Kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/2, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh Hội nghị công bố quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn cảnh Hội nghị công bố quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Quy hoạch ngành Thông tin và Truyền thông có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, thực hiện khâu đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; giúp Nhà nước hoạch định không gian phát triển, thúc đẩy phát triển hạ tầng Thông tin và Truyền thông phục vụ phát triển Kinh tế - xã hội; định hướng hạ tầng Thông tin và Truyền thông trở thành hạ tầng của các hạ tầng kinh tế - xã hội, giúp thông minh hoá các hạ tầng kinh tế - xã hội từ đó khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển, kiến tạo động lực mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng /1/2024.Theo quy hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Cụ thể, theo quy hoạch, trong lĩnh vực bưu chính, mục tiêu đến năm 2025, tổng năng lực khai thác phục vụ của mạng bưu chính đạt trên 93.000 tấn bưu gửi/ngày; hình thành 3 Trung tâm bưu chính khu vực trên cả nước, bảo đảm năng lực khai thác bình quân đạt trên 11.000 tấn bưu gửi/ngày, phạm vi phục vụ bình quân 350 km; hình thành 14 Trung tâm bưu chính vùng trên cả nước, bảo đảm năng lực khai thác bình quân trên 4.500 tấn bưu gửi/ngày, phạm vi phục vụ bình quân 115 km.

Đến năm 2030, mục tiêu xây dựng 3 - 5 Trung tâm bưu chính khu vực trên cả nước, năng lực khai thác bình quân của Trung tâm bưu chính đạt trên 15.750 tấn bưu gửi/ngày; các Trung tâm bưu chính vùng có năng lực khai thác bình quân trên 5.000 tấn bưu gửi/ngày.

Về hạ tầng số, mục tiêu của quy hoạch đến năm 2025, thực hiện triển khai, đầu tư thêm 2 - 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế; hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia, tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng và 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế.

Về hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, đến năm 2030,các nền tảng số quy mô quốc gia được hoàn thiện, vận hành thông suốt đáp ứng được yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu tập trung vào phát triển nền tảng số và coi đây là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Đến năm 2025, hình thành và triển khai đề án, dự án 12 - 14 khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm. Đến năm 2030, hình thành 16 - 20 khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm.

Theo đó, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam theo tinh thần kết hợp tự cường và hợp tác quốc tế như: thiết kế, tích hợp, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, từ thị trường Việt Nam nhưng luôn hướng vào thị trường toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển về công nghệ số và bằng công nghệ số.

Tin bài liên quan