng doanh nghiệp, nhóm ngành. Giới đầu tư cũng tự tin hơn khi cho rằng lời nguyền “Bán chứng khoán và đi chơi” có vẻ như chưa phù hợp với thị trường tháng 5 năm nay.

Tin bài liên quan