Ba lĩnh vực đang được "tổng tiến công" thắt chặt là tiền tệ, chi tiêu ngân sách và đầu tư công.

Ba lĩnh vực đang được "tổng tiến công" thắt chặt là tiền tệ, chi tiêu ngân sách và đầu tư công.

Kiềm chế lạm phát: Nửa cuối năm nặng nề

(ĐTCK-online) Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp Chính phủ tháng 7 này cho thấy, lạc quan nhất thì chỉ số lạm phát cả năm cũng ở mức 25%. Các cơ quan điều hành chính sách đều nhận thức rõ rằng, nếu chỉ số lạm phát ở mức quá cao sẽ gây khó khăn cho đời sống nhân dân, cũng như ổn định nền kinh tế trong thời gian tới, tuy nhiên nhìn một cách toàn cảnh, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề.

Ngày 17/4/2008, Chính phủ đã ra Quyết định số 390/QĐ-TTg về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách nhà nước năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số lạm phát 6 tháng đầu năm đã ở mức 18,44%; nếu trong 6 tháng cuối năm, mức lạm phát bình quân khoảng 1%/tháng thì mức lạm phát cả năm khoảng 25%; nếu mức bình quân trên 1%/tháng thì lạm phát cả năm sẽ trên 25%. Để kiềm chế lạm phát, 3 lĩnh vực đang được "tổng tiến công" thắt chặt là tiền tệ, chi tiêu ngân sách, đầu tư công đã có những kết quả ban đầu.

Về tiết kiệm chi thường xuyên thuộc ngân sách nhà nước các cấp, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn và quy định cụ thể về mức tiết kiệm 10% với các khoản cần phải giảm chi như xăng dầu, điện nước, hội nghị tổng kết, mua xe ôtô, sửa chữa trụ sở… Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, sẽ tiết kiệm được khoảng 2.700 tỷ đồng, bằng 25% tổng dự phòng ngân sách nhà nước năm 2008. Số tiền này được giữ ở ngân sách các cấp để bổ sung nguồn thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng chống và khắc phục thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Tuy nhiên, việc rà soát các công trình dự án, danh mục dự án cần phải loại bỏ hoặc giãn tiến độ còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu. Tính đến ngày 26/6, mới có 36 bộ, ngành, 63 địa phương và 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, tổng số công trình dự án, danh mục dự án cần phải loại bỏ hoặc giãn tiến độ, đình hoãn trong năm 2008 là 1.736 dự án, với tổng số vốn là 5.625 tỷ đồng, giảm 7,9% so với kế hoạch đã giao. Trong 31 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước có báo cáo, chỉ có một số đơn vị điều chỉnh giảm số lượng dự án và vốn đầu tư là Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Hóa chất, Tổng công ty Lương thực miền Nam, tổng số dự án điều chỉnh giảm là 290 dự án, với tổng số vốn là 4.775 tỷ đồng.

Tại cuộc họp báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Đức Hòa cho hay, trong năm 2008, mục tiêu cắt giảm, đình hoãn các dự án với số tiền là 14.000 tỷ đồng. Như vậy, từ thực hiện đến mục tiêu Chính phủ đề ra cần sự nỗ lực và mạnh tay từ các chủ đầu tư hơn nữa. Để nắm bắt rõ tình hình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 11 đoàn công tác để kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg của Chính phủ.

Một vấn đề nóng bỏng khác ở tầm điều hành chính sách vĩ mô là để tiếp tục kiềm chế nhập siêu cả năm 2008 ở mức 30 - 31% kim ngạch xuất khẩu thì xuất khẩu cả năm phải đạt khoảng 61,2 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2007 và trong 6 tháng cuối năm phải phấn đấu xuất khẩu được 31,3 tỷ USD. Trong tình hình đầu tư nước ngoài tăng cao, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất cho các công trình trọng điểm quốc gia cũng ở mức cao. Việc cắt giảm thuế quan và sức mua trong nước tiếp tục tăng cao, càng làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu. Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm nhập khẩu đều tăng giá, đặc biệt là sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ. Chính vì vậy, nếu các biện pháp kiềm chế nhập khẩu và các chính sách tỷ giá thị trường không thực hiện tốt, nhập siêu sẽ còn tăng cao hơn mức dự báo (21 - 22 tỷ USD).

Để giảm nhập siêu, Chính phủ đã đề ra một loạt giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mới, đạt kim ngạch trên 100 triệu USD và có độ tăng trưởng nhanh như nhóm hàng cơ khí (sản phẩm chế tạo từ gang thép, máy biến thế điện, động cơ điện), sản phẩm từ cao su, thủy tinh… Thế nhưng, cái khó hiện nay là các ngành sản xuất kinh doanh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao làm tăng chi phí, trong khi lãi suất vay ngân hàng cao (trên 20%/năm), vốn lưu động của các DN giảm mạnh so với các năm trước. Ngoài ra, DN còn gặp khó khăn do tỷ giá biến động và tình trạng khan hiếm ngoại tệ trên thị trường.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP như Quốc hội đã đề ra là 7% trong năm 2008 là rất khó khăn. Bởi 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP mới đạt 6,5%, để đạt được tốc độ tăng trưởng đề ra, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ phải đạt 7,5%. Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng phải phấn đấu tăng trưởng 6 tháng cuối năm trên 9% (6 tháng đầu năm mới tăng 7%), ngành dịch vụ 6 tháng cuối năm phải tăng 8,6% (6 tháng đầu năm mới tăng 7,6%).      

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu