Kinh tế 2017: Kích hoạt nhiều thách thức

Kinh tế 2017: Kích hoạt nhiều thách thức

(ĐTCK) Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2017 của Việt Nam là khá thách thức trong bối cảnh sự bất ổn của môi trường quốc tế đang kích hoạt những yếu tố kém thuận lợi trong nước.

Các điều kiện của kinh tế quốc tế năm 2016 trở nên khó khăn và bất định hơn so với giai đoạn hồi phục trước đó, thể hiện qua tăng trưởng toàn cầu thấp hơn kỳ vọng, giá dầu giảm mạnh, thương mại toàn cầu suy yếu, kinh tế Trung Quốc bộc lộ khó khăn trầm trọng sau nhiều năm tăng trưởng cao và xu hướng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đang đẩy nhanh hơn quá trình truyền dẫn rủi ro từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này ra phạm vi toàn cầu.

Đáng chú ý, sự phân hóa trong điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia hàng đầu ngày càng rõ rệt với lộ trình nâng dần lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngược lại với khuynh hướng mở rộng chính sách tiền tệ tại châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…

Trước diễn biến khó lường từ môi trường đối ngoại, nền kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn đảm bảo ổn định và duy trì mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực, giải ngân vốn FDI lập kỷ lục mới, thị trường tài chính - tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát. Mặc dù vậy, trước mắt vẫn là những rủi ro xuất phát cả từ bên trong và bên ngoài, có thể làm chậm lại tiến trình hồi phục nền kinh tế.

Kinh tế 2017: Kích hoạt nhiều thách thức ảnh 1

Kinh tế thế giới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức

Sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang nổi lên như một thách thức lớn đe dọa đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong các báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều cảnh báo về tình trạng xấu đi của môi trường thương mại toàn cầu và cho rằng, trong trung và dài hạn sẽ không có quốc gia nào được hưởng lợi từ những biện pháp hạn chế tự do thương mại toàn cầu.

Kinh tế 2017: Kích hoạt nhiều thách thức ảnh 2

Nợ công quá cao ở một số quốc gia tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ, xung đột địa chính trị, sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy kéo theo những hệ quả tiêu cực tới quá trình toàn cầu hóa đầu tư và thương mại toàn cầu.

Chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ, sức khỏe của kinh tế Trung Quốc và tính dễ tổn thương của hệ thống tài chính toàn cầu cũng tác động tới kinh tế toàn cầu năm 2017.

Sự mất cân đối kinh tế vĩ mô ngày càng rõ nét trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự biến động mạnh trên thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, kéo theo những tác động tiêu cực tới kinh tế vĩ mô cũng như thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế.

Kinh tế 2017: Kích hoạt nhiều thách thức ảnh 3

Xu hướng tăng lãi suất của Fed trái ngược với xu hướng nới lỏng tiền tệ mạnh hơn của hầu hết các nước trên thế giới để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế khiến đồng USD tăng giá, gia tăng bất ổn đối với thị trường tài chính toàn cầu. 

Kinh tế Việt Nam “đan xen” các tín hiệu

Ở trong nước, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đà hồi phục và dự kiến sẽ mở rộng hơn trong năm 2017. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt trên 50 điểm 12 tháng liên tiếp, từ mức 51,3 điểm tháng 12/2015 lên mức 54 điểm tháng 11/2016 (mức cao nhất trong vòng 18 tháng trở lại đây) cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và báo hiệu triển vọng lạc quan của điều kiện sản xuất những tháng tiếp theo.

Nhập siêu quay trở lại trong 3 tháng cuối năm 2016 là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế trong năm 2017 do nhập khẩu các mặt hàng nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Kinh tế 2017: Kích hoạt nhiều thách thức ảnh 4

Giá dầu đang trong xu hướng phục hồi có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của lĩnh vực khai khoáng và giảm áp lực lên thu ngân sách nhà nước. Cán cân thanh toán dự kiến tiếp tục thặng dư nhờ luồng vốn trung, dài hạn vào Việt Nam như FDI, vay, nợ nước ngoài vẫn tương đối ổn định.

Mặc dù vậy, việc đạt được các mục tiêu năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội là khá thách thức do nền kinh tế cũng đang phát đi các tín hiệu kém lạc quan.

Cụ thể, tốc độ giải ngân FDI có xu hướng chậm lại trong các tháng cuối năm 2016 và nhiều khả năng tiếp diễn khi các ngành như may mặc, da dày, hóa chất... của Việt Nam có thể sẽ không còn nhiều lợi thế trong việc thu hút FDI nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thực thi.

Kinh tế 2017: Kích hoạt nhiều thách thức ảnh 5

Mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực ngân sách nhà nước dự báo sẽ giảm khi việc chạm ngưỡng trần nợ công có thể buộc Chính phủ phải cắt giảm chi đầu tư công.

Giá dầu có khả năng tăng tiếp là tín hiệu đáng mừng cho lĩnh vực khai khoáng và thu ngân sách nhà nước, nhưng trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu thành phẩm thì giá dầu tăng khiến chi phí sản xuất trong nước tăng lên, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến GDP.

Trong khi đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ dự kiến tiếp tục chịu áp lực do những biến động khó lường trên thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là các chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kinh tế 2017: Kích hoạt nhiều thách thức ảnh 6 

Hầu hết các tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều giữ nguyên mức dự báo về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017. Theo đó, GDP được dự báo trong miền từ 6,2 - 6,3%, thấp hơn so với mức mục tiêu 6,7%.

Với thực trạng hiện tại của nền kinh tế và bối cảnh quốc tế nhiều rủi ro, việc theo đuổi mức tăng trưởng cao có thể dẫn tới những hệ lụy trong trung và dài hạn. Do đó, mức tăng trưởng phù hợp nên trong khoảng 6,3 - 6,5%.

Lạm phát năm 2017 dự kiến tiếp tục ở mức cao do xu hướng tăng giá của hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới sau khi đã xuống đáy trong mấy năm gần đây, Chính phủ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng (y tế, giáo dục…), nhất là điện sinh hoạt đã không tăng giá kể từ đầu năm 2014.

Ngoài ra, lạm phát cơ bản có thể sẽ cao hơn năm 2016, trong khoảng 2 - 2,5% do mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017 là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng dự kiến của năm 2016, đòi hỏi chính sách tiền tệ cần có các biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh chính sách tài khóa bị hạn chế bởi tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao và nguy cơ vượt trần nợ công. Điều này cho thấy, việc hoàn thành mục tiêu lạm phát 4% trong năm 2017 rất khó khăn.

Để có thể đạt được những mục tiêu năm 2017, chính sách điều hành vĩ mô cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng cường kỷ luật tài khóa, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước là những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, dẫn dắt thị trường trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá trong khi bảo toàn dự trữ ngoại hối quốc gia.

Việc điều hành giá cả khéo léo và nhịp nhàng trên cơ sở cân nhắc lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh “dồn toa” vào một thời điểm và mức độ điều chỉnh quá lớn khiến lạm phát vược mục tiêu đề ra.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2016 (loại trừ yếu tố giá) ước tăng 7,8%, thấp hơn mức 8,5% của năm 2015. Với tỷ trọng khoảng 70% GDP, tiêu dùng giảm tốc đã ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn nền kinh tế, khiến GDP ước tăng 6,21%, thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và dự báo của các tổ chức quốc tế đưa ra từ đầu năm (WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016 lần lượt ở mức 6,6%, 6,4%, 6,6%).

Kinh tế giảm tốc nhưng vẫn ở mức khá cao nếu so với mức tăng trưởng dự kiến của Thái Lan là 3,2%, Indonesia là 5%, Malaysia là 4,2% (theo Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế của ADB, tháng 12/2016). Động lực chính đến từ khu vực chế biến, chế tạo và khu vực dịch vụ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,2%, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2008, khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, với mức tăng 6,98%.

Lạm phát năm 2016 ở mức 4,74%, riêng 2 nhóm hàng dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục đã đóng góp 3,28 điểm phần trăm. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm tăng 1,83%.

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 8,6%, loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 10,6%. Lưu ý, có nghi vấn về tình trạng một số nước trong khu vực mượn xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam để xuất sang các quốc gia mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do để hưởng lợi về thuế. Một vấn đề đáng lưu ý khác là sự tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI, vốn chiếm 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chỉ tăng 11,8%, thấp hơn nhiều mức tăng 17,7% của năm 2015. Do nhập khẩu chỉ tăng 4,6% nên cán cân thương mại ước thặng dư 2,68 tỷ USD.

Tin bài liên quan