Không giải quyết được bài toán năng lực công nghệ sẽ nằm ở bẫy thu nhập trung bình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM tại Hội nghị "Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới", do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây.

Theo ông Thi, nhà đầu tư chiến lược ở thời điểm hiện tại, phải là những tập đoàn, doanh nghiệp có thể giúp TP.HCM nâng cao năng lực công nghệ và xây dựng được hệ sinh thái doanh nghiệp.

Số liệu đưa ra tại hội nghị cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, FDI vào Việt Nam đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024 được kỳ vọng sẽ là năm “đột phá” trong thu hút đầu tư nước ngoài, hồi phục sản xuất và xuất khẩu. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.

TP.HCM hiện dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với 12.520 dự án, vốn đăng ký là 57,64 tỷ USD. Riêng trong năm 2023, TP.HCM đã thu hút được 5,85 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022; vốn thực hiện ước tính 36.261,5 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2024, TPHCM dẫn đầu cả nước về số dự án mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM tại Hội nghị "Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới"

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM tại Hội nghị "Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới"

Theo Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, để thực hiện mục tiêu phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ thì chúng ta phải phát triển được nền công nghiệp độc lập tự chủ, phải phát triển được các nhà công nghiệp trong nước. Nếu nhìn vào chính sách phát triển công nghiệp của các nước thấy họ đầu tư rất căn bản vào năng lượng và sự hiện diện của các khu công nghệ cao quốc gia với vai trò nâng cao năng lực công nghệ. Các khu công nghệ cao quốc gia không phải là khu chế xuất, khu công nghiệp, mà vai trò của nó là dẫn dắt phát triển khoa học công nghệ. Mà muốn phát triển lĩnh vực này phải nguồn lực con người. Chúng ta muốn cạnh tranh với các nước trong khu vực thì phải có chính sách thuế thu nhập cá nhân rất là cạnh tranh bên cạnh các ưu đãi khác....

“Nếu chúng ta không giải quyết được bài toán năng lực công nghệ thì chúng ta sẽ nằm ở bẫy thu nhập trung bình. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đi theo lộ trình của TP.HCM, phát triển các khu công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... và rơi vào bẫy này”, ông Thi nhấn mạnh.

Với vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế cả nước, ông Thi cho rằng, TP.HCM phải làm được hai việc. Thứ nhất là tiên phong về thể chế (phải có thể chế xuất sắc có thể cạnh tranh được với nhiều thị trường chẳng hạn như Dubai, Singapore) nếu không có thể chế đó thì khó có thể phát triển vượt trội được. Trình độ phát triển của các vùng khác nhau nên thể chế phải khác nhau.

Thứ hai là phải thu hút được các nhà đầu tư chiến lược (là nhà đầu tư phải giúp chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài là phương tiện để chúng ta phát triển được mục tiêu phát triển năng lực công nghiệp trong nước; và lôi kéo được các nhà đầu tư nằm trong chuỗi cung ứng).

Ông Thi cũng chia sẻ, năm 2023, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan (Công ty BESI) đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, tổng vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương hơn 4,9 triệu USD), dự kiến đi vào hoạt động quý 1/2025.

Việc thu hút Công ty BESI trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn sẽ mang lại những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong thời gian tới. Bình luận về chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, trung tâm của vấn đề này phát triển công nghiệp chế tạo cụ thể tập trung phát triển vi mạch bán dẫn-ngành công nghiệp chiến lược, số hóa càng phát triển thì vai trò của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn càng quan trọng hơn bao giờ hết.

“Để thu hút được các nguồn vốn chất lượng chúng ta phải có hành lang pháp lý cụ thể và thể chế rõ ràng. Không chỉ nói hay mà phải hành động nhanh quyết liệt. Khi có một thể chế xuất sắc sẽ giúp kinh tế TP.HCM cạnh tranh được với các thành phố lớn khác của thế giới”, ông Thi nhấn mạnh.

Tin bài liên quan