Thu nhập lãi thuần tại BIDV chỉ tăng 3% trong 9 tháng đầu năm 2019, song lãi thuần từ dịch vụ tăng tới 18,7%. Ảnh: Đức Thanh

Thu nhập lãi thuần tại BIDV chỉ tăng 3% trong 9 tháng đầu năm 2019, song lãi thuần từ dịch vụ tăng tới 18,7%. Ảnh: Đức Thanh

Kinh doanh ngoại hối, chứng khoán,... giảm, tín dụng vẫn là đất sống của ngân hàng

Nỗ lực tăng nguồn thu ngoài lãi, giảm tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong cơ cấu tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng chưa đem lại nhiều kết quả. Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm cho thấy, các ngân hàng vẫn sống nhờ vào tín dụng là chính.

Thu nhập từ lãi vay vẫn chiếm trên 70%

Ngấm đòn nợ xấu, những năm gần đây, các ngân hàng muốn xoay chuyển cơ cấu thu nhập theo hướng tăng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối…, thay vì dựa vào tín dụng như trước. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng.

Trong 9 tháng đầu năm nay, mảng dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và chứng khoán của nhiều ngân hàng suy giảm. Yếu tố khiến các ngân hàng giữ được đà tăng trưởng chính là hoạt động truyền thống: cho vay.

Tăng trưởng tín dụng của Techcombank 9 tháng đầu năm nay là 28,7%. Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 10.105 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ. Tín dụng giúp Techcombank duy trì phong độ lợi nhuận 9 tháng đầu năm, bất chấp các nguồn thu ngoài lãi khác đều giảm.

Riêng trong quý III/2019, thu nhập lãi thuần của Techcombank tăng 16% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của Techcombank vẫn chiếm xấp xỉ 70% tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng.

Ở một số ngân hàng khác, các nguồn thu ngoài lãi từ các dịch vụ khác như ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh… đều giảm mạnh trong những tháng đầu năm khiến tỷ trọng đóng góp vào lợi nhuận chung không tăng đáng kể.

Đơn cử, trong các ngân hàng thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, một số ngân hàng đang tăng thu từ mảng dịch vụ khá hiệu quả. Trong 9 tháng đầu năm 2019, lãi thuần của VPBank tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018, song nguồn thu từ dịch vụ tăng tới 93,4%; BIDV thu nhập lãi thuần chỉ tăng 3%, song lãi thuần từ dịch vụ tăng tới 18,7%. Tuy nhiên, VPBank lại lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, BIDV lỗ từ kinh doanh chứng khoán…

Tính chung về cơ cấu thu nhập của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm, lãi thuần vẫn chiếm khoảng 2/3 tổng thu nhập.

Nợ xấu tăng cùng tín dụng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%, tăng so với mức 1,89% cuối năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, trừ một số ngân hàng đang bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng do chưa đạt chuẩn Basel II hoặc đang tái cơ cấu, hầu hết các ngân hàng khỏe được NHNN phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao đều đang chạy hết tốc lực tăng trưởng cho vay để tối đa hóa lợi nhuận.

Các nguồn thu ngoài lãi từ các dịch vụ khác như ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh… đều giảm mạnh rong những tháng đầu năm.

Nhu cầu vay vốn cao, hoạt động cho vay tốt khiến lợi nhuận 9 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng khởi sắc. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng tín dụng, báo cáo tài chính 9 tháng cũng cho thấy, nợ xấu tuyệt đối của hàng loạt ngân hàng phình to, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh. Đặc biệt, lãi dự thu (lãi ảo) của các nhà băng cũng có dấu hiệu tăng lên. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP giải thích, tăng thu ngoài lãi để giảm rủi ro nợ xấu là mục tiêu của tất cả ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN siết chặt tín dụng ngoại tệ, quản chặt thị trường ngoại hối khiến hoạt động này khó sinh lời. Hoạt động mua bán chứng khoán cũng thiếu ổn định. Lĩnh vực dễ mang lại nguồn thu ngoài lãi nhất là dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm), song lại cạnh tranh gay gắt khiến việc thay đổi cơ cấu thu nhập hoạt động không hề đơn giản.

Dù NHNN đã đưa ra chủ trương siết dần tín dụng các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, BOT, chứng khoán…, nhưng từ đầu năm đến nay, vốn đổ vào các lĩnh vực này vẫn tiếp tục tăng mạnh, nhất là bất động sản. Cơ cấu cho vay của một số ngân hàng hiện nay cũng tập trung nhiều vào mảng bất động sản (gồm cả cho vay tiêu dùng), nên nguy cơ nợ xấu vẫn rất cao.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng nhận định, các ngân hàng đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu bằng nhiều cách như: thu từ dịch vụ, từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, thu hồi nợ, bán cổ phiếu quỹ…, song thu nhập chính vẫn là tín dụng. Để hoạt động an toàn, bền vững, nhà băng cần tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu nguồn thu theo hướng tăng dần nguồn thu từ lãi, giảm dần phụ thuộc nguồn thu vào tín dụng.

    Tin bài liên quan