Không nên quản lý quá chặt hoạt động kinh doanh vàng nữ trang

Không nên quản lý quá chặt hoạt động kinh doanh vàng nữ trang

(ĐTCK-online) Trao đổi với Báo ĐTCK, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Dự thảo quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được NHNN đưa ra phù hợp với chủ trương trong Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong đó, hoạt động kinh doanh vàng nữ trang lại bị kiểm soát quá ngặt nghèo và không cần thiết.

Dự thảo quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được NHNN đưa ra, ông đánh giá thế nào về Dự thảo này?

Theo tôi, quy định đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng được đưa ra trong Dự thảo Nghị định lần cuối để lấy ý kiến tuy chưa nêu được các tiêu chí cụ thể, song đã phần nào giải tỏa được tâm lý của người dân cũng như thị trường. Theo đó, quyền được nắm giữ cũng như mua và bán vàng miếng của người dân đã được khẳng định khi Dự thảo quy định: NHNN sẽ cấp phép cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng miếng nếu đáp ứng đủ điều kiện, thay vì chỉ cho phép bán, nhưng không được mua như thông tin đưa ra trước đó. Nhưng ngược lại, các quy định đối với hoạt động kinh doanh nữ trang lại quá ngặt nghèo và khắt khe, không cần thiết.

 

Cụ thể tính hạn chế đối với hoạt kinh doanh vàng nữ trang là như thế nào và Hiệp hội đã có kiến nghị gì lên NHNN, thưa ông?

Trong Dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng thì hoạt động kinh doanh vàng nữ trang được đưa vào ngành nghề có điều kiện. Tổ chức, cá nhân muốn tham gia phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Như vậy, nếu theo tinh thần Dự thảo này, một sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải có 5 giấy phép hoặc chứng nhận gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, gia công; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; giấy phép xuất khẩu sản phẩm và giấy phép nhập khẩu nguyên liệu. Như thế, sẽ rất phức tạp, hạn chế sự phát triển của ngành, trong khi không cần thiết phải có.

Vì thế, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị về vấn đề này lên NHNN trong ngày 22/6. Ngành kim hoàn, nữ trang mỹ nghệ ở Việt Nam cần được tạo điều kiện để phát triển, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động. Mặt khác, vàng nữ trang thuộc hàng hóa do Bộ Công thương quản lý không đưa vào hoạt động kinh doanh có điều kiện.

 

Theo ông, liệu quy định mới đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng đưa ra trong Dự thảo lần này nếu được áp dụng sẽ có tác động tích cực lên thị trường vàng nội địa?

Sau khi Dự thảo được công bố, thị trường vàng cũng chưa có nhiều biến động. Tuy nhiên, các quy định đối với kinh doanh vàng miếng không còn quá khắt khe như thông tin đưa ra trước đây. Điều đó chắc chắn sẽ giải tỏa được tâm lý lo ngại của thị trường. Thông tin tích cực về việc lưu trữ vàng miếng được thể hiện qua bản Dự thảo cuối cùng hỗ trợ giá vàng trong nước khó giảm sâu nếu như thế giới không có những phiên điều chỉnh giảm mạnh. Nhu cầu về vàng của nhà đầu tư và người dân sẽ tăng trở lại.