Kịch bản "Star Trek" cho thị trường năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong nhiều năm, thị trường tài chính đã hoạt động giống như bộ phim khoa học viễn tưởng Star Trek: thực hiện sứ mệnh “mạnh dạn đi đến nơi chưa có người nào đi tới”, vươn tới những đỉnh cao mới và tìm kiếm những phương tiện mới để đầu cơ.
Kịch bản "Star Trek" cho thị trường năm 2023

Năm 2022 là một lời nhắc nhở rằng, giống như dàn diễn viên của loạt phim khoa học viễn tưởng Star Trek, các nhiệm vụ có thể có thương vong. Trong trường hợp này, “những người mặc áo đỏ” - những nhân vật bổ sung không may mắn được gửi xuống để đối mặt với nguy hiểm cùng với Thuyền trưởng James T. Kirk và Spock để rồi bị tàn sát bởi con quái vật trong tập phim đó - là tiền điện tử khi phải trải qua một cuộc khủng hoảng mà đỉnh điểm là sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX.

Nhưng các tài sản thông thường hơn cũng có vấn đề của chúng, chỉ số S&P 500 đã giảm 16% và chỉ số MSCI Emerging Markets (thị trường mới nổi) đã giảm 23% tính tới thời điểm hiện tại trong năm nay.

Nguyên nhân cho những trở ngại này đã được thể hiện rõ ràng và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đầu tiên là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn thị trường năng lượng và gây thêm cú sốc cung cho áp lực lạm phát hiện có. Điều này làm trầm trọng thêm yếu tố thứ hai là cuộc đấu tranh của các ngân hàng trung ương trong việc thiết lập chính sách tiền tệ phù hợp trước sự kết hợp của giá cả tăng cao và nhu cầu người tiêu dùng suy yếu. Các thị trường tài chính đã dành cả năm để tranh luận về việc liệu các ngân hàng trung ương sẽ làm rất ít để kiềm chế lạm phát hay làm quá nhiều để khiến nền kinh tế sụp đổ.

Trong khi đó, với mức độ nợ được xây dựng trên toàn bộ nền kinh tế phát triển, liệu có giới hạn nào đối với mức độ thắt chặt tiền tệ không? Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, những nỗ lực đưa lãi suất trở lại mức được xem là “bình thường” vào cuối thế kỷ 20 đã gặp thách thức bởi sự chao đảo của thị trường.

Do đó, nỗi sợ hãi về sự mong manh của hệ thống tài chính là nguồn hy vọng tốt nhất cho những người đầu cơ giá lên. Đó là lý do tại sao các thị trường đang tuyệt vọng trước bất kỳ dấu hiệu nào về một cuộc xoay trục của Fed. Trục xoay đó không cần liên quan đến quyết định cắt giảm lãi suất của Fed, mà chỉ đơn giản là một dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng lãi suất đã chậm lại. Vào thời điểm nguy hiểm nhất, các thị trường sẽ được giải cứu giống như những phi hành đoàn sẽ “dịch chuyển tức thời” lên con tàu của họ khi đối mặt với cuộc tấn công của kẻ xấu.

Vì vậy, đã có rất nhiều sự lạc quan trong tuần này khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức cuộc họp ấn định lãi suất mới nhất. Xét cho cùng, lạm phát đã giảm trong tháng 11 xuống còn 7,1% và là mức thấp nhất trong năm nay. Fed đã làm chậm tốc độ tăng lãi suất sau bốn lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn chưa sẵn sàng để giải cứu thị trường. Fed cho biết, cần thấy “bằng chứng rõ ràng hơn” rằng lạm phát đang giảm bớt trước khi nới lỏng hệ thống phanh tiền tệ. Dự báo của Fed là lãi suất cao hơn, lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm hơn so với dự báo trước đó.

Trong một chu kỳ bình thường, lãi suất sẽ tăng khi nền kinh tế bùng nổ, nhưng thị trường chứng khoán vẫn có thể thịnh vượng vì dự báo lợi nhuận đang được điều chỉnh cao hơn.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, đã có một sự kết hợp kém lành mạnh hơn. Tăng trưởng kinh tế gây thất vọng ở các nước phát triển nhưng điều đó không kìm hãm được các tài sản rủi ro,cổ phiếu, trái phiếu lãi suất cao và bất động sản đều phát triển mạnh mẽ. Điều này có thực sự tốt không? Lãi suất ngắn hạn cực thấp có thể giúp các doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn, nhưng có thể dẫn đến sự tồn tại của quá nhiều “công ty zombie” và do đó ngăn chặn "sự hủy diệt mang tính sáng tạo” cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế và thúc đẩy năng suất.

Một thế giới trong đó các nền kinh tế trì trệ trong khi thị trường tài chính bùng nổ sẽ vô cùng phi logic. Tuy nhiên, rất có thể vào năm 2023, mô hình đó lại sẽ tiếp tục. Tất cả những gì thị trường tài chính đang muốn là lãi suất thấp hơn, trong khi nền kinh tế mạnh hơn là không thực sự cần thiết.

Để thay đổi kịch bản kinh tế suy giảm mà thị trường chứng khoán tăng, một trong ba điều cần phải xảy ra:

Đầu tiên là để lạm phát trở nên cố hữu (duy trì lạm phát cao dai dẳng) ở các nền kinh tế phát triển như đã xảy ra trong những năm 1970. Theo đó, sự kết hợp giữa già hóa dân số và kiểm soát nhập cư có thể dẫn đến vòng xoáy tăng lương. Điều đó sẽ ăn vào lợi nhuận của công ty và do đó định giá lại thị trường chứng khoán.

Khả năng thứ hai sẽ là sự kết hợp của chi phí năng lượng cao và việc thắt chặt tiền tệ khiến thị trường cũng như nền kinh tế đi xuống. Một lần nữa, điều này có thể xảy ra như đã xảy ra vào đầu những năm 1980.

Khả năng thứ ba sẽ lành mạnh hơn nhiều. Bằng cách nào đó, các nền kinh tế phát triển có thể tìm thấy những cải thiện năng suất có thể mang lại tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và mức sống cao hơn cho mọi người. Sự kết hợp như vậy cũng tốt cho thị trường tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp không có đột phá công nghệ tuyệt vời nào đó, đây có vẻ là kết quả ít có khả năng xảy ra nhất trong cả ba.

Trong một thế giới lý tưởng, cả thị trường và nền kinh tế toàn cầu đều có thể sống lâu và thịnh vượng. Nhưng thường trong thế giới thực, chỉ những người trong thị trường tài chính mới làm ăn phát đạt.

Tin bài liên quan