TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành

Không có thị trường mua bán nợ, khó thành công

(ĐTCK) Kinh nghiệm các nước cho thấy, phải xử lý nhanh nợ xấu bởi càng để lâu, mức độ thiệt hại càng lớn. Và để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, cần nhanh chóng hình thành thị trường mua bán nợ.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhấn mạnh yêu cầu trên khi bình luận về một số hoạt động mua nợ của VAMC 2 tuần qua.

Theo Nghị định 53/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cùng các Thông tư hướng dẫn của NHNN, VAMC được mua nợ dưới 2 hình thức. Theo ông, tại sao lại phải đưa ra 2 phương thức như vậy?

Theo quy định, VAMC được mua nợ xấu bằng hai cách. Một là, mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Bản chất của giải pháp này là chuyển nợ xấu của các TCTD về VAMC, để VAMC xử lý giúp trong vòng 5 năm. Giải pháp này chẳng những nhanh chóng làm sạch bảng cân đối tài sản, qua đó tăng thanh khoản, tăng khả năng cho vay của các TCTD, mà còn giúp các TCTD rảnh tay hơn để tập trung vào hoạt động kinh doanh. Thậm chí, các TCTD còn có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để cầm cố vay tái cấp vốn của NHNN với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.

Tuy nhiên, với giải pháp này, TCTD không nhận được “tiền tươi” mà chỉ nhận được trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Hơn nữa, TCTD vẫn phải “có trách nhiệm” với khoản nợ xấu đã bán và phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho trái phiếu đặc biệt, mục đích là để sử dụng quỹ dự phòng này xử lý khoản nợ xấu, nếu sau 5 năm VAMC vẫn chưa xử lý được.

Hai là, mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Giải pháp này sẽ giúp các TCTD xử lý dứt điểm đối với khoản nợ xấu và TCTD sẽ có ngay một khoản tiền mặt từ món nợ xấu đã bán. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là định giá nợ xấu, định giá tài sản đảm bảo, nhất là khi Việt Nam chưa hình thành thị trường mua bán nợ. Việc chưa có thị trường mua bán nợ cũng sẽ gây nhiều trở ngại khi VAMC muốn bán lại những khoản nợ xấu đã mua.

 

Vậy theo ông, trước mắt VAMC sẽ tập trung mua nợ xấu theo phương thức nào?

Như tôi đã nói ở trên, do chưa có thị trường mua bán nợ, cộng với năng lực tài chính hiện thời rất khó để VAMC thực hiện việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Bởi vậy, trong ngắn hạn, VAMC sẽ chủ yếu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Trên thực tế, vừa qua, VAMC cũng chỉ dùng cách này để mua nợ xấu của 4 ngân hàng là Agribank, SHB, SCB và GPBank.

 

Quay trở lại câu chuyện thị trường mua - bán nợ. Theo ông, để hình thành thị trường này, cần những yếu tố gì?

Muốn có thị trường mua - bán nợ thì phải có người mua, người bán; phải có khuôn khổ pháp lý tốt cho thị trường hoạt động. Đặc biệt, muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này thì khuôn khổ pháp lý cũng phải tạo thuận lợi cho họ, đặc biệt là vấn đề trần tỷ lệ sở hữu tại các DN, nhất là các ngân hàng; việc sở hữu tài sản tại Việt Nam, đặc biệt là bất động sản...

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nền kinh tế sẽ bị thiệt khi bán nợ xấu cho NĐT nước ngoài, bởi họ sẽ mua rẻ để rồi sau đó bán lại với giá cao hơn?

Việc xử lý nợ xấu chắc chắn phải có tổn phí và kinh nghiệm các nước cho thấy, phải xử lý nhanh nợ xấu bởi càng để lâu, mức độ thiệt hại càng lớn. Giá hiện nay có thể thấp một chút và sau này có thể cao hơn một chút có thể tạm gọi là chi phí nhưng tổng thể mang lại lợi ích. Hơn nữa, Việt Nam là nền kinh tế mở cửa thì phải chấp nhận cuộc chơi. Tất nhiên, trong cuộc chơi này, nếu khéo thì sẽ giảm thiểu được thiệt hại.

 

Vậy ông đánh giá thế nào về hoạt động của VAMC thời gian qua?

Con số nợ xấu được mua bán trong tháng này, chưa đến 10.000 tỷ đồng, không phải là lớn, nhưng đó là tín hiệu tích cực về việc VAMC đã bắt đầu hoạt động, thị trường khởi động. Cùng với đó là sự quan tâm của các NĐT nước ngoài và khung khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ cũng góp phần tích cực cho thị trường này cũng như việc tiếp cận, khơi thông tín dụng cho DN, tạo sự lành mạnh cho hệ thống ngân hàng.

 

Hiện nhiều TCTD vẫn có biểu hiện che giấu nợ xấu. Vậy làm sao xử lý được?

Một là, không ai biết hết bệnh của mình 100%, nhưng cũng không có nghĩa là phải chờ đến biết 100% rồi mới chữa. Hai là, những khoản nợ xấu lớn hoặc có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xử lý nợ xấu thì ít nhiều chúng ta đã nắm được nên có cách xử lý.

 

Ông có cho rằng tiến trình xử lý nợ xấu vẫn đang chậm?

Xử lý nợ xấu là vấn đề căn bản của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, còn nhiều vấn đề khác. Thời gian nhiều khi quan trọng hơn tiền bạc. Quá trình xử lý nợ xấu nhìn về nhận thức thì có chậm và quá trình làm cũng có chậm, thể hiện qua sự ra đời và vận hành của VAMC và gắn với nó là những điều kiện để VAMC hoạt động tích cực hơn. Nhưng chậm không có nghĩa là quá muộn.