Khơi dòng tín dụng lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển

Khơi dòng tín dụng lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển

(ĐTCK) Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng TP.HCM trong những năm gần đây tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi dòng vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM tại Quyết định 3907/QĐ-UBND ngày 1/8/2016 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 35 và Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng theo Quyết định số 1355/QĐ-Ngân hàng Nhà nước ngày 28/6/2016 của Ngân hàng Nhà nước và xuất phát từ hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp - tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, thủ tục giao dịch với ngân hàng trong những năm kinh tế vĩ mô chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 - 2013.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM

Thứ nhất, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp phát triển thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương và UBND TP.HCM nhằm tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phát triển, gắn với chính sách lãi suất, chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế.

Thứ hai, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đối thoại doanh nghiệp: cung cấp thông tin về cơ chế chính sách, trao đổi, đối thoại và tiếp nhận xử lý thông tin, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Thứ ba, thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Chương trình hành động 1355 của Ngân hàng Trung ương, với nội hàm: lấy khách hàng làm trung tâm để đổi mới quy trình giao dịch, thủ tục giao dịch, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại nhằm tạo tiện ích tối đa cho khách hàng khi giao dịch với ngân hàng, tiết giảm chi phí, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay bền vững.

Trên cơ sở cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, cùng với chỉ đạo của UBND Thành phố liên quan đến việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động.

Chẳng hạn, triển khai cơ chế chính sách của Ngân hàng Trung ương, chủ trương, chỉ đạo của UBND TPH.CM đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn để định hướng các ngân hàng trong việc tập trung nguồn vốn cho vay hoạt động sản xuất - kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng kinh tế, cho vay doanh nghiệp theo chương trình kích cầu của Thành phố, cho vay doanh nghiệp bình ổn…, qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy kinh tế Thành phố tăng trưởng và phát triển theo định hướng đã đề ra.

Tham gia các hội nghị đối thoại và gặp gỡ doanh nghiệp do các quận, huyện trên địa bàn tổ chức thực hiện để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Phối hợp cùng phòng kinh tế các quận, huyện triển khai, tổ chức việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với các buổi lễ ký kết do các quận, huyện chủ trì thực hiện. Phối hợp với Sở Công thương, UBND các quận, huyện và các đầu mối thực hiện nắm bắt và tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố và kế hoạch đề ra.

TP.HCM mỗi năm cần hàng trăm ngàn tỷ đồng phát triển hạ tầng, cảnh quan Thành phố

Một trong những chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tạo hiệu ứng lan tỏa và có tác dụng mạnh đến hoạt động doanh nghiệp là chương trình cho vay theo 5 nhóm ngành, lĩnh vực theo cơ chế chính sách của Ngân hàng Trung ương. Chương trình này được triển khai từ năm 2013, đến nay đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường trên thị trường để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Cơ chế chính sách về tín dụng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cơ chế lãi suất ưu đãi đối với khoản vay ngắn hạn VND (hiện không quá 6.5%/năm), cơ chế cho vay thỏa thuận đối với các khoản cho vay trung, dài hạn, đã phát huy tác dụng ổn định thị trường tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh trong suốt 5 năm qua.

Theo đó, tính đến cuối năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã cho vay 36.241 khách hàng, với tổng số tiền đạt 158.070 tỷ đồng.

Khơi dòng dẫn vốn cho doanh nghiệp

Các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và tham gia nhiều chương trình nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Trong đó, với vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tổ chức triển khai cơ chế chính sách của ngành ngân hàng và UBND TP.HCM đến các tổ chức tín dụng để định hướng các ngân hàng.

Thực hiện theo các chỉ đạo, các ngân hàng thương mại tập trung tín dụng vào các lĩnh vực cần ưu tiên, cho vay doanh nghiệp theo chương trình kích cầu của Thành phố, cho vay doanh nghiệp bình ổn (sắp tới sẽ triển khai cho vay doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của Thành phố). Theo đó, tín dụng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trên địa bàn TP.HCM luôn chiếm gần 80% trong tổng dư nợ tín dụng.

Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tiếp tục phối hợp cùng UBND 24 quận, huyện, Sở Công thương và các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM thực hiện tốt hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh theo 3 phương thức.

Thứ nhất, thực hiện hỗ trợ theo hình thức đăng ký gói tín dụng hỗ trợ năm 2018 với sự tham gia của 15 ngân hàng thương mại trên địa bàn, tổng số tiền dự kiến cho vay 259.998 tỷ đồng. Cho vay khách hàng là cá nhân, tổ chức có địa điểm hoạt động kinh doanh trên địa bàn, không phân biệt ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động, đều được hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi (ngắn hạn không quá 6,5%/năm, trung và dài hạn xoay quanh 9%/năm - áp dụng với khách hàng mới và được giảm lãi suất các khoản vay cũ hay tăng hạn mức đối với khách hàng đã và đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng). Tính đến cuối năm 2018, các ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng đã giải ngân cho vay 10.092 khách hàng với tổng số tiền 269.493 tỷ đồng, vượt so với số tiền cam kết ban đầu.

Năm nay, có 15 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia với tổng số tiền đăng ký theo gói tín dụng của chương trình năm 2019 là 269.262 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/3/2019, các ngân hàng đã giải ngân 9.122 tỷ đồng cho 1.098 khách hàng.

Thứ hai, thực hiện hỗ trợ theo hình thức tổ chức lễ ký kết theo chuyên đề. Theo đó, trong 3 năm liên tiếp (từ năm 2016 - 2018), Ngân hàng Nhà nước TP.HCM phối hợp với UBND huyện Củ Chi và các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(Agribank) trên địa bàn tổ chức hội nghị kết nối chuyên đề lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân, nông thôn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Thứ ba, triển khai hình thức kết nối do UBND các quận, huyện chủ trì. Ngân hàng Nhà nước TP.HCM và các tổ chức tín dụng trên địa bàn quận, huyện, cùng các đơn vị tổ chức khác phối hợp thực hiện. Theo đó, hoạt động này thúc đẩy sự gắn kết giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại địa phương, thể hiện qua vai trò cầu nối: doanh nghiệp địa phương - chính quyền địa phương - ngân hàng thương mại địa phương. Đây là mô hình kết nối được triển khai từ năm 2016, giúp gia tăng hiệu quả trong công tác hỗ trợ nhu cầu vốn trực tiếp cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM liên tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho UBND các quận, huyện trong quá trình tổ chức kết nối như phát hành thư mời họp đến các ngân hàng thương mại; đồng chủ trì với UBND quận, huyện trong các buổi họp chuẩn bị kết nối; thông báo nội dung cuộc họp đến các tổ chức tín dụng biết để rà soát tìm kiếm khách hàng đăng ký tham gia kết nối… Theo đó, trong năm 2018, tại các quận, huyện trên địa bàn đã tổ chức lễ ký kết cho vay 382 khách hàng, với tổng số tiền 15.352 tỷ đồng.

Tính chung trong năm 2018, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã cho vay 10.593 khách hàng, với số tiền 285.544 tỷ đồng, vượt 9,8% so với số tiền cam kết giải ngân.

Về chương trình cho vay bình ổn thị trường, các ngân hàng cho vay doanh nghiệp với lãi suất thấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả và tác động tích cực đối với ổn định mặt bằng giá đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ ổn định kinh tế Thành phố.

Chương trình này được triển khai từ năm 2000, nguồn hỗ trợ lãi suất đến từ ngân sách Thành phố, dành cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu, qua đó tác động điều chỉnh giảm giá thị trường các mặt hàng này. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, chương trình có sự thay đổi là ngân sách Thành phố không phải bù lãi suất cho doanh nghiệp, mà do các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho vay doanh nghiệp bình ổn với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay trên thị trường.

Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM được thực hiện từ ngày 1/4 đến 31/3 hàng năm, gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng hóa dồi dào, đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp, tạo sự lan tỏa dẫn dắt thị trường, định hướng, khuyến khích người tiêu dùng có thói quen, ưu tiên sử dụng hàng Việt. Một số chương trình cụ thể như chương trình lương thực - thực phẩm thiết yếu, chương trình mùa khai trường, chương trình bình ổn mặt hàng sữa, chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu...

Trong năm 2018, có 10 ngân hàng thương mại tham gia chương trình bình ổn với tổng số tiền đăng ký cho vay 17.800 tỷ đồng. Từ ngày 1/4/2018 đến 28/2/2019 đã có 30 doanh nghiệp được cấp tín dụng ưu đãi với số tiền 1.240 tỷ đồng.

Định hướng nhiệm vụ năm 2019

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tiếp tục tổ chức triển khai cơ chế, chính sách của Ngân hàng Trung ương, UBND TP.HCM, đảm bảo các tổ chức tín dụng trên địa bàn nắm bắt kịp thời và thực hiện tốt cơ chế, chính sách trong hoạt động ngân hàng với một số nội dung chính như: tổ chức triển khai và chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt cơ chế cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông thôn mới, cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi dành cho 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, cho vay các chương trình dự án của Chính phủ, các chương trình tín dụng phát triển kinh tế Thành phố.

Đồng thời, tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo phương châm “thiết thực - hiệu quả”, cùng với việc nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát việc thực hiện và giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục các hoạt động đối thoại doanh nghiệp của ngành ngân hàng trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2019. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tham gia phối hợp cùng các sở, ngành, UBND quận, huyện triển khai thực hiện công tác đối thoại doanh nghiệp - ngân hàng.

Tin bài liên quan