Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Kích hoạt dòng tiền bắt đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đợt điều chỉnh vừa qua của thị trường không sâu như một số ý kiến lo ngại khi dòng tiền “bắt đáy” nhanh chóng nhập cuộc.

Dòng tiền “rình rập”

Trong tháng 7/2021, dòng tiền trên thị trường chứng khoán suy giảm rõ nét khi VN-Index giảm từ mức đỉnh trên 1.420 điểm xuống 1.243,5 điểm vào ngày 19/7, tương đương hơn 12%. Từ đó đến nay, chỉ số tăng giảm đan xen, đóng cửa cuối tuần qua tại 1.310 điểm.

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, trong ngắn hạn, rủi ro điều chỉnh của thị trường vẫn hiện hữu, chừng nào dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, nhưng không có nghĩa thị trường không còn cơ hội đầu tư khi giá không ít cổ phiếu đã giảm xuống mức hấp dẫn nên thu hút dòng tiền mua vào nhằm “bắt đáy”.

Giá không ít cổ phiếu đã giảm xuống mức hấp dẫn nên thu hút dòng tiền mua vào nhằm “bắt đáy”.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, các yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại vẫn là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất thấp và chưa có nhiều kênh đầu tư với lợi suất kỳ vọng hấp dẫn hơn kênh chứng khoán ở thời điểm hiện tại.

Do đó, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn “rình rập” tìm kiếm cơ hội mua các cổ phiếu tốt mỗi khi giá có sự chiết khấu đáng kể không phải là điều bất ngờ, ngay cả khi dịch bệnh bùng phát trở lại và có diễn biến ngày càng phức tạp.

“Trong nửa đầu năm 2021, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng hơn 80% trên tổng khối lượng giao dịch. Không nghi ngờ gì khi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đóng một vai trò quan trọng đối với thanh khoản cũng như xu hướng chung trên thị trường”, ông Hoàng nói.

Thực tế, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư được nhìn nhận sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của không ít doanh nghiệp và thị trường chứng khoán khó có thể bị tác động trong thời gian tới.

Theo VCBS, các thông tin tiêu cực trong tháng 8 (nếu có) sẽ được phản ánh trên thị trường dưới dạng “cú sốc” ngắn hạn. Mặc dù vậy, thị trường nhìn chung sẽ dần lấy lại được đà hồi phục, một cách từ tốn nhưng vững chắc.

Theo phân tích kỹ thuật, trên góc nhìn sóng Elliott, VN-Index sau khi hoàn thành sóng tăng 5 với đỉnh 1.425 điểm (mức cao nhất trong phiên 2/7) đã bước vào sóng điều chỉnh khi giảm xuống 1.225 điểm (mức thấp nhất trong phiên 20/7), tương ứng với mức giảm 200 điểm (-14%), hiện đang trong sóng hồi phục nhỏ với ngưỡng kháng cự trong vùng 1.300 - 1.325 điểm.

“Dựa vào một số đánh giá kỹ thuật khác cộng với việc các thông tin hỗ trợ dự kiến không còn nhiều, diễn biến thị trường trong tháng 8 nhiều khả năng sẽ tích lũy đi ngang trong vùng rộng từ 1.200 điểm tới 1.325 điểm”, ông Hiển dự báo.

Tháng 8 được coi là vùng trũng thông tin của thị trường khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 của các doanh nghiệp qua đi và thiếu thông tin hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khả quan gần như đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Do vậy, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBS) cho rằng, diễn biến thị trường trong tháng 8 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố vĩ mô với yếu tố trọng yếu mang tính chất chi phối toàn diện là tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng như tốc độ triển khai chương trình tiêm vắc-xin.

KBS nghiêng về kịch bản tích cực với kỳ vọng đỉnh dịch sẽ sớm xuất hiện, số ca nhiễm mới hạ nhiệt và các biện pháp giãn cách được nới lỏng nhờ các động thái kịp thời và mạnh mẽ của Chính phủ. Nếu tình hình dịch được kiểm soát trong tháng 8, mức độ tác động đến vĩ mô và các ngành nghề, lĩnh vực sẽ chưa quá nghiêm trọng.

Nhận diện cơ hội

Tính từ vùng đỉnh thì chỉ số VN-Index cuối tuần qua có mức giảm khoảng 8%, nhưng giá một số nhóm cổ phiếu ghi nhận mức giảm 12 - 15% như ngân hàng, chứng khoán…, bất chấp doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II tích cực.

Điều này cho thấy, những kỳ vọng về lợi nhuận tăng trưởng đã được phản ánh vào giá cổ phiếu từ trước và sẽ không còn nhiều tác động lên diễn biến giá trong thời gian tới.

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Khoa tại Hà Nội đánh giá, triển vọng nửa cuối năm 2021 của ngành ngân hàng nhiều khả năng không thuận lợi như nửa đầu năm do cần cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đó là lý do khiến dòng tiền có xu hướng giảm dần tỷ trọng ở nhóm VN30 (số lượng các mã ngân hàng chiếm 1/3 rổ chỉ số).

Từ nay đến cuối năm, dòng tiền sẽ hướng tới những doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh năm 2021 tăng trưởng và gia tăng thị phần trong ngành, bao gồm cả ngành ngân hàng.

“Một số ngành như cảng biển, logistics, thực phẩm… đang thu hút dòng tiền. Bên cạnh đó, cổ phiếu của những doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm được thị trường chú ý và giá có thể tăng nếu số liệu là tích cực”, ông Khoa nói.

Thực tế, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí là những ngành có số lượng doanh nghiệp niêm yết nhiều trên sàn và thường xuyên thu hút dòng tiền trên thị trường.

Chính vì vậy, khi nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép có xu hướng chững lại sau một giai đoạn tăng mạnh, việc dòng tiền chảy sang các nhóm ngành khác, trong đó có bất động sản là điều dễ hiểu.

Một chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, trong những tháng cuối năm, ngoài các nhóm ngành kể trên thì cổ phiếu logistics, xây dựng, dệt may, thủy sản sẽ là điểm đến của dòng tiền.

Tuy nhiên, cần lưu ý là sự phân hóa của dòng tiền có thể ở mức độ cao trong từng nhóm ngành. Do vậy, nhà đầu tư nên xem xét kỹ yếu tố cơ bản của doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Làn sóng dịch Covid 19 thứ tư đang kéo dài và tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong báo cáo cập nhật vĩ mô gần đây nhất, VCSC đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6,7% xuống 5,5% và sự điều chỉnh giảm của thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 7 đã phần nào bám sát hơn với thực trạng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, xét về triển vọng trung và dài hạn, chúng tôi vẫn thể hiện sự lạc quan với đà tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Theo đó, thị trường chứng khoán giảm điểm giúp nhiều cổ phiếu hấp dẫn hơn về mặt định giá, đối với cả các nhà đầu tư theo chiến lược giá trị.

Chúng tôi cho rằng, dòng tiền đang có xu hướng chờ đợi để nhập cuộc, đối với nhà đầu tư ngắn hạn là các dấu hiệu đảo chiều và đối với các nhà đầu tư dài hạn là những điểm mua theo kế hoạch.

Hiện tại, chúng tôi có hai kịch bản đối với VN-Index trong tháng 8, căn cứ vào những biến động ngắn hạn của chỉ số này. Một là, chỉ số có diễn biến hồi phục trong nửa đầu tháng 8, hướng lên vùng 1.315 - 1.325 điểm hoặc cao hơn. Ngược lại, nếu VN-Index giảm xuống dưới mốc 1.268 điểm, chỉ số có thể sẽ điều chỉnh về vùng quanh 1.200 điểm.

Tin bài liên quan