Cơ hội cho KDC khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực mới là có. Song, con đường ấy rõ ràng không hề bằng phẳng.

Cơ hội cho KDC khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực mới là có. Song, con đường ấy rõ ràng không hề bằng phẳng.

KIDO muốn “ẵm trọn” Vocarimex

KIDO sẽ chào mua công khai cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) trong nửa cuối năm 2016 để nâng mức sở hữu lên ít nhất 51%. Có thể đây sẽ là một mũi tên nhắm nhiều đích trong mục tiêu theo đuổi chiến lược trên thị trường thực phẩm và gia vị vốn không hề bằng phẳng của KIDO.

Đánh mạnh vào thị trường 200.000 tỷ đồng

Quy mô giá trị thị trường hấp dẫn và nhiều dư địa của thị trường thực phẩm và gia vị đã được lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KIDO Corporation – Mã: KDC) đặt mục tiêu phải khai thác và theo đuổi bằng được. Chiến lược của KIDO là trở thành tập đoàn thực phẩm uy tín tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Một trong những động thái nằm trong kế hoạch này là KDC dấn thân vào các thương vụ M&A. Cuối năm 2015, KDC duy trì lượng tiền mặt 3.060 tỷ đồng và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A để mở rộng ngành hàng và danh mục sản phẩm. Sau khi bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International với giá khoảng 370 triệu USD, Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần tập đoàn KIDO. Theo kế hoạch được công bố, KIDO cũng sẽ bán nốt 20% cổ phần còn lại ở mảng bánh kẹo cho đối tác vào cuối năm nay.

Tại ĐHCĐ mới đây, lãnh đạo KDC tiết lộ sẽ nâng mức sở hữu tại Vocarimex từ 24% hiện nay lên ít nhất 51%, nhằm hợp nhất doanh thu, lợi nhuận cũng như chủ động cải thiện hoạt động kinh doanh, cải thiện lợi nhuận và ổn định nguồn nguyên liệu.

Thực ra, ý đồ trở thành công ty mẹ nắm quyền kiểm soát với Vocarimex của KDC đã bộc lộ từ đầu năm 2015, khi Vocarimex hoàn tất bán cổ phần lần đầu (IPO) vào cuối tháng 7/2014. Sau cổ phần hóa, nhà nước chỉ còn nắm giữ 36% cổ phần của Vocarimex, Kinh Đô nắm 24%, 8% thuộc về Công ty Chứng khoán VPBS, còn lại của các cổ đông nhỏ lẻ khác. 

Với thế mạnh về sản xuất, Vocarimex sẽ đảm nhận các khâu từ nguyên liệu, gia công đến đóng chai sản phẩm trong khi KDC tận dụng năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nền tảng phân phối rộng khắp, năng lực tiếp thị, bán hàng, vận chuyển để đưa sản phẩm tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, với kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex, KDC có nhiều cơ hội vươn tới vị trí thống lĩnh trong ngành dầu ăn.

Ngược lại, nhà đầu tư cũng kỳ vọng, KDC sẽ tận dụng được thế mạnh về hệ thống phân phối rộng khắp và quy trình quản lý chuyên nghiệp để phát triển mảng bán lẻ cho Vocarimex. Hiện  các sản phẩm của Vocarimex đều là sản phẩm dầu xá (dầu chưa tinh luyện). Sản phẩm này đang chiếm 94% doanh thu, với tỷ suất lợi nhuận rất thấp, giá trị doanh thu bình quân mỗi năm đạt trên 4.000 tỷ đồng trong 3 năm qua và tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước, cung cấp cho hệ thống 4 công ty con, 4 công ty liên kết, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An.

Trước đó, sự  kiện cổ  phần hóa Vocarimex đã được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tuy nhiên giới phân tích cho rằng, mức độ hấp dẫn của ông trùm ngành dầu ăn này cũng bộc lộ không ít quan ngại. Phải kể tới cơ cấu tổ chức làm hạn chế và chưa phát huy hết lợi thế của hệ thống, các đơn vị trong ngành cạnh tranh gay gắt trong cuộc chiến dành thị phần; phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; tỷ suất sinh lợi thấp và khó có tăng trưởng đột biến…

Đối mặt với cạnh tranh từ ASEAN

Tăng trưởng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng (đặc biệt là thực phẩm và thức uống) chịu ảnh hưởng lớn bởi mức độ chi tiêu, xu hướng và lòng tin của người tiêu dùng về thị trường. Là tên tuổi có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhờ khả năng dự đoán những thay đổi trong xu hướng người tiêu dùng, việc nắm quyền kiểm soát tại Vocarimex sẽ giúp KDC đưa ra những quyết định kinh doanh được cho là nắm bắt tâm lý người tiêu dùng hơn.

Các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh với dầu ngoại nhập (đặc biệt là từ Malaysia) nếu như chỉ dựa chủ yếu vào tinh luyện từ nguyên liệu thô nhập khẩu.

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm sau khi trở thành cổ đông của Vocarimex, KDC đã tung ra thị trường 5 dòng sản phẩm ở các phân khúc tiêu dùng khác nhau như: Dầu chiên bền nhiệt, Dầu nành Oliver dinh dưỡng, Dầu chiên bền nhiệt bổ sung vi chất, Dầu nành dinh dưỡng và dự kiến cuối năm nay sẽ tung thêm hàng loạt sản phẩm mới.

Tuy nhiên, các động thái này cũng chưa để lại nhiều dấu ấn đối với người tiêu dùng, nhất là thị trường phía Bắc. Đó là chưa kể đến những thách thức lớn trong lĩnh vực này.

Hiện, dầu ăn Vocarimex chiếm 89% sản lượng toàn ngành, tổ hợp các công ty con và liên doanh, liên kết của Vocarimex như Cái Lân, Tường An, Tân Bình, Golden Hope đều đứng đầu thị phần trong nước, song thị phần của hàng nhập khẩu đang chiếm đến khoảng 86% thị trường dầu ăn tại Việt Nam.

Đặc biệt, ngành dầu thực vật ở Việt Nam ngày càng khó khăn hơn, như việc thuế nhập khẩu 2 mặt hàng dầu cọ và dầu nành tinh luyện được điều chỉnh giảm từ 5% xuống còn 3% theo Quyết định số 5987/QĐ-BCT ngày 23/8/2013 của Bộ Công thương, dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt, quyết liệt giữa dầu thực vật nhập khẩu và dầu thực vật sản xuất trong nước. Mặt khác sự bất ổn của giá bán trong nước, làm suy giảm lợi nhuận chủ yếu ở phân khúc giá thấp (dầu chai và dầu can).

Mức thuế tự vệ mặt hàng dầu thực vật được áp dụng từ 7/5/2016 - 6/5/2017 là 2% theo quyết định của Bộ Công thương dựa trên đơn kiến nghị của Vocarimex phần nào giảm thiểu mức độ cạnh tranh gay gắt của các đối thủ ngoại tại thị trường trong nước. Nhưng, sau thời gian này, tình trạng cạnh tranh sẽ trở lại, dự báo gay gắt hơn, với phạm vi rộng hơn cả ở trong và ngoài nước. Các đối thủ lớn chủ yếu và trực tiếp đang nhìn thấy là các thương hiệu từ ASEAN.

Trong khu vực ASEAN, hai nước đứng đầu thế giới về sản xuất dầu cọ là Indonesia và Malaysia. Sản lượng dầu cọ của hai nước này gấp khoảng 28 lần so với sản lượng dầu thực vật các loại của Việt Nam, nên sản phẩm dầu thực vật của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt (về chất lượng và giá bán) ở ngay thị trường trong nước cũng như trong khu vực.

Giới phân tích cho rằng, các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh với dầu ngoại nhập (đặc biệt là từ Malaysia) nếu như chỉ dựa chủ yếu vào tinh luyện từ nguyên liệu thô nhập khẩu. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách xây dựng vùng nguyên liệu, đa dạng hoá cơ cấu nguyên liệu, tăng năng suất để hạ giá thành nguyên liệu, tăng tỉ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Hiện, Vocarimex và 8 công ty trong hệ thống đã nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng công suất đối với các nhà máy đang có và xây dựng các nhà máy mới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc đầu tư nhà máy để tăng năng lực sản xuất chỉ giúp Vocarimex phát triển về chiều ngang mà chưa giải quyết được bài toán cốt lõi về nguyên liệu và hệ thống phân phối để tăng tỷ suất lợi nhuận. Ngoài ra, về thị phần, do chỉ có Tường An là công ty con của Vocarimex, còn Cái Lân, Tân Bình và Nhà Bè là công ty liên doanh, liên kết, nên mặc dù các công ty này giữ thị phần lớn, nhưng thị phần này có thể bị chia sẻ bất cứ lúc nào bởi cổ đông chiến lược hay các cổ đông lớn của công ty đó.

Dư địa phát triển đối với ngành dầu ăn là khá cao do mức tiêu thụ dầu ăn bình quân còn thấp. Hiện, tỷ lệ này tại Việt Nam là  khoảng  7kg/người/năm, chỉ tương đương  ½ mức tiêu thụ dầu ăn bình quân  để  đảm bảo sức khỏe (13,5kg/người/năm) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Ngoài ra, theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, dầu thực vật đang chiếm cơ cấu đến 29% trong ngành thực phẩm tiêu dùng, chỉ xếp sau sau mì ăn liền. Điều này cho thấy khả năng tăng trưởng đối với ngành dầu ăn là khá lớn trong tương lai.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 với chủ đề: “M&A trong không gian kinh tế mở” do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra ngày 18/8 tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace (360D Bến Vân Đồn, quận 4, TP. HCM).

Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung tới thị trường M&A, các cơ hội và thách thức trong việc thu hút nguồn vốn mới; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới này; Diễn đàn cũng đưa ra những đánh giá và dự báo về xu hướng M&A trong các lĩnh vực sôi động nhất hiện nay như: Ngân hàng, tài chính, thực phẩm, tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử.

Ngoài Diễn đàn chính, Chương trình kết nối đầu tư sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động M&A của doanh nghiệp và các hoạt động thường niên như Bình chọn thương vụ M&A tiêu biểu, Đặc san toàn cảnh M&A Việt Nam…

Tin bài liên quan