Kích hoạt cuộc đua đấu thầu dự án trạm dừng nghỉ

0:00 / 0:00
0:00
Đã có thêm những thông số quan trọng để nhà đầu tư quyết định xuống tiền tham gia đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Phối cảnh một dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Phối cảnh một dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Xã hội hoá đầu tư

Theo thông tin của Báo Đầu tư, tính đến giữa tháng 12/2023, Cục Đường cao tốc Việt Nam - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền - đã phê duyệt các nội dung trong Danh mục Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ tại 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 7 cặp trạm dừng nghỉ.

Đây là các trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Phan Thiết - Dầu Giây (mỗi dự án 1 cặp trạm) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (2 cặp trạm).

Được biết, các quyết định của Cục Đường cao tốc Việt Nam đã giúp các nhà đầu tư tiềm năng có thêm những thông tin quan trọng liên quan đến phương thức tổ chức triển khai các dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, bao gồm: quy mô đầu tư dự kiến; sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án; thời hạn và tiến độ đầu tư; thời gian khai thác dự án; hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án; dự kiến nhu cầu sử dụng đất; phương án giải phóng mặt bằng và sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; yêu cầu sơ bộ về năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Cục Đường cao tốc Việt Nam đã công bố đầy đủ hồ sơ danh mục và thư mời quan tâm đối với các dự án trạm dừng nghỉ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư gửi hồ sơ quan tâm trước ngày 11/1/2024.

“Nếu mỗi dự án chỉ có một đơn vị quan tâm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện chỉ định nhà đầu tư. Trường hợp có từ 2 đơn vị trở lên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành phê duyệt kế hoạch đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư”, ông Nguyễn Quang Giang, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã quyết định một số nội dung trong danh mục của 6 dự án đầu tư dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 7 cặp trạm dừng nghỉ được bố trí đối xứng.

Cụ thể, Bộ GTVT quy định, vốn thực hiện các dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa đầu tư bằng 100% vốn của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư.

Phần vốn từ Nhà nước đã chi trả trong giai đoạn chuẩn bị dự án như giải phòng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí tổ chức mời thầu... sẽ được nhà đầu tư hoàn trả theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT ngày 7/3/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc hướng dẫn lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.

So với Quyết định số 938/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2023 của Bộ GTVT về việc phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, diện tích của 7 cặp trạm dừng nghỉ vừa được phê duyệt danh mục đầu tư lớn gấp 1,5 - 2 lần, trong đó có 4 cặp trạm có diện tích khu đất xây dựng công trình lên tới 50.000 m2.

Có 3 hạng mục xây dựng dự kiến tại trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam mà nhà đầu tư trúng thầu bắt buộc phải đầu tư xây dựng.

Cụ thể, nhóm công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) gồm: bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.

Nhóm công trình dịch vụ thương mại gồm: khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; nhà hàng ăn uống; khu vui chơi, giải trí; khu vui chơi dành riêng cho trẻ em; các công trình phụ trợ; các dịch vụ thiết yếu khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhóm công trình bổ trợ gồm: biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ; nơi sản xuất, chế biến đặc sản của địa phương; nơi sinh hoạt cộng đồng (tổ chức hội chợ, hoạt động văn hóa); công trình bổ trợ thuộc hạng mục khuyến khích đầu tư.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam, các nhóm công trình tại các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói trên là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cần cân nhắc xem xét phân kỳ đầu tư cho phù hợp với nhu cầu trước mắt của người tham gia giao thông, tránh lãng phí đầu tư.

“Bên cạnh đó, trạm dừng nghỉ cũng cần tôn trọng những sáng tạo, đề xuất của nhà đầu tư về thiết kế, quy mô trạm. Những đoạn cao tốc địa hình đẹp, trạm dừng nghỉ cần là nơi ngắm cảnh, giới thiệu sản phẩm địa phương, quảng bá du lịch", ông Trần Chủng đề xuất.

Rộng cửa tham gia

Được biết, trong số các thông tin được công bố trong danh mục các dự án đầu tư và vận hành các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông, yêu cầu sơ bộ về năng lực tài chính, kinh nghiệm được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Theo thông tin vừa được công bố, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư hoặc liên danh nhà đầu tư được đánh giá là đạt yêu cầu nếu vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 30% tổng chi phí thực hiện dự án.

Theo Quyết định số 938/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2023 của Bộ GTVT, trên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 36 trạm dừng nghỉ, gồm 7 trạm đã đưa vào khai thác, 2 trạm đang đầu tư xây dựng và 27 trạm chưa đầu tư xây dựng.

Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh. Đồng thời, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh được đánh giá là không đáp ứng, thì nhà đầu tư liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu.

Đặc biệt, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh. Với quy định này, tổng số thành viên trong một liên danh sẽ không được vượt quá con số 5.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh phải từng kinh doanh hoặc khai thác dịch vụ chuyên ngành đường bộ thuộc dự án đang xét đáp ứng một trong 2 điều kiện: có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 1 đưa vào khai thác; có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 2 hoặc 3 hoặc 4 đưa vào khai thác, nhưng phải bảo đảm trạm dừng nghỉ có khu kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện và trạm cấp nhiên liệu (có tài liệu chứng minh).

Trong trường hợp không đáp ứng 2 tiêu chí nói trên, nhà đầu tư hoặc thành viên trong liên danh nhà đầu tư phải từng kinh doanh, khai thác tối thiểu 2 dịch vụ: xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới hoặc trung tâm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ và trạm cung cấp nhiên liệu xăng, dầu hoặc trạm sạc xe ô tô điện. Đồng thời, có tối thiểu một dịch vụ thuộc 3 dịch vụ: dịch vụ bến, bãi đỗ xe; dịch vụ ăn uống giải khát, bán sản phẩm; dịch vụ lưu trú.

Theo Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, mặc dù ở giai đoạn đăng tải danh mục trạm dừng nghỉ mới chỉ yêu cầu sơ bộ về năng lực, nhưng nội dung này sẽ là khung cứng để thực hiện trong bước lập hồ sơ mời thầu (hoặc hồ sơ yêu cầu) ở giai đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong khi đó, các nhà đầu tư kinh doanh trạm dừng nghỉ đã được công bố đưa vào sử dụng hiện nay không nhiều, để có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm và tham gia đấu thầu, thì việc đưa ra thêm các lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến các công trình dịch vụ đường bộ để mời thầu là phù hợp.

Cần phải nói thêm, ngay từ khi Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông bắt đầu được khởi công, Bộ GTVT đã nhận được đề xuất đầu tư các trạm dừng nghỉ của nhiều doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm đầu tư vận hành đường cao tốc như Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Xây dựng Phương Thành; Công ty Điện máy xăng dầu Trần Phú… Giữa tháng 4/2023, Tập đoàn Đèo Cả thậm chí đã ký hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dầu Việt Nam, bắt tay nghiên cứu đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, trong đó ưu tiên các tuyến do doanh nghiệp này đầu tư theo hình thức PPP.

Hiện tại, trong số các doanh nghiệp đã đệ đơn xin tham gia đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đáng lưu ý là đề xuất thành lập chuỗi tổ hợp trạm dừng nghỉ đa chức năng rất hiện đại của một liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc.

“Trong trường hợp được Bộ GTVT lựa chọn, chúng tôi cam kết sẽ xây dựng các trạm dừng nghỉ hiện đại, đa chức năng, có kiến trúc tiêu biểu cho từng địa phương nơi đặt trạm”, một thành viên trong liên danh này cho biết.

Tin bài liên quan