Giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm tỷ trọng hơn 8%, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư nội

Giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm tỷ trọng hơn 8%, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư nội

Khối ngoại khuếch đại xu hướng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài thường liên quan tới tỷ giá và trùng với thời điểm thị trường giảm điểm mạnh, nhưng đôi khi khó dự đoán.

Trong 2 năm qua, khối ngoại thường mua ròng vào các thời điểm thị trường sụt giảm như trong quý II/2023, khi VN-Index giảm từ trên 1.500 điểm xuống dưới 1.200 điểm, hay trong quý IV/2022, sau khi tỷ giá đạt đỉnh vào tháng 9/2022 và bắt đầu hạ nhiệt.

Gần đây nhất, từ ngày 17 - 23/10/2023, trong bối cảnh thị trường giảm điểm, khối ngoại mua ròng 1.664 tỷ đồng, trải rộng trên nhiều mã chứng khoán vốn hóa lớn và vừa, đặc biệt là cổ phiếu VHM của Vinhomes trong phiên đầu tuần qua. Tuy nhiên, đến phiên 26/10, khối này xả hàng cổ phiếu VHM.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank cho biết, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài không lớn, nhưng trong một khoảng thời gian ngắn thì động thái mua/bán ròng từ khối ngoại có tác động đáng kể về mặt tâm lý đối với nhà đầu tư cá nhân trong nước. Ở chiều mua, khối ngoại thường giao dịch tập trung trong một số ít phiên, với lực mua dồn vào các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc chỉ số VN30, tạo nên các biến động tích cực. Nhìn lại tháng 11/2022, khi thị trường ảm đạm, Quỹ Fubond giải ngân đợt đầu đã hỗ trợ VN-Index hồi phục mạnh.

Hơn 1 tháng qua, tâm lý nhà đầu tư trong nước tỏ ra thận trọng, một số phiên bán tháo cổ phiếu, khi thị trường xuất hiện các thông tin không mấy tích cực, cộng với diễn biến nhìn chung là tiêu cực của các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới.

Khối ngoại thường xuyên “lướt sóng”, nhưng duy trì xu hướng bán ròng.

Trong bối cảnh đó, động thái mua ròng trở lại của khối ngoại dù tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động trực tiếp đến chỉ số chung trong vài phiên gần đây nhưng chưa đủ để lôi kéo dòng tiền của nhà đầu tư trong nước.

Mặt khác, trong lịch sử, nhà đầu tư nội và ngoại thường có xu hướng giao dịch trái chiều, bản thân khối ngoại cũng có động thái mua bán ngắn hạn, nhất là khi số lượng các quỹ ETF nước ngoài gia tăng.

Theo dữ liệu trên Dstock của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, từ 1 - 26/10/2023, khối ngoại bán ròng 4.765,5 tỷ đồng và mua ròng 2.186,7 tỷ đồng trên HOSE, tính chung bán ròng 2.578,7 tỷ đồng, trong đó 3 phiên gần nhất đều bán ròng, tổng cộng 1.114,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang trong xu hướng bán ròng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020. Giá trị giao dịch của khối ngoại từ đó đến nay chỉ chiếm tỷ trọng hơn 8%, nên không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến trên thị trường chứng khoán, nhưng điều này cũng phản ánh mức độ rủi ro biến động của thị trường khi quá phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

“Dòng tiền của khối ngoại không tác động trực tiếp lên diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng có tác động gián tiếp lên thị trường, đặc biệt là tâm lý của các nhà đầu tư khác”, ông Minh nhận xét.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank nhìn nhận, xu hướng giao dịch của khối ngoại nhìn chung vẫn đang tiêu cực, kể cả trong những phiên mua ròng thì khối này cũng chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu vốn hóa lớn.

“Động thái giao dịch của khối ngoại phần nhiều mang tính chất khuếch đại xu hướng đang diễn ra trên thị trường, chứ ít khi là tín hiệu về việc đảo chiều xu hướng”, ông Hoàng nói.

Vingroup cho biết, tối 25/10/2023, Tập đoàn đã hoàn thành giao dịch chào bán 250 triệu USD trái phiếu quốc tế. Trái phiếu có thể hoán đổi thành cổ phiếu Vinhomes do Vingroup sở hữu, đáo hạn vào năm 2028.

Đây là trái phiếu hoán đổi trên thị trường quốc tế đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023, đánh dấu sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế đến Vinhomes nói riêng và ngành bất động sản Việt Nam nói chung.

Sáng 26/10, một số nhà đầu tư quốc tế tham gia vào giao dịch Vingroup phát hành trái phiếu hoán đổi đã bán cổ phiếu VHM để hoàn tất giao dịch đầu tư vào trái phiếu. Do đó, đây là việc bán hedging (nhằm phòng vệ rủi ro) giữa các nhà đầu tư với số lượng hạn chế và Vinhomes không phát hành thêm cổ phần mới nên không bị “pha loãng”.

Nhà đầu tư trái phiếu hoán đổi đã tìm được nhà đầu tư cho đa số khối lượng cổ phiếu cần bán, nên ảnh hưởng đến thị trường được đánh giá là trong ngắn hạn và không đáng kể.

Tin bài liên quan