Ông Hoàng Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán

Ông Hoàng Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán

Khối CTCK, 15 năm xây dựng và trưởng thành

(ĐTCK) Cùng với sự ra đời của TTCK, sau 15 năm hoạt động và phát triển, khối các CTCK đã có những bước trưởng thành mạnh mẽ, đảm nhiệm tốt vai trò trung gian trên thị trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của TTCK Việt Nam.

Những bước trưởng thành trong tổ chức, hoạt động của các CTCK

Từ chỗ chỉ có 7 CTCK trong những ngày đầu tiên khai trương hoạt động của TTCK với quy mô vốn điều lệ thấp nhất là 6 tỷ đồng và cao nhất là 43 tỷ đồng, đến nay có 81 CTCK đang hoạt động bình thường, trong đó có CTCK có vốn điều lệ trên 4.200 tỷ đồng (tăng 100 lần so với thời gian đầu hoạt động).

Các CTCK đã phát huy mạnh mẽ vai trò là tổ chức trung gian trên TTCK, hỗ trợ dẫn vốn và luân chuyển vốn trong nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Đối với hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát hành và bảo lãnh phát hành cho các công ty niêm yết, công ty đại chúng, giá trị bảo lãnh phát hành mà các CTCK thực hiện lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Trên thị trường thứ cấp, CTCK thực hiện vai trò tư vấn, môi giới cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, có 20 CTCK thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều đối tác nước ngoài của CTCK là những tên tuổi lớn trên TTCK quốc tế như Morgan Stanley, Citibank, Nikko Cordial, SMB Securities, Woori Bank, Korea Investment and Securities, Mirea Securities, CIMB, Kenagan...

Trên cơ sở tăng cường đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, cùng với việc mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ, tăng cường chất lượng tư vấn và các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, các CTCK liên tục thu hút, mở rộng lượng nhà đầu tư tham gia đầu tư trên TTCK. Năm 2000, toàn thị trường có gần 8.000 nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các CTCK, đến nay con số này là gần 1,5 triệu tài khoản, trong đó có gần 18.000 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài.

Một số CTCK lớn chú trọng phát triển hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, góp phần hoàn thiện cấu trúc quản trị công ty, phát hiện, ngăn chặn các rủi ro trong hoạt động cũng nhưng rủi ro đầu tư nhằm đảm bảo hoạt động lành mạnh, bảo toàn vốn và phát triển.

Tỷ lệ sở hữu trên tính tại thời điểm 26/6/2015 - ngày Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ban hành, trong đó cho phép NĐT nước ngoài đáp ứng một số điều kiện được sở hữu 100% cổ phần tại tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam 

Công tác quản lý nhà nước đối với khối CTCK được tăng cường

Cùng với sự lớn mạnh về số lượng và quy mô của các CTCK, công tác quản lý nhà nước đối với khối CTCK cũng được tăng cường. Từ năm 2008, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vụ Quản lý kinh doanh đã được tách chức năng quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư cho Vụ Quản lý quỹ đảm nhiệm, Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán thực hiện chuyên quản các CTCK.

Văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động của các CTCK ngày càng hoàn thiện. Quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động CTCK đã trải qua 7 lần ban hành mới và sửa đổi, bổ sung. Theo đó, các hướng dẫn vể tổ chức, quản trị CTCK, hướng dẫn về nghiệp vụ kinh doanh ngày càng được đổi mới, mở rộng và cập nhật phù hợp với tình hình mới và thông lệ quốc tế, có ban hành Điều lệ mẫu để các CTCK thực hiện.

Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã thực hiện và triển khai áp dụng thông lệ quốc tế mới nhất về quản lý an toàn vốn đối với CTCK bằng việc ban hành Thông tư 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Thông tư này được sửa đổi bằng Thông tư số 165/2012/TT-BTC ngày 9/10/2012. Để hướng dẫn CTCK thiết lập hệ thống quản trị rủi ro, ngày 26/2/2013, Chủ tịch UBCK ban hành Quyết định số 105/QĐ-UBCK hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro CTCK.

Sau đó, ngày 9/10/2013, Chủ tịch UBCK ban hành Quyết định số 617/QĐ-UBCK về việc ban hành quy chế hướng dẫn xếp loại CTCK. Mục đích cốt lõi của quy chế xếp loại CTCK là đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo sớm, giúp cơ quan quản lý sớm nhận diện các CTCK có nhiều nguy cơ rơi vào diện vi phạm chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định tại Thông tư 226, hoặc có nhiều nguy cơ sụt giảm quy mô vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ ban đầu.

Trên cơ sở xếp loại các CTCK thành nhiều nhóm theo kết quả lượng hóa rủi ro mất vốn và không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính, UBCK có thêm một kênh thông tin để hướng nguồn lực vào xử lý các CTCK có nguy cơ mất an toàn tài chính. Hơn nữa, kết quả chấm điểm xếp loại được tổng hợp từ các yếu tố như chất lượng vốn, chất lượng tài sản... là các yếu tố định lượng, hoặc từ các yếu tố định tính như chất lượng quản trị có thể là những chỉ báo cụ thể về nội dung kiểm tra, giám sát và xử lý cho cơ quan quản lý.

Khối CTCK, 15 năm xây dựng và trưởng thành ảnh 2

 Các CTCK đã phát huy mạnh mẽ vai trò là tổ chức trung gian trên TTCK, hỗ trợ lưu chuyển vốn trong nền kinh tế

Một số thách thức hiện hữu

Trong 15 năm qua, khối CTCK đã có sự phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng với số lượng CTCK đạt mức cao, cùng với sự tham gia đầu tư của nhiều đối tượng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số lượng các CTCK tăng quá nhanh, không bảo đảm hiệu quả hoạt động, tiềm ẩn rủi ro hệ thống.

Bất chấp những hạn chế về mặt chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng tiếp cận vốn, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn thành lập các CTCK. Từ đó, dẫn đến việc cạnh tranh hết sức gay gắt giữa các CTCK, đặc biệt là cạnh tranh về thị phần môi giới (hơn 70% thị phần giao dịch tập trung vào chưa tới 20 CTCK và chỉ có chưa đến 30% thị phần giao dịch do gần 70 CTCK còn lại nắm giữ). Để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút khách hàng, một số CTCK đã lách luật cung cấp dịch dịch vụ tài chính khác khi chưa có quy định của Bộ Tài chính.

Những dịch vụ này đã có những rủi ro khi thị trường đi xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính của công ty. Kết quả là nhiều CTCK sau khi thành lập và đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn đã bị thua lỗ, nhiều CTCK đứng trước nguy cơ không huy động được đủ vốn cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh.

Sự phát triển của TTCK nói chung đòi hỏi các CTCK phải đi vào chiều sâu, củng cố nội lực nếu muốn tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh đó, khối CTCK bộc lộ sự phân hóa nội khối.

Cụ thể, chỉ có hơn 10% số CTCK có mức vốn điều lệ lớn hơn 500 tỷ đồng. Các CTCK còn lại, do quy mô vốn nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư hiệu quả thông qua cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành quy mô lớn trong các đợt cổ phần hóa của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, quy mô vốn nhỏ làm hạn chế rất nhiều khả năng mở rộng độ bao phủ của mạng lưới, mở rộng phân khúc khách hàng và mở rộng năng lực cũng như phạm vi cung cấp dịch vụ.

Ngoại trừ một vài CTCK lớn nhất, hầu như các CTCK nhỏ không thể tiếp cận được thị trường vốn để tăng vốn hoạt động. Việc tìm kiếm tài trợ vốn từ các tổ chức tín dụng và công ty tài chính cũng vô cùng khó khăn do tình hình khó khăn chung của TTCK.

Trong khi đó, cơ cấu cạnh tranh của các CTCK Việt Nam hầu như không có sự khác biệt. Các công ty hầu như chỉ cung cấp dịch vụ môi giới, đối với sản phẩm tài chính là cổ phiếu niêm yết và cho đối tượng (phân khúc) khách hàng là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Mảng nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (dù có nhiều tiềm năng) vẫn chưa thật sự phát triển, mặc dù từ năm 2012 đến nay có nhiều CTCK tập trung cho mảng nghiệp vụ này trên cơ sở nền kinh tế đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ. Các CTCK vừa và nhỏ loay hoay tìm cách sinh tồn lại gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các CTCK lớn ngay ở mạng dịch vụ vốn dĩ thích hợp đối với CTCK vừa và nhỏ là môi giới cho khách hàng nhỏ lẻ.

Đáng chú ý, các CTCK trong một thời gian dài chỉ chạy theo lợi nhuận. Do đó, không nhiều CTCK có thể tối ưu hóa mô hình tổ chức kinh doanh, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ. Khi TTCK suy giảm, hệ quả của công tác quản trị kém đã bộc lộ gây ra những tổn thất tài chính, pháp lý nặng nề cho các CTCK.

 Các CTCK đang dần phát triển một cách bền vững hơn, chú trọng nhiều hơn đến an toàn tài chính 

Tái cấu trúc và kết quả bước đầu

Trước tình hình đó, trên cơ sở Đề án Tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012, trong suốt 3 năm vừa qua, UBCK đã nỗ lực triển khai hoạt động tái cấu trúc khối CTCK theo hướng: nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro của các CTCK. Trên cơ sở đó, từng bước thu hẹp số lượng các CTCK; tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động CTCK; mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập đã cam kết.

Cho tới nay, hoạt động tái cấu trúc đang dần đạt được những mục tiêu và định hướng mà Đề án đặt ra.

Thứ nhất, số lượng các CTCK đã được thu hẹp được khoảng 24%. Ngoài ra, một số CTCK đang bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, nếu trong thời gian tới không khắc phục được sẽ bị UBCK áp dụng các biện pháp mạnh hơn như đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép. Vì vậy, số lượng CTCK có thể tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới.

Thứ hai, công tác quản trị công ty và quản trị rủi ro ở các CTCK được kiện toàn và nâng cao dưới tác động của việc hoàn thiện khung pháp lý với sự ra đời của Thông tư 210 và Quyết định 105. Thứ ba, các CTCK đang dần phát triển một cách bền vững hơn, chú trọng nhiều hơn đến an toàn tài chính khi cơ quan quản lý tăng cường áp lực cưỡng chế thực thi tuân thủ các quy định về an toàn tài chính.

Với cái nhìn thẳng thắn và trực diện về những thành công và tồn tại trong 15 năm hình thành và phát triển CTCK như trên, ngay lúc này, chúng ta cần hướng tới xây dựng thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai. Hy vọng, thế hệ Luật Chứng khoán mới sẽ có thay đổi đáng kể về định hướng mô hình hoạt động của các CTCK, các định chế trung gian trên TTCK tiếp tục được hoàn thiện nhằm hướng tới một TTCK vững mạnh, minh bạch và hiệu quả.

Tin bài liên quan