Bà Dương Thu Hương.

Bà Dương Thu Hương.

Không có lý do gì để “cú sốc” tiền tệ xảy ra

(ĐTCK-online) Tháng 10, khi được Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Kinh tế Quốc hội hỏi quan điểm về gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã có bản phân tích đưa ra 7 lý do nên chấm dứt gói kích cầu ngắn hạn. Vị chuyên gia này cũng đã dự báo trước những thay đổi về chính sách tiền tệ như đợt điều chỉnh vừa qua. Hiện nay, bà Hương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể thắt chặt thêm chính sách tiền tệ.

Sau đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ vừa qua, diễn biến lãi suất và cung cầu USD trên thị trường ra sao, thưa bà?

Sau những ngày thị trường lộn xộn, mà đỉnh cao là ngày 11/11, giá vàng lên tới 30 triệu đồng/lượng, giá USD đạt 20.000 đồng/USD, thì quyết định điều chỉnh lãi suất, tỷ giá của NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/12, đến giờ thị trường đã đi vào ổn định. Giá ngoại tệ trên thị trường tự do chuyển biến theo xu hướng giảm và theo dự báo của chúng tôi, sẽ còn giảm nữa. Trên thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch mấy ngày qua đều đạt hơn 700 triệu USD/ngày, đồng nghĩa với việc thị trường đã được khai thông. Sau quyết định tăng lãi suất cơ bản, nếu quả thực có nhu cầu gay gắt về nguồn vốn, chúng ta phải thấy ngay phản ứng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất của các ngân hàng. Tuy nhiên, mới chỉ có một vài ngân hàng phản ứng và mức lãi suất cao nhất cũng chưa đến 10,5%/năm.

Các ngân hàng đều chia sẻ quan điểm rằng, không cần thiết nâng mặt bằng lãi suất huy động lên mức quá cao, dựa trên 2 lý do. Thứ nhất, khả năng tăng tín dụng là khó khi tháng 12 là tháng cuối cùng của năm. Thứ hai, liệu tăng lãi suất, thị trường có khả năng hút thêm tiền về nữa không? Theo đánh giá của nhiều người, các kênh khác như chứng khoán, ngoại tệ vàng, bất động sản vẫn đang kẹt một lượng tiền lớn, tiền chảy về ngân hàng khó tăng mạnh. Vì vậy, ngân hàng không có lý gì tăng lãi suất huy động lên cao, làm tăng giá vốn.

 

Mấy ngày gần đây, thị trường xuất hiện tin đồn NHNN sẽ tăng dự trữ bắt buộc và phát hành tín phiếu. NHNN đã bác bỏ tin này, nhưng nhiều người vẫn bán tín bán nghi. Dựa trên kinh nghiệm điều hành (bà Hương từng là Phó thống đốc NHNN và Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội - PV) và thông tin bà có được, khả năng xảy ra điều chỉnh như vậy liệu có không?

Thực hiện tăng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu ở thời điểm này tôi cho là hành động điên rồ, vì chẳng có cơ sở gì để làm động tác đó. Những biện pháp mạnh như vậy chỉ thực hiện khi lạm phát 2 con số, trong khi lạm phát năm nay ước chỉ có 6% (thấp xa so với mức Quốc hội cho phép là dưới 10%). Hơn nữa, chính sách tiền tệ mới vừa ban hành, thị trường đang đi vào ổn định. Những ai tung tin đó muốn thị trường bị mắc lừa, muốn lũng đoạn thị trường, trục lợi để thu vét lợi nhuận.

Dự báo chính sách tiền tệ trong thời gian tới rất khó, song chúng ta có thể nhìn thị trường, diễn biến chỉ số lạm phát để dự báo xu hướng chính sách. Lạm phát duy trì trên dưới 6%, tháng cuối năm diễn biến giá cả bình thường thì chắc chắn chính sách tiền tệ bình thường.

 

Không ít người tin vào tin đồn vì sự thay đổi quá nhanh trong động thái của cơ quan quản lý: tháng 10 tuyên bố kéo dài hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, duy trì chính sách tiền tệ ổn định, nhưng tháng 11 đảo ngược hoàn toàn. Bà nghĩ sao?

Tiếp tục duy trì hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sẽ làm méo mó thị trường tiền tệ, đỉnh cao phản ứng vào ngày 11/11 như tôi đã đề cập. Ước tính, có khoảng 10 tỷ USD găm trên tài khoản của các doanh nghiệp, họ không bán, trong khi đó cần tiền đồng vẫn được vay và còn được hỗ trợ lãi suất. Như vậy là nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi kép. Chấm dứt chính sách đó và nâng tỷ giá, 10 tỷ USD sẽ tung ra thị trường, là lượng cung cực lớn giải tỏa nút thắt trên thị trường tiền tệ.

Trong điều hành vĩ mô, tỷ giá và lãi suất luôn cân đối nhau, nếu điều chỉnh tỷ giá cao hơn mà giữ nguyên lãi suất thấp thì giá trị đồng Việt Nam càng giảm, càng kích thích tỷ giá lên nữa. Việc tăng lãi suất cơ bản sau 10 tháng duy trì ổn định là việc làm cần thiết và tôi tin rằng, nếu được phân tích thì nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ hiểu được điều đó.

 

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (11 - 12%/năm) tăng cao hơn cả lãi suất huy động khiến một số người tin còn bất ổn. Diễn biến này nên nhìn nhận như thế nào, thưa bà?

Do nhu cầu thanh toán cao vào cuối năm nên các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu trước mắt, còn thị trường liên ngân hàng vẫn hoạt động bình thường, các ngân hàng đều đảm bảo khả năng thanh khoản để thanh toán, mức lãi suất chào giữa các ngân hàng không có đơn vị nào vượt trội, vì thế không có gì đáng lo ngại.

Ngay đến hoạt động cung ứng, điều hòa vốn của NHNN thông qua thị trường mở vẫn rất bình thường, với lưu lượng vốn vào - ra mỗi ngày khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây là mức trung bình và không cần biện pháp gì can thiệp.