Không làm biên bản ĐHCĐ có vi phạm pháp luật?

Với tư cách là cổ đông của công ty A, tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2008 của công ty này vào ngày 8/5/2009. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp, tôi không thấy công ty lập biên bản họp ĐHCĐ để cổ đông có thể biết được nội dung cuối cùng của cuộc họp là gì. Xin hỏi, việc không làm biên bản như vậy có đúng luật không? Nếu không, pháp luật xử lý việc này thế nào? Nguyễn Danh Đức, Tây Hồ, Hà Nội.

  Trả lời:

Theo Điều 106, Luật Doanh nghiệp:

1. Cuộc họp ĐHCĐ phải được ghi vào sổ biên bản của công ty. Biên bản phải lập bằng tiếng Việt, có thể cả bằng tiếng nước ngoài và phải có những nội dung sau đây: a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh; b) Thời gian và địa điểm họp ĐHCĐ; c) Chương trình và nội dung cuộc họp; d) Chủ tọa và thư ký; đ) Tóm tắt diễn biến cuộc họp và các ý kiến phát biểu tại ĐHCĐ về từng vấn đề trong nội dung chương trình họp; g) Số cổ đông và tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp, phụ lục danh sách đăng ký cổ đông, đại diện cổ đông dự họp với số cổ phần và số phiếu bầu tương ứng; h) Tổng số phiếu biểu quyết đối với từng vấn đề biểu quyết, trong đó ghi rõ tổng số phiếu tán thành, không tán thành và không có ý kiến; tỷ lệ tương ứng trên tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp; i) Các quyết định đã được thông qua; k) Họ, tên, chữ ký của chủ tọa và thư ký.

2. Biên bản họp ĐHCĐ phải làm xong và thông qua trước khi bế mạc cuộc họp.

3. Chủ tọa và thư ký cuộc họp phải liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung biên bản.

Biên bản họp ĐHCĐ phải được gửi đến tất cả cổ đông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bế mạc cuộc họp.

Như vậy, việc công ty A không lập biên bản họp ĐHCĐ trước khi bế mạc cuộc họp là vi phạm Điều 106 nêu trên.

Hậu quả pháp lý có thể xảy ra là căn cứ Điều 107, Luật Doanh nghiệp 2005: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp ĐHCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHCĐ, cổ đông, thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc, ban kiểm soát có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, huỷ bỏ quyết định của ĐHCĐ trong những trường hợp sau đây:

1. Trình tự và thủ tục triệu tập họp ĐHCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và điều lệ công ty.

2. Trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty.