Khối ngoại nắm 19,38% giá trị chứng khoán Việt

Khối ngoại nắm 19,38% giá trị chứng khoán Việt

(ĐTCK) Con số tuyệt đối của tỷ lệ sở hữu 19,38% giá trị chứng khoán Việt của NĐT ngoại trên hai sàn niêm yết là 142.562 tỷ đồng. ĐTCK còn thống kê nhiều chỉ tiêu đáng chú ý khác liên quan đến khối ngoại.

Khối ngoại sở hữu 142.562 tỷ đồng chứng khoán

Hiện nay, trên cả hai sàn chứng khoán có 703 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đang niêm yết, với tổng khối lượng niêm yết đạt trên 32,95 triệu đơn vị. Theo giá đóng cửa ngày 8/8/2012, tổng giá trị vốn hóa của thị trường đạt 735.438 tỷ đồng.

Khối ngoại nắm 19,38% giá trị chứng khoán Việt ảnh 1

Theo dữ liệu giao dịch nước ngoài từ hai Sở GDCK, tổng số cổ phiếu và chứng chỉ quỹ mà khối ngoại được phép mua vào (room) là hơn 14,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đến ngày 8/8/2012, khối ngoại chỉ còn được mua 9,442 triệu đơn vị. Tức là, hiện họ đang nắm giữ 4,858 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tương đương 33,97% tổng số chứng khoán được phép mua. Tính trên tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết, thì lượng nắm giữ của khối ngoại chiếm 14,74%.

Xét trên giá trị của khối tài sản này, khối ngoại đang nắm giữ một lượng cổ phiếu trị giá hơn 142.562 tỷ đồng, bằng 19,38% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường (tính theo giá ngày 8/8/2012). Nếu mua hết toàn bộ lượng cổ phiếu còn lại được phép mua, NĐT ngoại sẽ cần thêm hơn 172.851 tỷ đồng.

Một trường hợp đặc biệt trên sàn là mã CTG của Vietinbank. Ngân hàng có 2.621.754.537 cổ phiếu đang lưu hành, nhưng chỉ niêm yết một phần nhỏ là 516.311.593 cổ phiếu. Do đó, HOSE cho phép NĐT ngoại mua vào toàn bộ 516.311.593 cổ phiếu này. Đây là mã duy nhất trong số 703 chứng khoán đang niêm yết có tình trạng như vậy. Hiện tại, khối ngoại mới chỉ nắm giữ 65.465.502 cổ phiếu CTG (chiếm 3,8% vốn điều lệ Ngân hàng). Theo thống kê của HOSE, NĐT ngoại còn được phép mua thêm 450.846.091 cổ phiếu CTG.

 

Tài sản khối ngoại gồm những gì?

Trong số 703 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đang niêm yết, khối ngoại đã mua vào 684 mã chứng khoán, chỉ trừ 19 mã là AMC, ASA, BDB, BED, BHT, BXH, CTX, FDT, GMX, HTB, HTC, KBT, KHB, MHL, OCH, SCL, SVN, SVT, TSB (các mã này chủ yếu niêm yết trên HNX, ngoại trừ mã SVT trên HOSE).

Trong khi đó, một vài mã như TKU, VSC, GBS, PHS, PVI đã được khối ngoại “lấp đầy” toàn bộ room được mua, do đó họ không thể đặt lệnh mua thêm, dù chỉ là 1 cổ phiếu. Một số cổ phiếu khác cũng gần như kín room như VFMVF1, ST8, VNM, DMC, HCM...

Tài sản có giá trị nhất trong khối tài sản trị giá 142.562 tỷ đồng của NĐT ngoại là 272.496.225 cổ phiếu VNM. Tính theo giá ngày 8/8/2012 là 102.000 đồng/CP, thì số cổ phiếu VNM này trị giá 27.794,6 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng giá trị chứng khoán của khối ngoại. Con số này bỏ xa so với 12.335,06 tỷ đồng của cổ phiếu đứng thứ hai là VCB, chiếm 8,65%. Đứng thứ ba là MSN với 9.209,04 tỷ đồng, chiếm 6,46%.

10 cổ phiếu có giá trị lớn nhất của khối ngoại (đơn vị: Tỷ đồng)

Số CP

đã mua

%

sở hữu

Số CP còn

được mua

Giá trị

tài sản

(tỷ đ.)

%

tài sản

% giá trị

vốn hóa

VNM

272.496.225

49,00

4

27.795

19,50%

7,71%

VCB

442.116.991

19,08

253.108.132

12.335

8,65%

8,79%

MSN

93.969.883

18,24

158.513.529

9.209

6,46%

6,87%

ACB

281.308.934

30,00

16

7.230

5,07%

3,28%

EIB

368.999.679

29,87

1.657.192

7.011

4,92%

3,19%

BVH

163.951.699

24,09

169.479.304

6.738

4,73%

3,80%

FPT

134.122.516

49,00

1.750

6.317

4,43%

1,75%

VIC

73.313.266

10,47

129.820.730

5.828

4,09%

7,57%

HAG

175.239.661

32,61

59.645.225

5.152

3,61%

2,15%

Những nhóm ngành được NĐT ngoại sở hữu nhiều nhất

Điểm qua phân ngành những cổ phiếu được khối ngoại ưa thích, có thể thấy tổng tài sản lớn nhất mà khối ngoại đang nắm giữ thuộc về nhóm ngành thực phẩm (gồm 24 công ty) với 31.144 tỷ đồng, chiếm 42,6% giá trị vốn hóa toàn ngành. Tiếp theo là ngành ngân hàng với 30.747 tỷ đồng, chiếm 18% giá trị vốn hóa toàn ngành.

Xét trên mức độ hết room, nhóm ngành sản xuất thiết bị y tế, ngành dịch vụ máy tính đều đã được lấp đầy lần lượt là 49% và 48,7% (theo giá trị vốn hóa), trong khi nhóm thực phẩm đứng ở vị trí thứ 3 là 42,6%.

10 nhóm ngành được khối ngoại ưa thích (đơn vị: Tỷ đồng)

Nhóm ngành

Giá trị

nắm giữ

Giá trị vốn hóa

toàn ngành

%

Sản xuất thiết bị y tế

374

765

49,0%

Dịch vụ máy tính

6.318

12.965

48,7%

Thực phẩm

31.144

73.128

42,6%

Bảo hiểm tai nạn và tài sản

1.543

3.885

39,7%

Dược phẩm

3.078

7.942

38,8%

Công cụ đầu tư vốn (Equity)

802

2.073

38,7%

Hàng may mặc và trang sức

491

1.387

35,5%

Thiết bị điện tử văn phòng

115

335

34,6%

Phụ tùng ô tô

156

464

33,7%

Tái bảo hiểm

456

1.361

33,5%

NĐT ngoại sở hữu trung bình hơn 2 tỷ  đồng chứng khoán

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký (VSD), tính đến ngày 31/7/2012, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 15.838 NĐT nước ngoài. Trong đó, có 1.885 NĐT tổ chức và 13.953 NĐT cá nhân. So với đầu năm 2012, có thêm 161 NĐT tổ chức và 108 NĐT cá nhân nước ngoài được cấp mã giao dịch, tăng 1,73%. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, thì số NĐT nước ngoài được cấp mã giao dịch trong 7 tháng đầu năm giảm 48,1%.

Nếu đem tổng giá trị tài sản chứng khoán mà các NĐT nước ngoài đang sở hữu chia đều cho số NĐT nước ngoài đã được cấp mã số giao dịch, thì mỗi người/tổ chức sở hữu hơn 2,08 tỷ đồng.

 

Lực cầu đang giảm dần

Theo thống kê của ĐTCK, trong tháng 7/2012, khối ngoại mua ròng 145,61 tỷ đồng trên cả 3 sàn chứng khoán. Trong 8 ngày đầu tháng 8, khối ngoại mua ròng 75,14 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng 416,134 tỷ đồng (trong đó bán ròng 617.226 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng 1.027 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 5,74 tỷ đồng trên UPCoM), giảm 90,36% so với con số 4.315 tỷ đồng của 8 tháng đầu năm 2011.

 Theo thống kê, năm 2011, khối ngoại đã mua ròng 2.618,71 tỷ đồng trên cả ba sàn chứng khoán. Tuy nhiên, nếu như trong 7 tháng đầu năm 2011 họ mua ròng, thì xu thế này lại đảo ngược trong 5 tháng cuối năm 2011 (bán ròng kể từ tháng 8).

Như vậy, có thể thấy, “khẩu vị” của khối ngoại đang giảm dần, khi mà những “món hàng ngon” dần cạn kiệt room, trong khi thị trường tài chính thế giới còn nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nên có biện pháp “kích cầu” khối NĐT nước ngoài bằng nhiều biện pháp như: cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, áp dụng những quy chuẩn và cách thức giao dịch hiện đại, thậm chí xem xét nới rộng room của các công ty niêm yết. Điều này sẽ “nuôi dưỡng” dòng tiền đầu tư từ bên ngoài, đồng thời kích thích dòng tiền nội chảy vào chứng khoán, giúp TTCK phát triển bền vững.