Ông Phạm Thanh Quang.

Ông Phạm Thanh Quang.

Kinh doanh nợ là chiến lược đầu tư dài hạn

(ĐTCK) Xác định giá trị DN luôn là công đoạn phức tạp nhất trong quá trình cổ phần hoá DNNN; bởi nhiều DN có những khoản nợ đọng rất khó cơ cấu. Giải quyết rốt ráo vấn đề này chính là nguyên cớ để Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) vào năm 2003. Từ đó đến nay, Công ty này có hoạt động thực sự hiệu quả như yêu cầu đặt ra? Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC đã có cuộc trao đổi với ĐTCK về hoạt động cũng như những vướng mắc hiện nay của DATC.

Thưa ông, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của DATC là rất quan trọng đối với một số lượng "khổng lồ" DNNN đã và sẽ chuyển đổi, Công ty đã tiếp nhận và xử lý nợ cho bao nhiêu DN trong khối này?

Từ tháng 2/2004 đến nay, DATC đã tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản tồn đọng (TSTĐ) được loại trừ khỏi giá trị DN cho hầu hết DNNN đã và đang chuyển đổi sở hữu (tính đến hết tháng 9/2008, con số này là gần 2.300 DNNN). Đồng thời, trực tiếp giúp xử lý nợ xấu cho 5 NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần. Quá trình xử lý nợ để tái cơ cấu lại tài chính cho DNNN mới chỉ được DATC tập trung triển khai mạnh từ hơn 1 năm trở lại đây.

Vấn đề phức tạp nhất trong hoạt động của DATC là gì?

Vướng mắc lớn nhất hiện là thiếu một hành lang pháp lý mạnh. Cụ thể, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết Điều 54 của Nghị định 109/2007/NĐ-CP về phương án tái cơ cấu thông qua hoạt động mua và xử lý nợ đối với DNNN không đủ điều kiện cổ phần hoá;

Hơn nữa, nhận thức về hoạt động xử lý nợ tồn đọng của DATC cũng rất khác nhau, nhiều khi trái ngược về mặt quan điểm giải quyết vấn đề. Điển hình nhất là những bất cập về việc: phối hợp triển khai mua - bán, xử lý nợ và TSTĐ giữa các bên có liên quan; thực hiện giải pháp giãn nợ, giảm nợ hay xoá nợ tồn đọng để lành mạnh tình hình tài chính cho DN; các biện pháp hỗ trợ về tài chính để giúp củng cố lại hoạt động cho DN…

Tuy còn nhiều vướng mắc, nhưng thực tế hoạt động mua bán, xử lý nợ để tái cơ cấu chuyển đổi DNNN của DATC đã cho thấy tính hiệu quả rõ rệt. Cái được lớn nhất là giúp cho Nhà nước có được một giải pháp mới mang tính thị trường để chuyển đổi và phục hồi lại hoạt động cho  khá nhiều DNNN gặp khó khăn.

Xin ông cho biết, các khoản đầu tư chính của Công ty cũng như thực trạng của nó?  

Phần lớn DN khách nợ mà DATC đã và đang xử lý đều có tình hình tài chính khó khăn, nhiều trường hợp đã bị âm vốn nhà nước hoặc đang phải thực hiện phương án giải thể, phá sản. Tuy nhiên, các tư liệu sản xuất chính của DN vẫn còn; khó khăn chủ yếu chỉ là do bị thiếu vốn lưu động. Việc xử lý nợ của DATC thực chất là giúp DN chủ động được kế hoạch trả nợ phù hợp với năng lực sản xuất hiện hành để có điều kiện đầu tư mở rộng và phát triển. Hiện tại, DATC đang thu hồi dần số vốn đầu tư của mình theo đúng kế hoạch đã định. Cho đến nay, với việc đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để mua và sở hữu tới hơn 4.000 tỷ đồng nợ tồn đọng (trong đó phần lớn tài sản đảm bảo bao gồm nhiều nhà xưởng, máy móc thiết bị và bất động sản có lợi thế thương mại và giá trị lớn), DATC đang xem xét để tái cơ cấu và phục hồi lại hoạt động cho gần 60 DN, trong đó chủ yếu là các DNNN thuộc các ngành nghề rất đặc thù trong nền kinh tế.

Liệu có một thời điểm cụ thể để thu hồi  khoản vốn đã bỏ ra không, thưa ông?

Về cơ bản, hoạt động mua nợ gắn với tái cơ cấu DN là đầu tư dài hạn nên DATC dự định thời gian thu hồi trong vòng 2 - 3 năm, thậm chí cá biệt có trường hợp phải 5 - 6 năm sau khi DN được tái cơ cấu và chuyển đổi thành các CTCP có vốn đầu tư của DATC. Tốc độ thu hồi vốn đầu tư của DATC đạt  khoảng 35% - 40% mỗi năm đã nói lên tính hiệu quả của các phương án. Thậm chí, có trường hợp DATC đã thu hồi đủ số vốn đầu tư ngay sau khi ĐHCĐ thành lập CTCP được diễn ra, như trường hợp của CTCP Procimex Việt Nam.

Được biết, Công ty đã tham gia cơ cấu lại một khối lượng nợ xấu rất lớn của khối NHTM nhà nước. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hoạt động này?

Từ cuối năm 2007, DATC đã kết hợp chặt chẽ với khối NHTM nhà nước như VCB, BIDV, AGRIBANK và VIETINBANK để giúp xử lý dứt điểm một số khoản nợ xấu khá lớn. DATC đã giúp các ngân hàng này cắt giảm được tỷ lệ nợ xấu, lành mạnh lại một phần tình hình tín dụng để củng cố tốt cho quá trình hội nhập và chuyển đổi cổ phần hoá của họ.

Nền kinh tế đang gặp khó khăn, nợ xấu của các DN, trong đó có các công ty niêm yết có thể tăng cao. DATC có tính tới việc hỗ trợ TTCK bằng cách cơ cấu lại các khoản nợ xấu của các DN niêm yết?

Cơ cấu lại các khoản nợ xấu cho ngân hàng và DN chính là chức năng hoạt động cơ bản của DATC trên thị trường tài chính. Chiến lược hoạt động kinh doanh mua nợ để tái cơ cấu chuyển đổi cho DNNN hiện nay của DATC cũng nhằm đến mục tiêu phục hồi, duy trì, củng cố và phát triển tốt hơn cho hoạt động của DN để sau này đủ điều kiện niêm yết trên TTCK. Do vậy, việc tham gia giải quyết nợ và hỗ trợ cho các DN niêm yết cũng là một phần hoạt động của DATC trong tương lai, nhất là khi một số DN có vốn đầu tư của DATC đã bắt đầu đăng ký thành công ty đại chúng và đang hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để niêm yết trong thời gian tới đây.

DATC đã tham gia hợp tác tích cực không chỉ với các NHTM mà cả với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số cơ quan hữu quan để xem xét đến phương án xử lý nợ, sắp xếp và tái cấu trúc lại cho một số lượng khá lớn DN có vốn của SCIC.