Không miễn 1.400 tỷ đồng quyền khai thác nước

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến với việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020.
Khoảng 4.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh cá thể chịu tác động trực tiếp nếu không được miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Khoảng 4.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh cá thể chịu tác động trực tiếp nếu không được miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Thường vụ Quốc hội không đồng ý, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra không ít bất cập trong đề xuất miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020.

Chưa đầy đủ căn cứ

Trước khi bế mạc Phiên họp thứ 48 cuối tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến với việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, việc xây dựng Nghị quyết là hết sức cần thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khoảng 4.000 tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Chính sách này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.400 tỷ đồng

Chịu trách nhiệm thẩm tra chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, chưa đảm bảo có đầy đủ căn cứ để ban hành chính sách như Chính phủ trình, vì các doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 đã được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội; người dân gặp khó khăn cũng đã được hỗ trợ theo các nghị quyết của Quốc hội.

“Chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng là chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, về đối tượng hỗ trợ, đã có phần trùng lặp với các chính sách trước đó của Đảng và Nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra còn chỉ ra, đề nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 3 nhóm đối tượng như Tờ trình là quá rộng, dàn trải.

Trong khi đó, Tờ trình cũng như Báo cáo Đánh giá tác động của Chính phủ không có số liệu cho thấy sự khó khăn trong sản xuất; tăng/giảm sản lượng sản xuất của các đối tượng; sự thua lỗ trong kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước trong đại dịch Covid 19 và không làm rõ số dự kiến nộp ngân sách từ các đối tượng sử dụng tài nguyên nước trong năm 2020.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần báo cáo cụ thể số thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tình hình sản xuất, kinh doanh của từng nhóm đối tượng, theo đó phân định các đối tượng thực sự khó khăn cần được hỗ trợ nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ của Nhà nước đúng đối tượng, không dàn trải và tránh trục lợi chính sách.

Cần công bằng, bình đẳng

Tham gia thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 cùng Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch, giáo dục - đào tạo… cũng bị ảnh hưởng lớn, trực tiếp bởi đại dịch Covid-19.

Vì thế, có rất nhiều vấn đề, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, là cần phải làm rõ. Chẳng hạn, sau dự thảo nghị quyết này, Chính phủ có dự kiến trình Quốc hội nghị quyết giải quyết khó khăn cho các lĩnh vực khác không? Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có những khó khăn gì? Việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có đặt ra việc miễn/giảm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không?...

Băn khoăn lớn của Ủy ban Kinh tế còn nằm ở chỗ, trong bối cảnh ngân sách hết sức khó khăn, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, vì lý do Chính phủ chậm ban hành Nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết số 101/2019/QH14, trong đó có chính sách không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước từ ngày 1/1/2013 đến hết 31/8/2017.

Với việc không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo nghị quyết này, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên nước để sản xuất, kinh doanh đã được lợi khoảng 2.212 tỷ đồng. Nay, Chính phủ tiếp tục đề xuất ban hành Nghị quyết về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020, ngân sách tiếp tục giảm thu khoảng 1.400 tỷ đồng.

Việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước không chỉ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách trung ương, mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách địa phương, nhất là trong điều kiện ngân sách trung ương và địa phương cần nhiều khoản chi cho phòng, chống dịch bệnh và những vấn đề liên quan. Theo Ủy ban Kinh tế, việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nếu không được xem xét tổng thể, cũng có thể tạo sự không công bằng, bình đẳng đối với người tiêu dùng cuối cùng và giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vì giá điện không giảm và giá thành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng không giảm.

Điều hành phiên thảo luận, sau khi nghe Báo cáo thẩm tra, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, năm nay, thu ngân sách rất khó khăn, vì thế, ban hành chính sách làm giảm thu 1.400 tỷ đồng sẽ càng tăng thêm khó khăn cho ngân sách. Vì thế, chính sách không tác động trực tiếp đến người dân, thì cần cân nhắc thật kỹ.

Không có thêm ý kiến nào khác từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận: “Thời điểm này, chưa tính đến miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như Chính phủ trình”.

Nếu không được miễn, doanh nghiệp chịu tác động thế nào?

Báo cáo Đánh giá tác động chính sách tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy, nếu không miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như đề xuất, thì có khoảng 4.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là hộ kinh doanh cá thể chịu tác động tiêu cực trực tiếp.

Số tiền các đối tượng chịu tác động này phải nộp là từ 0,15 triệu đồng (Công ty TNHH Thái Việt Agri Group ở tỉnh Quảng Nam) đến 116.334 triệu đồng (Công ty Thủy điện Sơn La ở tỉnh Sơn La).

Tin bài liên quan