Khôi phục đường bay quốc tế: “Thiên thời, địa lợi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh đã bào mòn hoạt động và sức chịu đựng của các hãng hàng không. Việc khôi phục đường bay quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo đà phục hồi của ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Khôi phục đường bay quốc tế: “Thiên thời, địa lợi”

Nhanh chóng mở cửa đường bay quốc tế

Sáng ngày 10/11, Báo Giao thông đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn”.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: “Hiện nay, chúng ta vẫn đang duy trì các đường bay quốc tế. Dù không diễn ra như thường lệ trước đây, bởi nhiều nơi đã hạn chế các chuyến bay, tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải xem xét mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế”.

Đồng quan điểm, GS. TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng cũng nhìn nhận đây thời điểm “thiên thời, địa lợi” để mở lại các đường bay quốc tế sau khi cân nhắc nhiều khía cạnh, yếu tố.

“Chúng ta không thể chắc chắn khi nào dịch kết thúc. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đang được củng cố”, GS. TS Trần Thọ Đạt đánh giá.

Ông Đạt phân tích, nhiều nước ở trạng thái như Việt Nam đã và đang mở đường bay quốc tế như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã phục hồi.

Mặt khác, GDP Việt Nam âm 6,17% trong quý III - cú sốc giảm lớn nhất từ trước đến nay. Nền kinh tế thực sự đã tạo đáy và đang trong quá trình thoát đáy đi lên. Có thể thời gian tới, số ca mắc Covid-19 có thể vẫn cao. Nhưng tỷ lệ tiêm chủng cũng cao, hy vọng tỷ lệ tử vong sẽ thấp. Mở lại đường bay quốc tế sẽ có nhiều thuận lợi, nhất là khi kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ.

Cuối cùng là sự khôi phục chuỗi cung ứng đứt gãy trước đây sẽ được khắc phục và nhu cầu lao động xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác gia tăng.

Mở cửa sao cho an toàn

Theo ông Võ Huy Cường, Việt Nam đã dừng đường bay quốc tế gần hai năm kể từ đầu tháng 2/2020. Đến nay, chúng ta có thể chia làm 3 giai đoạn cho kế hoạch tái khởi động này.

Giai đoạn 1, Việt Nam tiếp tục thực hiện các chuyến bay cứu hộ công dân, sử dụng rộng rãi hình thức khách tự trả chi phí cách ly nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, quyết định thí điểm mở cửa lại du lịch quốc tế.

“Đây là giai đoạn rất quan trọng để đánh giá thực tiễn, có thể ứng xử với những trường hợp có hành khách là người nhiễm bệnh nhập cảnh”, ông Cường nhấn mạnh.

Giai đoạn 2 là mở cửa từng bước, trong đó có những thị trường trọng điểm mà chúng ta đang quan tâm (Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Nga...), kết hợp với những quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch.

Giai đoạn 3 là trở lại bình thường như trước dịch.

Là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất cùng với ngành hàng không kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành du lịch cũng đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng đón khách quốc tế, từng bước mở cửa trở lại thị trường.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ từ những bài học của các quốc gia, Việt Nam xác định mở lại hoạt động du lịch trên tinh thần ưu tiên đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giải quyết mọi tình huống phát sinh từ sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, để có kinh nghiệm trong giai đoạn tiếp theo, từ đó tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, để quá trình mở cửa được diễn ra an toàn, các chuyên gia khẳng định tấm hộ chiếu vaccine sẽ là chìa khóa cho kỳ vọng này.

Ông Võ Huy Cường cho biết, hộ chiếu vaccine được phổ cập trong thời gian gần đây, các hãng hàng không, hành khách của hãng hàng không cũng phải biết về điều đó để thực hiện, để tạo thuận lợi cho di chuyển. Nhưng điều này đã đủ để chứng nhận sức khỏe của người mang hay chưa.

Trước băn khoăn trên, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế nhìn nhận, trước đây chúng ta theo đuổi mục tiêu “zero Covid”, nhưng nay dịch Covid-19 đã lây lan trong cộng đồng, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm dịch.

Chúng ta đang quy định phải cách ly 7 ngày, nhưng Thái Lan chỉ yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó và xét nghiệm sau khi đến Thái Lan, có hộ chiếu vaccine, đợi 1 ngày có PCR âm tính là có thể di chuyển tự do. Rõ ràng, các nước có quy định về y tế nhẹ nhàng hơn chúng ta.

“Tôi khẳng định, nếu đã tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính là an toàn và không cần cách ly 7 ngày. Song, để mở cửa hàng không, cần chuẩn bị thêm cho ngành y tế về pháp lý, hướng dẫn cũng như chuẩn bị về cơ sở vật chất điều trị”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nói.

Ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở lại bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn cụ thể.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đề xuất này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đảm bảo công tác phòng, chống dịch và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh.

3 giai đoạn cụ thể trong đề xuất mở lại đường bay quốc tế của Bộ Giao thông Vận tải:

Giai đoạn 1 triển khai từ quý I/2022, tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam (trừ khi có các yêu cầu của cơ quan thẩm quyền về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế).

Giai đoạn 2 triển khai từ quý II/2022, các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có “hộ chiếu vaccine”.

Giai đoạn 3 triển khai từ quý III/2022, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tuỳ thuộc vào diễn biến dịch và tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định.

Tin bài liên quan