Kích cầu không thể bằng bơm tiền ào ạt

Kích cầu không thể bằng bơm tiền ào ạt

(ĐTCK) “Cái khó lớn nhất của nền kinh tế hiện tại là tổng cầu quá yếu..., nhưng cũng không thể bơm tiền ào ạt, dễ khiến CPI tăng cao trở lại”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay tại buổi họp báo Chính phủ chiều 30/7.

Mối lo cầu yếu

Trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, bài toán đặt ra là làm thế nào để cải thiện tình trạng này, nhưng đồng thời giảm thiểu tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Để tìm lời giải cho điểm nghẽn lớn nhất hiện tại của nền kinh tế, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, khi hiến kế điều hành kinh tế cho Chính phủ trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị Chính phủ nên ưu tiên kích cầu đầu tư, tiêu dùng... Đồng tình với đề xuất này, nhưng Chính phủ thận trọng trong triển khai các giải pháp kích cầu, nhất là trong bối cảnh CPI vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ cần lơ là trong điều hành là CPI tăng cao trở lại, tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô.

Kích cầu không thể bằng bơm tiền ào ạt ảnh 1

“Trong định hướng điều hành của Chính phủ, không thể vội vã bơm tiền ào ạt để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bởi dễ khiến CPI tăng cao. Điều quan trọng nhất là giữ ổn định vĩ mô, để cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, sẽ tạo nền tảng tăng trưởng bền vững, lành mạnh trong dài hạn...”, ông Đam nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, Chính phủ đang nỗ lực điều hành kinh tế vĩ mô bám sát theo các mục tiêu mang tính dài hạn trong 3 năm tới, chứ không hy sinh mục tiêu ổn định vĩ mô để chạy theo tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Theo đó, cố gắng 2-3 năm tới, CPI được kiềm chế khoảng 7%/năm, tăng trưởng GDP nhích dần qua từng năm.

 

Nguy cơ “Phát triển làng nhàng”

“Việt Nam sẽ chỉ phát triển làng nhàng như hiện tại và dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nếu không quyết liệt và không thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế...”, ông Đam nhìn nhận và cho rằng, để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô trong dài hạn, trong phiên họp này, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến việc dồn sức thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm chuyển trọng tâm tăng trưởng sang chiều sâu.

Tuy nhiên, cái vướng nhất của tái cơ cấu nền kinh tế là Việt Nam có xuất phát điểm thấp. Quá trình đổi mới đi từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nguồn lực có hạn, trong khi những yêu cầu tái cơ cấu đặt ra phải ngang tầm với đòi hòi của thực tiễn, cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để không bị tụt hậu xa hơn, nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

Với tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ nhận thấy thời gian đầu đã tích cực trong xử lý các ngân hàng yếu kém, nhưng gần đây các giải pháp thực hiện tiếp theo chưa sắc nét, có phần chậm lại. Bởi vậy, Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành triển khai tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng quyết liệt hơn, theo hướng đảm bảo hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh hơn. Từng bước hình thành các tổ chức tín dụng có quy mô đủ sức cạnh tranh ở tầm khu vực.

Theo Người phát ngôn của Chính phủ, việc tái cơ cấu đầu tư công bắt đầu có chuyển biến tích cực, khi kế hoạch phân bổ ngân sách đầu tư được chuyển từ hàng năm sang trung hạn. Cùng với vốn đầu tư từ ngân sách giảm dần, các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang từng bước được hoàn thiện. Với bước chuyển này, số vốn ngân sách dành bố trí làm vốn đối ứng cho các dự án ODA, cũng như vốn mồi cho các dự án đầu tư hạ tầng sẽ dần tăng lên.     

Theo đánh giá của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn khó khăn, phục hồi chậm; nợ xấu tuy giảm nhưng còn cao. Mặc dù vậy, bức tranh DN bớt ảm đạm hơn khi tính đến tháng 7/2013, khi số DN đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây: 5 tháng đầu năm nay tăng 4,8%, 6 tháng tăng 7,6% và 7 tháng tăng 8,4%. Tốc độ tăng số DN ngừng hoạt động có xu hướng giảm dần: 4 tháng tăng 16,9%, 5 tháng tăng 13%, 6 tháng tăng 12,3% và 7 tháng tăng 11,1%. Số DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động tăng qua từng tháng: 4 tháng là khoảng 8.300, 5 tháng: 8.800, 6 tháng: 9.300 và 7 tháng khoảng 10.000 DN.

 

Gần đây, mức tồn kho tiếp tục giảm. Chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/7 ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức 9,7% tại thời điểm 1/6/2013. Tuy nhiên, việc tiêu thụ một số mặt hàng như lúa gạo, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá và sức mua giảm.